Thị trường

Phí phạt trả trước tới 8%, người vay mua nhà cần thận trọng

Mức phí phạt trả nợ trước hạn ở mỗi ngân hàng áp dụng khác nhau, có nơi 2- 3%, nhưng cũng không ít ngân hàng tính mức phí phạt trả trước đến 8% trên tổng dư nợ còn lại nếu khách hàng muốn tất toán khoản vay trước thời hạn.

Mức phí trả nợ trước hạn tại Eximbank hiện là 3% trên tổng dư nợ còn lại.

Càng gần cuối năm, các ngân hàng càng tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi mua nhà, song đi kèm đó là các loại phí. Vì thế, khách vay vốn mua nhà nên tìm hiểu kỹ các loại phí trước khi quyết định vay vốn.

 
Lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà được Eximbank áp dụng mức chỉ 8%/năm trong 6 tháng đầu kể từ khi giải ngân và khoảng 11,5%/năm kể từ tháng thứ 7. Vì thế, theo bà Đinh Thị Thu Thảo, Phó tổng giám đốc Eximbank, thay vì miễn phí phạt trả trước như trước đây, hiện Eximbank áp dụng mức phí trả nợ trước hạn 3% trên tổng dư nợ còn lại mà các khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà có nhu cầu tất toán hợp đồng trước hạn.
 
“Sở dĩ Eximbank áp dụng mức phí này là do lãi suất ngân hàng áp dụng đối với cá nhân mua nhà khá ưu đãi, trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền”, bà Thảo cho biết.
 
Điều đáng nói là, mức phí phạt trả nợ trước hạn ở mỗi ngân hàng áp dụng khác nhau, có nơi 2- 3%, nhưng cũng không ít ngân hàng tính mức phí phạt trả trước đến 8% trên tổng dư nợ còn lại nếu khách hàng muốn tất toán khoản vay trước thời hạn.
 
Thông thường, trong các hợp đồng tín dụng đều có quy định về việc trả nợ trước hạn. Khi khách hàng muốn tất toán trước thời hạn nghĩa là đã phá vỡ hợp đồng. Do đó, các ngân hàng lý giải, việc áp dụng phí phạt trả trước là điều cần thiết để cân đối thu - chi khi ngân hàng phải trả lãi suất huy động vốn cho người gửi tiền.
 
Ông Trịnh Minh Thảo, Giám đốc Dịch vụ - Tài chính cá nhân khu vực miền Nam của Techcombank cho biết, Ngân hàng có áp dụng phí phạt trả trước đối với cá nhân vay mua nhà, khoảng 1-3%/tổng thời gian trả nợ và tổng dư nợ còn lại và điều này hiện cũng được hầu hết các ngân hàng áp dụng.
 
Theo ông Thảo, đây cũng là vấn đề hợp lý đối với ngân hàng trong quá trình kinh doanh. Đặc biệt là khi áp dụng lãi suất ưu đãi, việc áp dụng phí phạt là điều đương nhiên.
 
“Cần xem xét ở hai góc độ. Với người đi vay, nếu ngân hàng áp dụng các khoản phí, thì sẽ không hài lòng. Nhưng với người gửi tiền, hiện lãi suất kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn, nên nếu khách hàng vay tiền kỳ hạn dài ứng với giá vốn kỳ hạn tiền gửi dài, thì ngân hàng phải tìm cách tái đầu tư khoản tiền đó. Vì thế, việc áp dụng phí phạt trả trước cũng là bình thường”, ông Thảo nói và cho rằng, chính sách giá và phí của ngân hàng là dựa vào sản phẩm, chất lượng dịch vụ và khả năng đáp ứng, phí phạt trả trước hay không chưa hẳn là điều tiên quyết để khách hàng vay vốn.
 
Thế nhưng, phí phạt trả trước hiện không được nêu cụ thể trong hợp đồng, cũng không được các ngân hàng cảnh báo cụ thể cho người vay trước khi ký hợp đồng và giải ngân. Do đó, để nắm hết các điều khoản và mức phí phải trả trong quá trình vay vốn, người vay nên chủ động hỏi để tránh tình trạng bị phạt khi có nhu cầu trả nợ trước hạn (mức phí phạt trả nợ trước hạn có thể lên tới 7-8% dư nợ trả trước hạn).
 
Tình trạng áp phí phạt trả nợ trước hạn cao cũng đã được cử tri phản ánh trực tiếp tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua. Các cử tri đề nghị nên điều chỉnh phí phạt trả nợ trước hạn từ mức 5%/tổng vốn vay xuống còn 2-3%.
 
Về vấn đề này, Thống đốc Bình đã có văn bản cho biết, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức phí phải trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
 
“Quy định này là phù hợp với thực tế, vì khi cho khách hàng vay, tổ chức tín dụng đã cân đối nguồn vốn huy động để đáp ứng yêu cầu của khoản vay; đồng thời trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, tổ chức tín dụng phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn mà tổ chức tín dụng đã huy động để cho khách hàng vay”, Thống đốc Bình khẳng định.
 
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo