Tin tức - Sự kiện

Phó Thủ tướng Võ Văn Ninh thăm Bắc Kạn

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá Bắc Kạn đã xác định rõ nét hướng đi trong phát triển kinh tế ...

Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Bắc Kạn, chiều 25/1, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh.

Trụ  cột nông nghiệp, lâm nghiệp

Trong năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng tình hình kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển ổn định, GDP tăng tới 12% so với năm 2011. Thu ngân sách đạt 352 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch đã đề ra.

Một điểm nhấn đáng chú ý là Bắc Kạn tập trung cho phát triển nông nghiệp, giúp nông nghiệp tăng 10,76%. Hiểu rõ thế mạnh của tỉnh là rừng, tỉnh tạo nhiều điều kiện để phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỷ lệ phủ xanh hiện đã đạt 60% và tiến tới 62%, cung ứng đầy đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất giấy và khu công nghiệp.

Tỉnh cũng tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ, xây dựng phát triển thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây dong riềng, hồng không hạt, cam, quýt… tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ ổn định sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng được thực hiện với quyết tâm và nỗ lực cao của địa phương. Đến nay, 100% số xã đã phê duyệt quy hoạch và phấn đấu đến năm 2015 có 22 xã, bằng 20% tổng số xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2013, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tăng trưởng kinh tế 13% so với năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,4 triệu đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 160.000 tấn, trồng rừng mới 12.500 ha.

Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát triển công nghệ chế biến, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp duy trì ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Một giải pháp khác là đẩy nhanh tiến độ, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy và hoạt động có hiệu quả tại Khu công nghiệp Thanh Bình, khuyến khích phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ phù hợp với nguồn nguyên liệu và năng lực hiện có của địa phương.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đoàn công tác Chính phủ làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đoàn công tác Chính phủ

làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn
 

 

Hiệu quả  sau đổi mới mô hình lâm trường

Từ năm 2001, theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành lập quy hoạch sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh trên địa bàn. Kể từ ngày 7/1/2005, các lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh đã sáp nhập, trở thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn.

Công ty đã đưa thêm nhiều giống cây có năng suất cao, hiệu quả kinh tế vào sản xuất, chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, thâm canh tăng vụ. Sau 7 năm hoạt động theo mô hình mới, vốn điều lệ của công ty đạt 35,3 tỷ đồng, tăng 21,3 tỷ đồng so với trước khi đổi mới. Vốn chủ sở hữu đạt 31,3 tỷ đồng, tăng 21,9 tỷ đồng so với trước khi đổi mới. Doanh thu đạt 106,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng 1 năm, cao gấp 2,5 lần so với thu nhập bình quân toàn tỉnh.

Việc phát triển rừng gắn liền với nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, trồng rừng phù hợp với nguyên liệu mà nhà máy cần nên công ty đã được bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra của sản phẩm, giúp công ty cũng như bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp, đổi mới, công ty vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như việc phối hợp quản lý của chính quyền địa phương với đơn vị vẫn chưa đạt hiệu quả cao, nhất là trong đo, giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc quản lý không được thống nhất.

Phát huy mô hình gắn sản xuất nông – lâm nghiệp với cơ sở chế biến

 

 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bắc Kạn cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa chế biến và sản xuất nông – lâm nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bắc Kạn

cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa chế biến và sản xuất nông – lâm nghiệp.
 

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá sau 16 năm tái lập, Bắc Kạn đã phát triển nhanh, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy tỉnh đã xác định rõ nét hướng đi trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng để nâng cao hiệu quả hơn nữa, nhân rộng được các điển hình, mô hình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bắc Kạn cần ứng dụng khoa học – công nghệ mạnh mẽ hơn nữa; thực hiện rà soát, nghiên cứu lại quy hoạch với mục tiêu phát triển có trọng tâm, trọng điểm; gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa chế biến và sản xuất nông – lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần làm tốt hơn công tác quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm.

Năm 2013, Phó Thủ tướng đề nghị  Bắc Kạn tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vốn cho sản xuất, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh.

Về đổi mới, sắp xếp nông trường quốc doanh, Phó Thủ tướng đề nghị cần phát huy tốt hơn nữa việc gắn kết giữa quản lý, bảo vệ, sản xuất trên đất rừng với cơ sở chế biến, bởi đây là mô hình đã khẳng định hiệu quả, hợp lý trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cũng cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa lâm trường với người dân trong khu vực.

Cần tiếp tục rà soát lại nhu cầu sử dụng đất rừng để trên cơ sở đó tiếp tục điều chuyển, sắp xếp hợp lý; tiếp tục thực hiện việc rà soát đất đai, phân giới cắm mốc để quản lý lâu dài, hiệu quả đất rừng. Phó Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí để các địa phương khó khăn triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù còn nhiều lúng túng trong việc tìm một mô hình thực sự hiệu quả, hợp lý trong quá trình đổi mới, sắp xếp nông trường quốc doanh, nhưng mô hình khoán công đoạn trong trước mắt đã thể hiện hiệu quả do giữ được rừng, huy động được sự tham gia của người dân, phát triển được kinh tế từ rừng,… cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tìm mô hình hiệu quả nhất.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sản xuất. Quy hoạch cần đảm bảo tính dài hạn, được rà soát thường xuyên, phát hiện những điểm bất hợp lý để kịp thời điều chỉnh.

Từ quy hoạch đó, vận động người dân nỗ lực, chung tay cùng thực hiện, trước hết là những tiêu chí chưa cần đầu tư lớn về kinh phí nhưng lại liên quan mật thiết đến đời sống của người dân như văn hóa, vệ sinh môi trường… Sắp tới, Trung ương sẽ cho sửa bộ tiêu chí trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ địa phương.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo