Phó Chủ tịch Hội An: Không vé tham quan,đừng vào phố cổ!
Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An trả lời việc du khách và các đoàn lữ hành phẫn nộ chuyện thu phí vào phố cổ.
Tránh việc các công ty lữ hành cho du khách đi chui
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 23/4, trước việc các du khách và các đoàn lữ hành đang lên tiếng phản đối chuyện Hội An tiến hành thu phí vào phố cổ, ông Bay cho rằng: "Trước đây, du khách đi tự do, việc kiểm soát không kĩ, giờ phải kiểm soát bằng cách cứ ai vào phố cổ là phải mua vé, vì thế xảy ra câu chuyện này thôi".
Theo ông Bay, việc thu vé tham quan đã được tổ chức từ 20 năm nay, nhưng sau đánh giá của năm 2013, thì thấy rằng lượng khách đến tham quan Hội An mua vé để đóng góp cho việc trùng tu phố cổ chỉ được 1/3, số lượng người vào khu phố cổ. Vì thế, nghị quyết của HĐND đưa ra để thắt chặt việc quản lý việc du khách đi tham quan khu phố cổ phải mua vé, theo quy chế quản lý tham quan khu phố cổ.
Ông kể: "Có một tình trạng diễn ra, các công ty lữ hành đặt vé rồi sẽ trình vé ra để vào. Còn bây giờ một số các công ty tổ chức các tour, từ Đà Nẵng vào chẳng hạn, sẽ thả khách đó và cho khách đi tự do, thì bây giờ có lấy tiền vé tham quan hay không thì không biết, nhưng họ không có trách nhiệm mua vé cho khách vào khu phố cổ".
Theo chia sẻ của ông, thì năm 2013, Hội An thu được 76,4 tỷ đồng. Việc bán vé tham quan vào khu di sản Hội An đã thực hiện từ tháng 10/1995, theo Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, sau đó, Hội An tháng 12/1999 được công nhận di sản văn hóa, thì lúc đó cũng nâng cao tiếp tục thực hiện từ đó đến nay, đâu phải bây giờ mới thu.
Còn việc giá vé tăng, thì đã tăng từ năm 2012 từ 90.000đ lên đến 120.000đ. Các công ty làm ăn chân chính đối với Hội An vẫn bình thường, chỉ có 1 số công ty làm ăn không chân chính thì mới bức xúc trước chuyện này.
Đã vào phố cổ là phải mua vé!
Bên cạnh đó, ông khẳng định rõ: "Bây giờ chúng tôi chỉ biết, cứ đưa khách vào khu phố cổ, khu di sản phải mua vé. Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty lữ hành làm ăn không chịu mua vé, thu của khách, nhưng thả khách ở đó, không mua vé cho khách để khách ra vào tự do, chúng tôi không quản lý hết được.
Thậm chí, một số đơn vị nói chỉ dẫn khách vào khu vực 1 phố cổ đi ăn thôi để không mua vé nhưng sau đó cũng dắt khách đi lung tung".
Được biết, việc triển khai siết chặt mua vé khi vào phố cổ, đã được Hội An tiến hành từ ngày 16/4, vì vậy, theo ông thì chỉ có các công ty lữ hành làm ăn chui thì mới bất bình trước việc này.
Đến bây giờ muốn đi vào phố cổ thì phải có vé, như vậy sẽ quản lý được 100% du khách đi vào khu phố cổ. Trong đó, bao gồm phí tham quan các điểm, dĩ nhiên có cả tham quan phố cổ.
Còn ông nhấn mạnh: "Nếu không tham quan, thì đừng nên vào phố cổ vì nó dành cho việc tham quan, du lịch của du khách".
Bởi, theo phân tích của ông Bay thì thực ra đi tham quan Hội An cũng phải vào di tích, chứ có nhiều người mang tiếng đi vào Hội An nhưng không biết Hội An là gì, chỉ đi nhìn phố để xem nó ra sao. Như vậy, làm sao biết được quá trình hình thành và phát triển của từng di sản để lại, đúc kết lại tinh thần quá trình giao lưu tiếng văn hóa của Hội An, mấy trăm năm nay nó như thế nào.
Làm sao biết được tổng thể của một khu đô thị cổ, nguyên là một bản thị sầm uất nhất thế kỷ 17, 18.
Sẽ xem xét để điều chỉnh
Trong một diễn biến khác, khi nói về mục đích của việc thu phí thì ông Bay cho rằng: "Chúng tôi sẽ xem lại tình hình như thế nào thì mới có phương án thay đổi, vì chúng tôi mới có triển khai thực hiện được hơn 1 tuần. Mà đặc biệt, chắc chỉ có người đi tự do, đi chui thì giơ mất tiền mua vé thì họ kêu thôi".
Nói về mục đích của việc thu phí vào phố cổ, theo ông thì có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, nhằm có kinh phí để trùng tu, rồi tôn tạo di sản, cũng như các di sản khác, như di sản ở Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng đều phải thu vé.
Thứ hai, trước đây, việc quản lý chưa chặt chẽ, nên giờ phải siết chặt lại để không làm thất thoát nguồn thu.
Còn về hậu quả, thì ông Bay cho hay: "Tất nhiên lượng khách mấy ngày qua cũng bị giảm đi, một số đoàn không bán vé vào Hội An nữa, nhưng chuyện đó thì cũng bình thường thôi, họ không đi chỗ này thì đi chỗ khác. Nhưng khách đến tham quan phố cổ thì phải có vé, bởi nếu anh tham quan 1 khu di sản mà không mất phí thì làm sao".
Với số tiền thu được, Hội An chi tiêu theo NQ của HĐND tỉnh, mấy năm trước thì trích 25% dành cho Ủy ban tham quan để tổ chức bộ máy, đầu tư, quảng bá. Vừa rồi nâng lên 30% để đáp ứng đủ cho đội ngũ hơn 100 con người ở đó, còn lại 70% nộp vào ngân sách nhà nước để trùng tu, xây dựng du lịch hạ tầng phố cổ.
"Cái gì cũng phải bình tĩnh, chúng tôi cũng sẽ tiến hành xem xét thái độ để điều chỉnh cho phù hợp", ông cho hay.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo