Chứng khoán

Phía sau việc giảm chỉ tiêu kinh doanh vào “phút chót”

Từ đầu tháng 11/2013 đến nay đã có thêm 9 doanh nghiệp niêm yết công bố điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2013 với mức giảm khá lớn, kể cả những công ty lớn trên cả hai sàn. Nhà đầu tư thì đặt câu hỏi, mục đích điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2013 trong khi biết chính xác tới 95% kết quả kinh doanh cả năm 2013, hội đồng quản trị doanh nghiệp niêm yết nhằm tới điều gì?

Ocean Mart, một thành viên của Tập đoàn Đại Dương.

Mới đây nhất, ngày 18/11, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương-Ocean Group (mã OGC-HOSE) bất ngờ công bố Nghị quyết đại hội cổ đông (qua lấy ý kiến bằng văn bản) về việc điều chỉnh giảm kế hoạch 2013: doanh thu còn 2.600 tỷ đồng, giảm 13%, lợi nhuận trước thuế giảm tới 55%, từ mức 200 tỷ đồng xuống còn 90 tỷ đồng, thấp hơn tới 70 tỷ đồng so với lợi nhuận trước thuế thực hiện trong 9 tháng đầu năm.

Đáng chú ý nhất là Hội đồng Quản trị OGC đã biết rất rõ lợi nhuận trước thuế thực hiện 9 tháng là 160 tỷ đồng và sau thuế 68 tỷ đồng nhưng vẫn xin ý kiến cổ đông điều chỉnh lợi nhuận trước thuế cả năm giảm mạnh so với thực hiện 9 tháng, không biết nhằm mục đích gì. 

Ngày 18/11, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (mã CMV-HOSE) thông báo giảm 17% kế hoạch lợi nhuận năm 2013 xuống còn 30 tỷ lợi nhuận trước thuế và 22,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Mức điều chỉnh giảm khủng nhất là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR-HOSE), doanh thu và lợi nhuận trước thuế kế hoạch đầu năm là 303 tỷ và 36 tỷ đồng, xuống còn vỏn vẹn 40 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, giảm 12 lần.

Ngày 15/11, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam-Vietinbank (mã CTG-HOSE) công bố nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2013, trong đó lợi nhuận trước thuế giảm từ 8.600 tỷ đồng xuống còn 7.500 tỷ đồng, giảm 8,2% so với thực hiện năm 2012. Tỷ lệ chia cổ tức 2013 cũng giảm từ 12% xuống chỉ còn 10%.

Cuối tháng 11/2013, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ-HOSE) sẽ lấy ý kiến cổ đông xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch 2013, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm từ 65 tỷ đồng xuống còn 25 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất giảm lần lượt còn 256,4 tỷ đồng và 205,2 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (mã VCF) công bố nghị quyết hội đồng quản trị ngày 14/11/2013 điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2013, doanh thu được giảm từ 3.100 tỷ đồng xuống 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 475 tỷ đồng xuống 255 tỷ đồng, tương đương mức giảm 46,32%.

Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu (mã COM-HOSE) điều chỉnh kế hoạch với doanh thu còn 5.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 25 tỷ đồng, giảm lần lượt 2,86% và 3,85%.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HU3) giảm kế hoạch doanh thu từ 315 tỷ đồng xuống còn 280 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 22 tỷ đồng xuống 17 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chi trả 9% thay vì 12%.

Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (mã PSL-UPCoM) điều chỉnh lợi nhuận từ 17,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 4 tỷ đồng. Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã PGI-HOSE) cũng điều chỉnh lợi nhuận trước thuế năm 2013 từ 135 tỷ đồng còn 105 tỷ đồng, tức giảm 30 tỷ đồng với lý do kinh doanh bảo hiểm trong năm 2013 là năm khó khăn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính giáo dục (mã EFI-HNX), nhất trí giảm lợi nhuận trước thuế năm 2013 từ 15,4 tỷ đồng xuống 8,3 tỷ, doanh thu hạ từ 25 tỷ đồng còn 18,4 tỷ đồng. Công ty Cổ phần cao su Thống nhất (mã TNC-HOSE) cũng giảm lợi nhuận từ 40 tỷ đồng xuống 33,5 tỷ đồng. 

Theo giới phân tích, việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2013 sẽ mang lại khoản tiền thưởng không nhỏ cho ban điều hành doanh nghiệp, nhất là những công ty niêm yết có lãi ròng hàng trăm tỷ đồng.

Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông 2013, mức thưởng cho ban lãnh đạo cao nhất thuộc về ngành dầu khí, lên đến 15-20% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch, mức phổ biến là 5% và mức thấp là 2%. Chính vì lợi ích thiết thực này nên hội đồng quản trị công ty rất sốt sắng và tích cực lấy ý kiến các cổ đông bằng văn bản để nhanh chóng thông qua, không phải chờ đợi lâu.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp biết chắc chắn không đạt chỉ tiêu kế hoạch, vì đến giữa tháng 11 hàng năm, kế toán trưởng có thể dự tính chính xác đến 95% kết quả kinh doanh cả năm, nhưng lại muốn giữ uy tín cho ban lãnh đạo và làm đẹp sổ sách nên cũng xin giảm lợi nhuận để cuối năm báo cáo với cổ đông vẫn hoàn thành kế hoạch, dù tăng trưởng bị âm.

Một số công ty chứng khoán cho rằng, những doanh nghiệp niêm yết xin cổ đông giảm chỉ tiêu lợi nhuận có thể do cố tình đưa ra chỉ tiêu khủng từ đầu năm vì một mục tiêu “bí mật” nào đó.

Một nguyên nhân nữa là khả năng đánh giá thị trường và lên kế hoạch kinh doanh cả năm của ban lãnh đạo chưa tốt. Tuy nhiên với mức điều chỉnh lợi nhuận giảm tới 4-12 lần thì không có một nhà đầu tư nào có thể hiểu nổi.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo