Phía sau ánh hào quang của thành công
Thất bại của doanh nhân, không bút mực nào ghi hết. Ở đây, trong khuôn khổ của một bài viết, tôi chỉ xin mạn đàm đôi điều về cái nghiệp mà với tôi, đó là “sứ mệnh”. Cái nghiệp của tôi, cái nghiệp “nhạy cảm”, nhạy cảm đến tận bây giờ, dù thời điểm tôi bắt đầu mang nghiệp cách nay 20 năm - “ nghề massage”.
20 năm trước, thật sự tôi chưa hình dung được tôi sẽ “lên bờ xuống ruộng” với nghề này như thế. Tôi đến với nghề bằng sự tình cờ lúc đó là thợ gội đầu, khi vô tình nhận ra bằng những động tác xoa bóp đầu, vai khi được gội đầu, đôi tay làm nên điều kỳ diệu khi mang lại sự thư giãn, thoải mái và đó là massage.
Massage là một bộ môn khoa học, thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu liệu pháp trị liệu của bộ môn này, trong đó có thể nhắc đến các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,Thái Lan…Nhưng ở Việt Nam? Thời điểm những năm 90, massage gắn liền với tệ nạn.
Nghĩ lại, tôi thấy mình liều. Nhưng đó là nghiệp, đã mang vào người thì chỉ có con đường duy nhất là “minh oan” cho nó, con đường ấy đã được đi 15 năm, từ ngày tôi chính thức thành lập dịch vụ massage cho đến tận bây giờ.
Cái khó của 15 năm trước và cái khó hôm nay
Kinh tế có thể được vực dậy bằng một chính sách nhưng để thay đổi một định kiến, 15 năm, thời gian dường như chưa đủ.
Hệ thống Massage Ngọc Anh hôm nay tuy được khách hàng công nhận là massage điều trị hàng đầu Việt Nam, nhưng với tôi, đó mới là những khởi sắc cho sứ mệnh dài hơi mà tôi đang và sẽ tiếp tục.
Muốn xã hội thừa nhận massage là nghề chân chính, muốn chính quyền có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện trong việc cấp phép hoạt động thì trước hết toàn bộ thành viên của Ngọc Anh phải là những “nhân chứng” trong công cuộc “minh oan”.
Học massage là học nghề, và vì định kiến xã hội nên đến hiện nay, nghề này vẫn là giải pháp cuối trên đường các bạn trẻ tìm kế mưu sinh. Đó là lí do vì sao học viên của ngành phần lớn trình độ thấp.
Mặc dù đây là nghề có thu nhập cao nhưng quá trình đào tạo một KTV chuyên nghiệp khá gian nan, phải học và thực hành trên 3 năm . Do hiểu biết kém nên một số bạn suy nghĩ chỉ cần học một vài tháng là ra kiếm tiền được.
Vì vậy mà ngành massage vẫn mang tên là một ngành nghề “nhạy cảm”. “Nhạy cảm” là vì các em có khi chỉ học vài động tác xoa xoa bóp bóp rồi khi phục vụ khách hàng thì quá dễ dãi, thậm chí là suồng sã với khách, nên ngành mới bị mang tiếng oan như vậy!
Quản lý một tập thể đủ các trình độ, từ đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông, đến không biết chữ quả là vấn đề nan giải.
Vấn đề đặt ra là bài toán về nguồn nhân lực. Tính đến thời điểm này, hơn 500.000USD là số tiền tôi đầu tư cho việc đào tạo Kỹ thuật viên.
Mời giảng viên, chuyên gia các nước về trung tâm Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho học và hành… cốt sao bài bản, chuyên nghiệp, bởi đây chính là nền tảng ban đầu nếu tôi muốn vực dậy nghề massage chân chính.
Ngọc Anh là trung tâm đầu tiên đưa liệu pháp Shiatsu vào Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành nhằm đúc kết nên những tinh hoa của nghề.
Bản thân tôi, từ những năm 95, đã theo học từng khóa đào tạo trong nước đến các nuớc phát triển về Massage như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan…
Tôi muốn chắt lọc lại những gì tốt nhất đẹp nhất mang về cho Việt nam và uớc mơ không xa Massage Việt nam sẽ có thương hiệu .
Tôi đã trực tiếp đứng lớp dạy cho từng giáo viên của trung tâm nhưng điều mà tôi truyền dạy nhiều nhất cho các Kỹ thuật viên của mình là đạo đức nghề nghiệp.
Massage: Môi trường của sự cám dỗ
Xuất phát từ định kiến xã hội, khách tìm đến dịch vụ massage không ít thành phần khiếm nhã. Do vậy, sự thanh sạch của nghề dễ bị vấy bẩn. Kỹ thuật viên hầu hết còn rất trẻ, quan niệm về nghề còn không ít lệch lạc, bản lĩnh sống là điều mà họ còn thiếu nên dễ bị sa ngã.
Tôi luôn trăn trở: phải dạy được đạo đức trước khi dạy nghề cho họ. Đạo đức bắt nguồn từ ý thức, ý thức về bản thân, về nghề. Từ những ngày đầu mở dịch vụ, tôi nhanh chóng thành lập doanh nghiệp, có sống là làm việc theo sự vận hành của cơ chế một doanh nghiệp, các kỹ thuật viên sẽ có sự tự tin và tự hào về công việc mình đang làm.
Các chương trình thi đua, thưởng - phạt, những buổi học ngoại khóa, giao lưu…Ngọc Anh là môi trường văn hóa và hơn 250 kỹ thuật viên hiện nay chính là tài sản của công ty.
Người sẽ viết tiếp sứ mệnh
Quy mô cả hệ thống Ngọc Anh (với năm trung tâm trực thuộc) có hơn 250 kỹ thuật viên và cứ sau 1 năm, Ngọc Anh có thêm 140.000 lượt khách.
Tôi đã tạo điều kiện để những cộng sự của Ngọc Anh tham gia vào công việc quản lý, lãnh đạo. Nhưng rất khó, trong nghề, họ thấu hiểu nghề nhưng lại thiếu trình độ quản lý. Mọi việc đổ dồn vào tôi chẳng khác “trăm dâu đổ đầu tằm”.
Không ngần ngại trả mức lương cao nhằm mời những Giám đốc điều hành giỏi về điều hành Ngọc Anh, nhưng được một thời gian ngắn cái tôi nhận được là sự thất vọng. Vì giữa những vị học cao và các em trình độ thấp không thể hòa nhập và hiểu nhau được. Dù có giỏi nhưng thiếu tâm huyết thì khó mà đồng hành cùng tôi trên con đường đi tìm sự thừa nhận cho ngành.
Tôi quyết định cất nhắc chính những người trưởng thành từ Ngọc Anh trong vai trò quản lý. Chi phí bỏ ra nhiều hơn cho việc đào tạo tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản lý, điều hành. Và bây giờ, tôi đã có thể phần nào yên tâm.
Thay đổi định kiến xã hội – trông chờ vào cơ chế
15 năm qua, có những giai đoạn tôi “mất trắng”, mất hết vốn đầu tư và quan trọng hơn là mất tinh thần, mất ý chí, nghị lực, những giai đoạn thật sự khủng khiếp đối với một doanh nhân.
Năm 1997, vốn liếng hơn nửa đời người tích góp, tôi dành hết để mở dịch vụ massage, nhưng cơ sở chỉ được mang tên là “Phòng chẩn trị y học dân tộc”, bán công khai vì giấy phép hành nghề thì có nhưng giấy phép kinh doanh không, kinh doanh lỗ triền miên vì không dám khuếch trương, làm quảng cáo.
Sau 3 năm gắng gượng, năm 2000 tôi mở thêm cơ sở 2, cùng lúc bên cơ sở 2 tu sửa theo đúng tiêu chuẩn dịch vụ massage trị liệu thì cơ sở 1 bị đóng cửa vì liên quan giấy phép. Khách hàng bỏ đi, nhân viên mất việc, hợp đồng với đối tác dang dở.
Từ sau 2005, nhằm mở rộng hệ thống, Ngọc Anh đã có những liên kết với những khách sạn lớn như Thiên Hồng , Riverside, Majestic, Làng du dịch Sài Gòn Bình Dương, Trung tâm thương mại dịch vụ B tỉnh Vĩnh Long…nhưng đã không ít lần xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc vì sự bội tín. Gánh phần thiệt về mình, âu cũng là vì ngành chưa nhận được sự đồng thuận từ xã hội.
Nhưng chinh phục cái khó mới đáng gọi là chinh phục, đó là cái giá của người đi tiên phong, đường càng khó đi, tôi càng phải tâm huyết.
Ngôi trường chính quy – giáo trình bài bản. Đó là ước mơ, là hoài bão phấn đấu của đời tôi
Theo ước tính, cả nước có nhu cầu về lực lượng kỹ thuật viên này ở vào con số 150,000, đó là chưa kể thị phần xuất khẩu lao động sang các nước. Đây là điều mà tôi luôn, trăn trở vì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ thất nghiệp cao trong khi ngành massage điều trị vẫn đang là mảnh đất màu mỡ.
Một khi massage được công nhận là nghề chân chính như bao nghề, các kỹ thuật viên tự hào về nghề nghiệp, những khóa học chính quy, những mảnh bằng được thừa nhận giá trị…thì đầu vào cho ngành không còn là mối bận tâm nữa, gánh nặng xã hội về nạn thất nghiệp cũng giảm đi đáng kể.
Ngọc Anh đã không ngừng tìm kiếm những cơ hội hợp tác đào tạo với các ngôi trường chính quy. Đôi khi, tôi thấy mình như con ong, cứ miệt mài để đi tìm sự đồng hành, cùng chí hướng của đối tác, vì chỉ khi nào cùng hiểu được sự cao trọng của nghề, vượt lên những định kiến xã hội thì mới mạnh dạn để hành động, để vực dậy nghề này.
Hiện Ngọc Anh đã liên kết được với các trường nghề uy tín trong nước, liên kết đào tạo, cấp bằng… được xem là những tín hiệu vui cho nghề.
Franchising để phát triển ngành nghề chân chính
Gần 15 năm miệt mài tìm chỗ đứng và vị thế cho thương hiệu của mình cũng như cho nghề msasage nói chung, thương hiệu Ngọc Anh đã đủ uy tín để được cấp phép mở rộng hệ thống franchise. Chính hệ thống này với sức mạnh tổng hợp của nó sẽ là đòn bẩy để thương hiệu Ngọc Anh được nâng lên ở tầm cao mới, vị thế mới.
Với sự chia sẻ các giá trị cốt lõi của Ngọc Anh trong franchise, sức mạnh cộng đồng được tập hợp để cùng nhau phát triển ngành nghề, và điều quan trọng là sự nhìn nhận của xã hội về nghề sẽ có sự chuyển biến.
Hẳn nhiên, hành trình đi tìm sự thừa nhận cho ngành còn rất dài, nhưng bằng tất cả những gì có thể, những gì đã làm được định hình cho một hướng đi đúng đắn, tôi tin tưởng vào “sứ mệnh” gian khó của mình.
Cái nghiệp làm doanh nhân, “mỗi nhà mỗi cảnh”, trên đây chỉ là đôi chút trải lòng vì chắc chắn rằng chỉ có “nghiệp” mà tôi trót mang mới thăng trầm đến vậy. Mồ hôi và nước mắt thật sự mới làm nên hào quang!
End of content
Không có tin nào tiếp theo