Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải tái cơ cấu mạnh mẽ ngành than
Đó là nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Báo cáo của TKV cho thấy, doanh thu tổng số toàn Tập đoàn các công ty trong năm 2016 là 101,18 nghìn tỷ đồng, bằng 100 % so với kế hoạch và bằng 95% thực hiện năm 2015, theo tin tức trên báo Điện tử Chính phủ.
Lợi nhuận của TKV trong năm 2016 đạt trên 800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015. Nộp ngân sách Nhà nước 14,31 nghìn tỷ đồng, bằng 118,2% so với năm 2015.
Tổng số lao động của Tập đoàn là 112.800 người; trong đó lao động cho sản xuất than là 77.000 người. Tiền lương thực lĩnh bình quân của người lao động toàn Tập đoàn đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng, tương đương mức tiền lương năm 2015; trong đó sản xuất than đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương bình quân của thợ lò đạt 13,1 triệu đồng/người/tháng.
Về công tác tái cơ cấu của TKV, tính đến nay, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 61 doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn, số tiền thu được sau thoái vốn đạt gần 2000 tỷ đồng; giảm số đầu mối các đơn vị thuộc Tập đoàn từ 66 xuống 49 đơn vị.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn do ngày càng khai thác xuống sâu, áp lực mỏ lớn, khí và nước nhiều; các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, môi trường tăng cao, cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng làm cho giá thành tăng cao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV cần tập trung vào hai nhiệm vụ là khai thác và kinh doanh than để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm và bảo vệ môi trường nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, báo TTXVN đưa tin.
TKV cũng phải là doanh nghiệp Nhà nước chủ lực trong việc đảm bảo cung cấp than cho nền kinh tế. TKV không chỉ là sản xuất mà còn phải xuất khẩu than để đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm; đảm bảo nhiên liệu và vận hành cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu than.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay, nhu cầu năng lượng điện ngày càng gia tăng. Cơ cấu các nhà máy điện sử dụng than chiếm 34% trong số các nhà máy điện.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ cấu nhà máy điện sử dụng than sẽ ngày càng tăng, bởi nhà máy thủy điện không tăng, năng lượng tái tạo giá thành cao nhưng phát triển còn chậm, trong khi đó nhiệt điện than hiện đang có vai trò rất lớn.
“Năm nay, cân đối than cho nhu cầu trong nước còn đủ nhưng đến năm 2020, chúng ta phải nhập 20 triệu tấn than; năm 2025 sẽ nhập 50 triệu tấn và đến năm 2030, theo kế hoạch sẽ phải nhập khoảng từ 80-100 triệu tấn than. Đây sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế nói chung và ngành nhiên liệu nói riêng.
Vì vậy, TKV cần phải chủ động trong khai thác, trong nhập khẩu than để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước.” Cùng đó, TKV cần phải nâng cao chất lượng công tác thăm dò tài nguyên, khoáng sản là than và các tài nguyên khoáng sản khác làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, lập các dự án kế hoạch đầu tư khai thác.
Điều này khắc phục tình trạng khai thác tài nguyên tự phát, khai thác phong trào làm cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu TKV phải nâng chất lượng các dự án đầu tư bởi vì, thời gian vừa qua, nhiều dự án đầu tư ở một số ngành, lĩnh vực chất lượng thấp dẫn đến thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành khai thác kém hiệu quả, thậm chí dự án thua lỗ, phá sản.
Ngành than cũng cần có giải pháp bảo vệ môi trường; chú ý phục hồi môi trường sau khai thác; chống ô nhiễm môi trường trong khai thác và vận chuyển và sử dụng tài nguyên.
TKV cần tập trung tái cấu trúc tập đoàn, rà soát lại các lĩnh vực, các sản phẩm chủ lực để lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn đầu tư. Đồng thời, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất lao động và đảm bảo an toàn trong lao động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD