Phí ngân hàng đẩy lãi vay cao
Phí “chặt chém”
Bà Huyền, kế toán trưởng một công ty tại Nam Định – đang có quan hệ tín dụng với 4 ngân hàng- cho biết: “Lãi suất cho vay đã giảm về dưới 15%/năm, có khoản vay ngân hàng chỉ đưa lãi suất 11-12,5%/năm. Nhưng bù lại, ngân hàng thu thêm một số loại phí như phần lãi suất tăng thêm”.
Theo bà Huyền, các NHTM cổ phần ngoài nhà nước chào mời mức lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với ngân hàng quốc doanh, nhưng lại thu thêm phí.
Trước khi giải ngân, doanh nghiệp phải nộp các khoản như: phí dịch vụ tư vấn, phí thẩm định hồ sơ, phí giải ngân, phí quản lý hồ sơ… Mỗi khoản phí được tính theo tỷ lệ % trên khoản vay, và thay đổi theo từng thời điểm. Nếu cộng tất cả các khoản phí, lệ phí thì lãi suất thường cao hơn lãi suất ghi trong hợp đồng từ 1,5-2%.
“Trước kia, công ty tôi vay 5 tỷ đồng của một công ty tài chính, họ thu luôn một khoản phí dịch vụ tư vấn tới 5% khoản vay. Cộng cả phí và lãi suất, thì chi phí vốn lên tới 17-19%/năm. Từ khi Ngân hàng nhà nước siết việc thu phí, ngân hàng quốc doanh không thu nữa, vì họ đã tính cả trong lãi suất rồi. Còn các ngân hàng thương mại khác vẫn lách để thu phí”- bà Huyền nói.
Theo tìm hiểu của PV thì trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp vay vốn thường phải trả thêm nhiều loại phí. Chẳng hạn, một ngân hàng thương mại cổ phần đã thu các khoản phí sau: phí thẩm định hồ sơ vay (khoảng 0,05% hạn mức tín dụng được duyệt, tối thiểu 100.000 đồng và tối đa 5 triệu đồng, chưa gồm 10% thuế VAT).
Nếu thanh lý hợp đồng trước hạn mà thời gian vay thực tế dưới 30 ngày, khách hàng sẽ phải chịu phạt một khoản 0,05% số tiền vay (gọi là phí thu xếp tài chính, mức tối thiểu 50.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng).
Ngoài ra, khách hàng phải tự thanh toán tiền công chứng hồ sơ, phí đăng kí giao dịch bảo đảm, phí quản lý hồ sơ, phí bảo hiểm khoản vay… khoảng vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng trên một hồ sơ vay.
Đối với khoản vay bằng USD, có thời điểm tỷ giá biến động mạnh, giá USD trên thị trường tự do cao hơn giá niêm yết của ngân hàng (chênh lệch 5.00-1.000 đồng/USD), thì doanh nghiệp phải trả thêm tiền để ngân hàng thu xếp nguồn tiền.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng thừa nhận có chuyện ngân hàng thu phí thẩm định rất cao, tới 3% số tiền giải ngân, hay quảng cáo lãi suất cho vay chỉ 15%, nhưng kèm theo đủ loại phí đằng sau, nên lãi suất thực tế vẫn hơn 17%.
“Việc ngân hàng thu nhiều khoản phí và lệ phí dĩ nhiên là không hợp lý. Nhưng trong 8 tháng năm 2012, tăng trưởng tín dụng rất thấp (chỉ 1,4% so với cuối năm 2011) nên các ngân hàng phải tìm cách tăng nguồn thu, đảm bảo lợi nhuận. Vì tín dụng đóng góp tới 80% doanh thu của nhân hàng”- ông Hiếu nói.
Để bù lại, theo ông Hiếu, ngân hàng vớt vát bằng cách tăng phí, lệ phí của các khoản vay thông thường, cộng chi phí vào lãi vay thường vượt trên 15%/năm. Nhất là các khoản vay tiêu dùng, và các hoạt động thanh toán, dịch vụ khác.
Các khoản phí này được dùng để bù đắp chi phí hoạt động, rủi ro, khuyến mại… Ông Hiếu cho biết: “Vì NHNN chỉ nói chung là mức phí hợp lý mà không quy định cụ thể loại phí nào được phép thu, phí nào không được thu. Cho nên, ngân hàng có “zoom” lớn để tự do áp phí.
Nếu khoản phí nào cao thì ngân hàng tách thành nhiều khoản nhỏ và việc lý giải mục đích thu phí cũng rất đơn giản”.
Nhưng theo ông Hiếu, việc thu phí quá cao có thể là “trá hình” để tăng lãi suất thực tế. Đây là một biểu hiện cho vay nặng lãi một cách hợp pháp, gây tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính và hoạt động doanh nghiệp.
Nặng phí “bôi trơn”
Ngoài các khoản phí thể hiện trên giấy tờ, hóa đơn, thì với nhiều khoản vay, nhất là với những khoản vay không đủ điều kiện phía ngân hàng đặt ra, doanh nghiệp đều ngầm hiểu một nguyên tắc vay vốn: cắt lại 1-2% số tiền vay cho ngân hàng và cán bộ.
Có thời điểm, nguồn vốn khó khăn, nhiều doanh nghiệp “đói” vốn phải chấp nhận cắt tới 5-10% khoản vay, chưa kể chi phí quan hệ khác. Đây là thực tế tồn tại trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Trong báo cáo của dự án “Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam” (ITBI) do VCCI thực hiện, cho thấy, trong tổng số 234 doanh nghiệp được khảo sát, có tới 47,7% đồng ý rằng phải bồi dưỡng cho cán bộ tín dụng.
Trong đó, có 21% cho biết là đưa quà biếu, phong bì theo gợi ý của cán bộ giải quyết thủ tục hoặc “theo thông lệ chung”. Khoảng 60% số doanh nghiệp cho biết, phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng thì mới vay được vốn.
Các doanh nghiệp thừa nhận, họ (buộc) phải cắt vài phần trăm trên tổng số tiền vay để “lại quả” cho cả một ê kíp, từ cán bộ thẩm định, cán bộ lo tư vấn hồ sơ, lãnh đạo cấp phòng, chi nhánh ngân hàng, hội sở…
Phó giám đốc một công ty kinh doanh cảng biển tại Hải Phòng thừa nhận chuyện doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho cán bộ ngân hàng một cách tự nguyện hoặc do gợi ý của cán bộ tín dụng.
Mức phí “bôi trơn” tùy thuộc vào giá trị khoản vay, mức độ thân thiết với ngân hàng…
“Thực tế này xảy ra phổ biến ở các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân. Nhất là doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm thấp, tài chính “có vấn đề”. Họ sẵn sàng trả phí cao, bồi dưỡng cho cán bộ để vay được nhiều tiền, thủ tục nhanh chóng”- Vị phó giám đốc này nói.
Theo báo cáo hợp nhất Quý II- 2012 của ngân hàng ACB, dù dư nợ cho vay trong 6 tháng chỉ tăng 0,85% (tương đương 875 tỷ đồng), nhưng thu từ hoạt động dịch vụ vẫn cao hơn 389 tỷ đồng, lãi thuần hơn 303 tỷ đồng. Đây là khoản thu nhập từ các loại phí và hoa hồng như phí từ dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân quỹ, phí từ khoản bảo lãnh, và các dịch vụ khác... Tương tự, trong 6 tháng năm 2012, khoản lãi từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng quân đội tới 371 tỷ đồng. Dù con số phí và lệ phí thu từ tín dụng không được các ngân hàng công bố cụ thể, nhưng có thể hiểu, nó nằm trong khoản thu “các dịch vụ khác”. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ