Thị trường

Phí tàu đè doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp khi xuất hay nhập khẩu hàng hóa đều phải chi trả khoảng chục loại phí và phụ phí khác nhau, trong đó có những loại phí quá vô lý từ các hãng tàu nước ngoài.
Nhiều khoản phí và phụ phí bất hợp lý từ các hãng tàu khiến cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu than trời - Ảnh: Diệp Đức Minh
 
Theo thống kê của Tổng công ty dệt may Gia Định, chỉ tính riêng các loại phí và phụ phí đưa hàng từ nhà máy ra đóng vào container (cont) đã lên gần chục loại. Chẳng hạn, đối với hàng xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) phải nộp cho hãng tàu phí B/L (lệnh xuất hàng) 35 USD/bộ, phí seal 8 USD/cont; phí dịch vụ cont (xếp dỡ cont - THC) từ 90 USD/cont 20 feet hoặc 140 USD/cont 40 feet, phí trải cont để đóng hàng 700.000 đồng/cont 20 feet và 950.000 - 1,2 triệu đồng/cont 40 feet, phí nâng hạ cont 400.000 đồng/lần…
 
Đối với hàng nhập khẩu, các DN phải đóng phí D/O 25 USD/bộ (lệnh giao hàng), phí THC 90 - 140 USD (cont 20 feet hay 40 feet), phí đóng hàng lẻ (CFS) 15 USD/khối, phí handling 25 USD/lô hàng, phí nâng hạ cont 400.000 đồng/lần, phí vệ sinh cont 220.000 đồng/cont. Ngoài ra, các DN còn bị các hãng tàu thu thêm một số chi phí phát sinh gần đây như phí mất cân đối cont hai chiều (CIC) từ 35 USD trở lên; phí kẹt cảng (thu từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 vừa qua với mức 50 USD/cont 20 feet và 100 USD/cont 40 feet) và những phí tùy giai đoạn như phụ phí biến động giá nhiên liệu, phụ phí biến động tỷ giá ngoại tệ,…

Tự tiện đặt phí, nâng mức phí
 
Ông Lê Đông Triều, Tổng giám đốc dệt may Gia Định, cho rằng đang tồn tại nhiều loại phí bất hợp lý. Chẳng hạn, DN đã trả tiền thuê cont khi xuất hàng thì cont phải được gắn seal nhưng hãng tàu lại tách riêng hai cái để thu thêm phí seal. Hay như phí vệ sinh cont hàng nhập khẩu thì phải thu tùy mặt hàng. Không thể thu loại phí này đối với hàng may mặc vì mặt hàng này không làm dơ cont.
 
Theo Cục Hàng hải VN, một số hãng tàu thu phí vệ sinh cont rất cao, khoảng 2,5 triệu đồng/cont. Một bất hợp lý khác là phí sửa chữa vỏ cont dù đã được tính vào chi phí khấu hao tài sản trong quá trình kinh doanh, nhưng hãng tàu vẫn thu từ phía chủ hàng VN. Phí dịch vụ cont được các hãng tàu thu sau đó nộp cho cảng thì họ tùy tiện thu cao hơn nhiều so với mức thu của cảng. Cụ thể, mức thu của cảng khoảng 35 USD/cont 20 feet và 40 - 50 USD/cont 40 feet nhưng chủ tàu thu của chủ hàng 60 - 70 USD/cont 20 feet và 100 - 120 USD/cont 40 feet để hưởng chênh lệch. Phí mất cân đối cont hai chiều hãng tàu bắt DN nộp cũng rất vô lý bởi loại phí này chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container giữa 2 đầu bến, thường chỉ xuất hiện theo thời vụ. Đối với hàng nhập về VN, nếu phát sinh phí thì chủ hàng xuất tại nước ngoài sẽ chịu phí này, thế nhưng chủ tàu nước ngoài vẫn thu từ chủ hàng VN với giá rất cao, 50 USD/cont 20 feet và 100 USD/cont 40 feet, thu liên tục từ năm 2010 đến nay.
 
Theo Cục Hàng hải VN, ngoài các khoản phí và phụ phí nêu trên, người nhận hàng còn phải nộp thêm một số khoản phí khác như phí thủ tục, phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường… Theo thông lệ quốc tế, một số loại phí chỉ được thu khi phát sinh hiện tượng như phí tắc nghẽn cảng, phí mất cân bằng vỏ cont…, nhưng chủ tàu vẫn áp dụng thu đều đặn các loại phí. Các hiệp hội ngành hàng, DN xuất nhập khẩu và các cơ quan quản lý đều cho rằng việc phụ thu phí như vậy là không có căn cứ pháp lý, không tuân thủ theo thông lệ quốc tế và bị áp đặt một phía từ chủ tàu.
 
Còn theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, nhiều hãng tàu thu các loại phí nhưng không thông báo hoặc chỉ thông báo trong thời gian rất ngắn với các mức thu khác nhau khiến DN rất bị động. Chưa kể, mức phí mà các hãng tàu nước ngoài thu còn liên tục tăng theo thời gian. Hiện các mức phí đã tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2013.
 
Bị ép vì đội tàu quá yếu
 
Việc các chủ tàu ồ ạt thu các loại phụ phí đã xuất hiện từ năm 2010 đến nay. Năm 2011, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình này, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
 
Cục Hàng hải VN cho rằng, do đội tàu biển của VN chưa đủ năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời chủ hàng VN cũng thường sử dụng hình thức nhập khẩu hàng theo giá CIF (giá bao gồm phí bảo hiểm và vận chuyển hàng tới cảng của bên nhập khẩu), xuất khẩu theo giá FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất, chưa bao gồm phí bảo hiểm và vận chuyển hàng tới cảng của bên nhập khẩu), nên quyền thuê phương tiện chủ yếu thuộc đối tác nước ngoài và đội tàu biển nước ngoài.
 
Mới đây, Cục Hàng hải có văn bản kiến nghị Bộ GTVT giao Cục phối hợp Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hiệp hội chủ hàng, hiệp hội ngành hàng... rà soát cụ thể việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật VN và thông lệ quốc tế, báo cáo Bộ GTVT để yêu cầu chủ tàu ngừng thu ngay một số loại phí không hợp lý. Bộ GTVT phối hợp Bộ Công thương, VCCI thành lập Tổ công tác liên ngành quản lý, giám sát việc thu phụ phí tàu biển đảm bảo đúng quy định của pháp luật VN và thông lệ quốc tế, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý phù hợp.
 
Theo Hiệp hội Chủ hàng VN, nhà nước cần nghiên cứu đề ra chính sách cấm các hãng tàu thu phí và phụ phí, tất cả phải chuyển vào giá cước. Có thể áp dụng cách làm của Sri Lanka khi Chính phủ nước này đã cấm tất cả các hãng tàu thu phụ phí từ ngày 1.1.2014, mọi thứ đều phải đưa vào giá cước.
 

 Theo Cục Hàng hải VN, thực chất, các loại phí này nằm trong giá cước vận tải nhưng các hãng tàu hạ giá cước để giành hợp đồng vận tải bên ngoài VN, sau đó tăng phụ phí thu từ phía chủ hàng VN để bù lại giá cước. Để lấy được hàng, chủ hàng đã phải trả các loại phí này vì không có sự lựa chọn nào khác.

Tốn 110 triệu USD phụ phí xuất nhập khẩu da giày


Việc đóng quá nhiều phí làm tăng chi phí vận tải và giá thành, giảm sự cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế. Theo báo cáo của Hiệp hội Da - Giày VN, tiền phụ phí chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của các DN thành viên. Chi phí trả phụ phí đối với xuất nhập khẩu da giày của gần 500 DN thành viên của hiệp hội lên tới khoảng 110 triệu USD/năm. Chưa kể trong những năm gần đây, giá cước vận tải biển tại VN luôn cao hơn các nước trong khu vực 10 - 15% nên tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu VN giảm.

 

Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo