Tin tức - Sự kiện

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: Kể cả tôi cũng chưa được đào tạo một cách bài bản

Đề cập tới nội dung triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và năm 2015, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
 

PV: Năm 2014 ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan chức năng nhưng vẫn còn nhiều vi phạm xảy ra, như sản xuất hàng không đảm bảo chất lượng, hàng ôi thiu thẩm lậu qua biên giới?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Năm qua dù đã có cố gắng trong thanh kiểm tra, nhưng sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

Do nhiều yếu tố, trước tiên là chưa đảm bảo nội dung quản lý, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng chưa được tốt, chúng tôi đã ý thức được điều này và tiếp tục tăng cường.

Nguyên nhân khách quan, số cán bộ đáp ứng yêu cầu còn quá ít, trình độ chuyên môn còn hạn chế, đây là bài ca muôn thủa nhưng là nội dung không thể không nói đến.

 

Lực lượng chuyên ngành so với cơ sở chế biến thực phẩm, so với số dân chỉ bằng 1/10 so với các nước khác.

Ngay cả Cục An toàn thực phẩm, kể cả tôi cũng chưa được đào tạo một cách bài bản về lĩnh vực này, chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên môn nên chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu, học tập để áp dụng vào thực tiễn.

Phần lớn cơ sở chế biến sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ lẻ. Có 10 triệu hộ nông dân thì bằng đó hộ đều trồng rau nuôi gà thả cá, ăn không hết thì đem bán ra thị trường, đó là tập quán nghìn đời không phải một sớm một chiều có thể bỏ được.

Như vậy thì làm sao đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng với đặc thù nông nghiệp khác biệt nên phải tuyên truyền để thay đổi dần.

Một bộ phận đời sống người dân còn thấp, nhất là ở vùng sâu vùng xa chưa đủ điều kiện sử dụng thực phẩm tốt. Một kg thực phẩm tươi giá 100 nghìn, nhưng khi có hiện tượng ôi thì chỉ còn 30 nghìn, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên họ chấp nhận mua về ăn.

Tất cả các lý do trên khiến cho thực phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

PV: Nguyên nhân nữa chưa thấy ông nhắc đến, có phải chế tài xử phạt còn nhẹ?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Chế tài xử phạt không hề nhẹ, mức phạt đối với cá nhân cao nhất là 100 triệu, với cơ quan là 200 triệu. Ngoài mức này ra, nếu không tương xứng với hành vi, mức độ vi pham luật cho phép phạt gấp 10 lần số hàng hóa vi pham. Quan trọng là cơ quan xử lý phải áp dụng đúng, đầy đủ các chế tài này

PV: Ông có thể cho biết năm 2015 cơ quan chức năng sẽ làm gì để đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực  phẩm
?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Năm 2015 nhiệm vụ thanh kiểm tra được ưu tiên hàng đầu, tập trung xử lý vi phạm ở tuyến cơ sở, xã phường. Có thực tế trước đây do trình độ cán bộ còn hạn chế, rồi nể nang nên chỉ nhắc nhở. Việc này cần phải chấm dứt để nâng cao hiệu quả xử phạt

Thời điểm trước Tết nguyên đán, nếu phát hiện có vi phạm thì sẽ tiến hành lấy mẫu, đồng thời chỉ đạo cơ sở xét nghiệm ưu tiên kiểm định ngay.

 

Kết quả phải được công bố trước Tết, thực phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ không được lưu thông, và thực phẩm an toàn cũng được công bố để lưu thông minh bạch.
 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo