Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Tôi phải nói thật là người dân bị hành”
“Tôi càng đi càng thấy buồn”
Dù đánh giá cao việc sửa đổi Luật BHYT, nhưng PCT nước Nguyễn Thị Doan cũng thẳng thắn cho biết còn nhiều vấn đề quan trọng chưa đưa vào dự thảo, mà cụ thể là vấn đề phân cấp quản lý và bộ máy không có quy định rõ trong luật; việc bắt buộc phải mua BHYT toàn dân sẽ rất khó áp dụng.
“Đọc ở dự thảo tôi thấy là nếu đúng như thế này thì tuyệt vời, vì mức hưởng tăng lên, mức chi trả thấp đi, vậy là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng xin đặt ra vấn đề với các đồng chí là nói bắt buộc mua BHYT, nhưng thực tế thì rất khó thực hiện. Nếu có tiền thì người ta sẽ đi theo hướng dịch vụ chứ việc gì phải mua BHYT để rồi bị hành? Tôi phải nói thật là người dân bị hành. Thực tế là phải chờ rất lâu mới được thanh toán bảo hiểm, rồi thì quy định khám chữa bệnh phải theo tuyến, trái tuyến lại phải chi trả… do đó thực tế là không bắt buộc được.
Vì vậy, tôi thấy rất lo quỹ bảo hiểm có thể chịu được đến đâu? Vì nếu quỹ vỡ thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới an ninh, xã hội. Tôi đề nghị các đồng chí tính toán lại kỹ hơn, vì bây giờ bệnh lạ cũng rất nhiều, chi trả qua bảo hiểm cũng rất nhiều, mức đóng thì ít nhưng lại muốn hưởng dịch vụ cao, vì thế nếu tính toán không cẩn thận thì sẽ phải chi trả rất nhiều các loại bệnh không mang tính đặc thù”, PCT nước chia sẻ.
Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, báo cáo giám sát mới chỉ dừng lại ở mô tả về tình hình sử dụng BHYT, tình hình khám chữa bệnh mà chưa chỉ ra được nơi nào làm tốt, nơi nào không tốt. Báo cáo cần phải chỉ ra trách nhiệm của những đơn vị, cơ quan, địa phương làm chưa tốt và cần chỉ rõ phải bổ sung cái gì trong thời gian tới.
Qua thực tế tiếp xúc với người nghèo, Phó Chủ tịch nước chỉ ra những bất cập khi sử dụng thẻ BHYT hiện nay, như không được đối xử công bằng như người có tiền; địa phương không muốn đưa bệnh nhân lên tuyến trên, làm bệnh tình trầm trọng thêm; việc chi trả tiền bảo hiểm rất lâu và khó khăn.
Trước thông tin số tiền kết dư từ BHYT lên đến 13 nghìn tỷ đồng, PCT nước đề nghị: Cần phải làm rõ tại sao lại như vậy, trong khi người có thẻ BHYT không được chi trả thích đáng, thuốc thì kém chất lượng?
“Nguồn lực của chúng ta đang bị phân tán trong khi chúng ta đang rất nghèo. Tôi càng đi tôi càng thấy buồn. Trong khi chế độ chính sách của Đảng, nhà nước thì rất tốt, nhân dân rất tin tưởng, nhưng khi chế độ chính sách xuống đến dân thì nó như thế đấy”, PCT nước tỏ rõ sự bức xúc.
Mong muốn công an, quân đội chia sẻ BHYT với nhân dân
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo lộ trình đề nghị thì đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt 80% BHYT toàn dân. Việc toàn dân tham gia BHYT sẽ tạo ra một nguồn kinh phí lớn chi trả cho những người khám chữa bệnh (số ít), tuy nhiên hiện nay lực lượng công an và quân đội lại đang được áp dụng những cơ chế riêng và đề nghị không tham gia hệ thống BHYT chung mà Bộ Y tế trình bày.
Đại diện của Bộ Quốc phòng cho biết, việc quân nhân tham gia BHYT là trách nhiệm của quân đội với lộ trình BHYT toàn dân, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật. Từ năm 2008, Bộ Quốc phòng đã có cơ quan bảo hiểm xã hội riêng và hiện nay đã triển khai thí điểm BHYT trong quân đội.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là trong khoản 1 Điều 31 của Luật sĩ quan, khoản 1 điều 53 Luật nghĩa vụ quân sự đều nêu rõ: Khi quân nhân bị thương, bị bệnh, bị tai nạn được chăm sóc bảo đảm bằng ngân sách nhà nước. Thứ hai là trong quân đội thì có hệ thống quân y toàn diện đóng quân trên cả nước.
Nếu áp dụng khám chữa bệnh cho lực lượng quân đội đúng với quyền lợi của người tham gia BHYT thì còn rất nhiều nội dung quân nhân không được đảm bảo. Thí dụ, quân y đảm bảo cho sẵn sàng chiến đấu; cơ số dự trữ đảm bảo các tình huống đột xuất; đảm bảo các tình huống đặc thù, khám sức khỏe định kỳ, tuyển sinh quân sự… không nằm trong mục chi trả của người tham gia BHYT. Những trường hợp phải vận chuyển chiến sĩ bằng máy bay, tàu thủy… thì không thể thực hiện chi trả như BHYT thông thường mà phải áp dụng chế độ đặc thù của quân đội.
Vì vậy, Bộ Quốc phòng kiến nghị không đưa quân đội vào đối tượng tham gia BHYT ngay ở thời điểm hiện tại, nhưng trong lộ trình tới năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan khác đề xuất một chính sách phù hợp.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì lực lượng vũ trang cũng cần tham gia đóng BHYT vào hệ thống chung như người lao động ở các lĩnh vực khác, để đảm bảo sự công bằng.
“Vấn đề này, tôi xin đề nghị với Ủy ban Thường vụ trình ra Quốc hội quyết định. Chúng tôi thì đã thảo luận kỹ trong Chính phủ, đã nêu ý kiến là ở các nước người ta muốn áp dụng BHYT toàn dân thì lực lượng vũ trang cũng phải tham gia, vì quân đội hay công an thì cũng là dân. Lương hiện nay của lực lượng này cao hơn nhiều lĩnh vực khác, do vậy nếu đóng BHYT thì sẽ tạo thêm được một khoản kinh phí cho hệ thống chung.
Hiện nay, các đồng chí áp dụng theo hệ thống riêng, nhưng sau này khi về hưu thì lại nhập vào hệ thống chung, lương khi ấy thì thấp mà lại hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh chung như người khác là không công bằng. Thực tế là quân đội hay công an cũng chuyển sang khám chữa bệnh bên dân y nhiều, vì vậy chúng tôi mong muốn đã là BHYT toàn dân thì lực lượng nào cũng tham gia”, Bộ trưởng Tiến nói.
Trao đổi về nội dung này, PCT nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ mong muốn lực lượng quân đội, công an cần nghiên cứu các phương án tham gia BHYT, chia sẻ khó khăn với nhân dân.
Phó Chủ tịch nước chia sẻ: “Hiện nay chế độ BHYT của lực lượng quân đội, công an đã áp dụng theo những cơ chế đặc thù, nhưng tôi thì nghĩ là bây giờ chúng ta cần sự chia sẻ trách nhiệm với nhân dân. Hạnh phúc của chúng ta là được đóng bảo hiểm nhưng không ốm, vì khi ấy chúng ta đã chia sẻ trách nhiệm với xã hội. Vì vậy, tôi cũng đề nghị các đồng chí bên quân đội và công an tính toán xem chia sẻ với nhân dân thế nào trong lộ trình này, vì hiện nay nhân dân chúng ta còn rất nghèo”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo