Phí đường bộ xe máy: Thu ít, tốn nhiều
Qua khảo sát của PV Thanh Niên, việc thu phí đường bộ đối với xe máy trong năm 2014 tại Hà Nội nhìn chung có kết quả rất thấp.
"Trên thực tế có rất nhiều sinh viên, người ngoại tỉnh thuê trọ có sử dụng phương tiện, nhưng khi tổ công tác tới lập danh sách thì họ lại nói là xe đi mượn, xe không chính chủ, đã từng nộp lệ phí ở quê... nên rất khó xác minh, rất khó thuyết phục được để họ đóng phí"
Ông Đỗ Huy Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố Mễ Trì Hạ (P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Đà Nẵng, Cần Thơ đều gặp khó
Ông Trần Văn Huy, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, khẳng định việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên địa bàn đã đi từ bất cập này đến bất cập khác. Nếu năm 2013, Q.Thanh Khê thu loại phí này được 60% kế hoạch thì 2014 chỉ đạt 16% và có xu hướng tụt dần, không hiệu quả. Theo ông Huy, nguyên nhân là do không có chế tài, việc thu phí là quy định bắt buộc nhưng cách thực hiện lại như cuộc vận động, ai không nộp cũng không sao, về quản lý địa phương cũng không kiểm soát được số lượng xe máy của hộ dân, kê khai sao thì nộp vậy.Ông Lê Văn Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, cho hay theo nghị quyết mới của HĐND TP.Đà Nẵng năm 2014, 20% nguồn thu loại phí này chi cho thực hiện công tác thu, 40% để lại phường xã, 40% để lại cho quận huyện, bất cập ở biên lai mỏng đã được đổi thành thẻ và áp dụng trong năm 2015 nhưng việc thu phí này vẫn rất khó khăn.Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP, cho biết theo kế hoạch trong năm 2014 sẽ thu phí đường bộ đối với xe máy khoảng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10.2014, TP.Cần Thơ chỉ thu được hơn 8,4 tỉ đồng, đạt 41,85% kế hoạch.
Trích 10% là không nhằm nhò gì cả!
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, 322 phường, xã, thị trấn thuộc 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM mặc dù đã có thống kê xe máy của các hộ dân, nhưng số lượng chính xác bao nhiêu thì vẫn chưa nắm được. Lý do là chỉ thống kê được xe của các hộ có hộ khẩu thường trú, còn xe của người dân tạm trú hoặc không đăng ký tạm trú thì “bó tay”. Đây là thực tế nan giải trong việc đảm bảo công bằng khi tiến hành thu phí.Một lãnh đạo UBND phường ở Q.Phú Nhuận cho biết phường vừa thống kê được các hộ dân thường trú trên địa bàn có tổng cộng khoảng 1.500 xe máy, nhưng số lượng xe của các hộ tạm trú thì chưa nắm được là bao nhiêu. Về việc tổ chức thu phí, vị này nói: “Chúng tôi cũng đang rất lo về tính khả thi của nó. Nếu buộc cán bộ, công chức phường đứng ra trực tiếp thu thì cũng được nhưng nếu bắt buộc họ làm như vậy thì sẽ không còn thời gian để làm các việc khác, đặc biệt là giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân sẽ bị đình trệ. Thực tế hiện nay, cán bộ, công chức phường công việc chính của mỗi người theo từng lĩnh vực như nhà đất, tư pháp, quản lý đô thị… Phường dự tính sẽ vận động tổ dân phố thu nhưng cũng rất lo là liệu có thu được hay không, đó là chưa kể về độ rủi ro là trên đường đi thu từng nhà dân, nếu chẳng may bị cướp giật thì khổ nữa”.Lãnh đạo UBND một phường ở Q.8 chia sẻ: “Hiện phường chưa biết sẽ giao cho bộ phận nào trực tiếp thu phí xe máy. Tỷ lệ phí trích lại cho phường 10% là không nhằm nhò gì cả mà thu thì cực khổ lắm. Cán bộ phường thì chắc chắn không thu nổi. Nếu như giao cho tổ dân phố thu thì ít nhất phải trích tiền công 3 - 4%, số còn lại phải lo chi phí quản lý, giấy tờ, sổ sách… thì cũng hết sạch. Như vậy, chỉ với việc nâng cấp hẻm thôi thì cũng sẽ chẳng còn đồng nào để làm”.Theo UBND TP.HCM, thực tế hiện nay xã, phường, thị trấn đang được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo địa bàn quản lý, nên nếu giao cho lực lượng này thu cả phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sẽ không cần tăng thêm biên chế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của PV Thanh Niên, lãnh đạo nhiều phường cho rằng nếu tổ chức thu thì chuyện tăng thêm người là không tránh khỏi. Việc thu thuế sử dụng đất thì dễ do nắm chắc được địa chỉ cụ thể của từng trường hợp cần thu, nhưng với xe máy thì biến động liên tục.“Chắc chắn phải thuê thêm người làm, nhưng với mức trả 3 - 4% tiền phí thu được thì không biết người ta có chịu đi thu hay không nữa. Thực tế thu tiền này rất là khó, mất nhiều thời gian khi đến thu mà người dân không có ở nhà cũng đành chịu, hoặc họ viện dẫn lý do này nọ để không nộp thì cũng chịu luôn”, lãnh đạo một phường ở Q.Phú Nhuận nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024