Phó Thủ tướng nói về "binh pháp" trong điều hành kinh tế
“Điều hành kinh tế cũng giống như chỉ huy cả một cuộc chiến, có những lúc phải chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chia sẻ như vậy khi nói về việc điều hành kinh tế hiện nay. Theo ông ngay cả khi kéo pháo vào trận địa rồi lại phải kéo pháo ra vì điều kiện chưa cho phép tiến công để đạt mục tiêu cuối cùng là thắng lợi cao nhất và trả giá thấp nhất”.
Vòng tròn tập đoàn
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc thành lập tập đoàn kinh tế rồi lại thay đổi cũng thể hiện cái gọi là chuyển từ“đánh nhanh thắng nhanh” sang "đánh chắc thắng chắc".
Theo đó, xác định ngay từ đầu là làm thí điểm với mong muốn là thành lập những “quân đoàn chủ lực” trên mặt trận kinh tế. Sau một thời gian thí điểm, đã có khoảng 10 tập đoàn kinh tế ra đời, trong đó có nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả, là động lực phát triển cho những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau thời gian nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, điều kiện, hoàn cảnh giờ đã khác trước, nên chúng ta đã quyết định dừng thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, một số tập đoàn kinh tế (như Vinashin, HUD…) hoạt động không hiệu quả thì cho quay trở lại mô hình tổng công ty.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định câu chuyện Vinashin chính là minh chứng cho sự thay đổi "cách đánh".
Cụ thể khi Vinashin thành lập (ngày 15/5/2006), kinh tế thế giới đang ở giai đoạn phát triển mạnh, nhu cầu vận tải biển lớn kéo theo nhu cầu đóng mới tàu biển cao. Trong khi đó, sau 10 năm hoạt động, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành công nghiệp tàu thủy, vì vậy, việc thành lập Vinashin khi đó là chính xác, với ước muốn xây dựng nền công nghiệp đóng tàu tầm cỡ thế giới.
Nhưng kể từ năm 2008 trở lại đây, kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái và tăng trưởng chậm lại, nên nhu cầu đóng tàu biển giảm mạnh, Vinashin cũng như hầu hết các tập đoàn đóng tàu khác trên thế giới rơi vào khó khăn, thì chuyển đổi mục tiêu là việc phải làm.
Nếu như trước đây, Vinashin có tới 230 công ty con, thì giờ đây, SBIC chỉ còn 8 công ty con, nhưng tổng năng lực đóng tàu vẫn chiếm 70-75% cả nước, chỉ giảm 10% so với trước đây. Năm 2013, theo như tôi biết, nhờ việc tái cơ cấu, nên cân đối tài chính toàn tập đoàn đã lãi 7.900 tỷ đồng. Còn năm 2014, SBIC đặt mục tiêu đạt tổng giá trị sản lượng 7.458 tỷ đồng, tăng 120% so với năm 2013, bàn giao 78 chiếc tàu cho khách hàng.
"Trước đây, với 230 đơn vị thành viên, Vinashin đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, còn hiện tại, SBIC chỉ tập trung cho lĩnh vực mà SBIC có thế mạnh là đóng tàu và sửa chữa tàu biển. Với chiến lược “đánh chắc thắng chắc” này, chắc chắn SBIC sẽ được vực dậy. Với chiến lược “đánh chắc thắng chắc”, SBIC sẽ chỉ tập trung cho lĩnh vực thế mạnh là đóng tàu và sửa chữa tàu biển", Phó Thủ tướng cho biết.
DNNN sẽ đồng loạt thoái vốn
Nói về quá trình tái cấu trúc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng đây là quá trình liên tục, không có điểm dừng.
Theo ông trong hoàn cảnh hiện nay yêu cầu tái cơ cấu cao hơn, thận trọng hơn, quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn, chứ không chậm lại.
Sự quyết liệt, mạnh dạn thể hiện ngay trong việc phân loại doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp càng để vốn nhà nước càng mất do hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả, thì phải thoái vốn càng nhanh càng tốt. Thậm chí, Nhà nước phải chấp nhận thua thiệt, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để lấy lợi ích toàn cục “dĩ bất biến” là nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế.
Phó Thủ tướng khẳng định Nhà nước sẽ thoái vốn trong hàng loạt doanh nghiệp. Hiện cả nước còn khoảng 840 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Theo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, thì số lượng doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn sẽ giảm xuống, trong đó có cả lĩnh vực mà trước đây dứt khoát phải “độc quyền nhà nước” như cảng biển loại 1 cũng được cổ phần hóa, Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối. Sau năm 2015, Nhà nước có thể không còn giữ cổ phần chi phối, thậm chí không giữ cổ phần nữa.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo