Pháp luật

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh bị kiện đến cùng "chống lưng" cho đại gia vỡ nợ

Vợ chồng đại gia vỡ nợ 200 tỷ đã lập kế hoạch lao xe hơi xuống đèo Ngang tự sát, bỗng đổi ý. Điều kỳ lạ là khối tài sản khổng lồ của họ đã được tẩu tán một cách tài tình sau một quyết định của vị Phó Viện trưởng VKSND tỉnh.

 Vợ chồng Dương – Anh định lao xe xuống đèo Ngang tự sát

Vợ chồng Võ Khánh Dương (SN 1973, quê thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) và Nguyễn Thị Quỳnh Anh  (SN 1973, ngụ phường Tân Thành, TP Thái Nguyên) sau khi lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới gần 200 tỉ, đã lập kế hoạch chạy xe hơi từ Thái Nguyên ra Hà Tĩnh tự sát.

“Đại gia Thái Nguyên”
 
Vợ chồng Dương - Anh kết hôn năm 1998, chuyển đến tỉnh Bắc Cạn sống bằng nghề kinh doanh in ấn và quảng cáo. Năm 2002, họ chuyển về TP Thái Nguyên sinh sống, tài sản chỉ vỏn vẹn 2,5 triệu đồng và chiếc xe máy Trung Quốc trị giá vài trăm ngàn. 
 
Nhờ chịu khó làm ăn, lại gặp may nên công việc kinh doanh của vợ chồng Dương phất lên như diều gặp gió. Năm 2004, cả hai thành lập doanh nghiệp Quỳnh Dương, chồng đứng tên giám đốc còn vợ làm thủ quỹ. 
 
Đến tháng 7/2006, Dương và Anh thuê thêm mặt bằng trên đường Dương Tự Minh buôn bán thiết bị máy văn phòng, photocopy và dịch vụ đánh máy vi tính. Hai tháng sau, vợ chồng Anh mở rộng kinh doanh bằng việc thuê thêm mặt bằng trên đường Lương Ngọc Quyến mở tiệm ảnh viện áo cưới gồm dịch vụ chụp hình, mua bán và cho thuê áo cưới. 
 
Đến tháng 4/2007, vợ chồng Dương - Anh mua tới 12 thửa đất với tổng diện tích lên tới 3,3 ngàn m2 liền kề nhau ở phường Phan Đình Phùng, lập hồ sơ dự án “Trung tâm chăm sóc thẩm mỹ, tổ chức tiệc cưới”. Quy mô dự án gồm nhà trung tâm phục vụ tiệc cưới, trung tâm chăm sóc thẩm mỹ, bể bơi sinh thái kết hợp chụp ảnh nghệ thuật và tổ hợp nhà nghỉ dưỡng mini, sân tenis, khu thể dục thể thao ngoài trời. 
 
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 37 tỉ đồng. Người thân, bạn bè càng ngưỡng mộ hơn khi vợ chồng chủ tiệm ảnh viện áo cưới tiếp tục mua thêm 2 thửa đất ở phường Đồng Quang xây trụ sở công ty “hoành tráng”. 
 
Cùng thời gian đầu năm 2008, vợ chồng Dương mở thêm chi nhánh ảnh viện áo cưới trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10, TP.HCM). Chưa đầy tháng sau, “đại gia” mở rộng địa bàn kinh doanh xuống Hà Nội, thuê mặt bằng mở chi nhánh ảnh viện áo cưới Quỳnh Anh trên phố Bà Triệu.
Nhìn vào bề ngoài, vợ chồng Dương được nhiều người tán thưởng ngưỡng mộ là những doanh nhân thành đạt, sở hữu khối tài sản cả trăm tỉ đồng. Tuy nhiên ít ai biết rằng đằng sau vỏ bọc hào nhoáng đó là sự thật trần trụi: 
 
Tẩu tán tài sản tinh vi
 
Theo tố cáo của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1971, HKTT phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, cho vay gần 40 tỉ), để vay hàng chục người, vợ chồng Dương - Anh thường xuyên tiếp xúc từng nạn nhân, vẽ ra viễn cảnh “hốt tiền dễ như trở bàn tay” nhằm lấy niềm tin. 
 
Vợ chồng “siêu lừa” tạo cho mình vỏ bọc giàu sang, thành đạt đi xe ô tô hiệu Audi tiền tỉ, mặc áo quần hàng hiệu, xài điện thoại xịn. Trong lúc nói chuyện, vợ chồng “siêu lừa” luôn nhắc đi nhắc lại các dự án, khối tài sản mình đang sở hữu. Vợ chồng kẻ lừa đảo còn khoe khoang có quan hệ thân thích với các lãnh đạo tỉnh. Khi đã chiếm được lòng tin, hai đối tượng “thả câu” đề nghị vay tiền trả lãi cao, dao động 2,5 - 16,5%/tháng. 
 
Hàng trăm lần vay tiền, vợ chồng Dương luôn tỏ ra vẻ nghiêm túc, làm giấy vay nợ đàng hoàng. Dòng chữ không thể thiếu trong giấy nợ khiến những người cho vay cảm thấy an tâm đó là: “khi nào cần, báo trước 5 ngày”, “khi nào cần báo trước 10 ngày” thay vì giao kèo hạn trả cụ thể. Bản thân chị Hương đã 35 lần cho vợ chồng Dương – Anh vay gần 40 tỉ, trong đó có cả tiền huy động từ người khác.
 
Chị Hương trình bày sự việc
 
Nhiều trường hợp khác cũng cho vợ chồng siêu lừa này vay như anh Lương Hùng Long (SN 1964, ngụ khu đô thị Mỹ Đình, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cho vay 59 tỉ đồng).
 
Số tiền chiếm đoạt được, ngoài dùng trả lãi cho những người đã vay mượn, vợ chồng “đại gia” còn khôn khéo dùng đánh bóng thương hiệu, thậm chí tài trợ một số chương trình ca nhạc, văn nghệ nhằm làm nổi tên tuổi. Đến tháng 9/2008, biết không còn khả năng “cầm cự”, cặp vợ chồng “đại gia đất thép” đã âm thầm chuyển nhượng nhiều tài sản gồm đất đai, cơ sở kinh doanh xe tải, ô tô cho người thân dưới hình thức “cho”, “tặng” .
 
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh tiếp tay sai phạm
 
Sắp xếp xong mọi chuyện, ngày 9/10, vợ chồng Anh - Dương đi xe ô tô rời Thái Nguyên. Trên đường đi, vợ chồng “chúa chổm” thống nhất xé bỏ toàn bỏ sổ nợ, chạy xe qua Đèo Ngang (thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh) sẽ lao xe xuống vực tự sát. Nhưng khi đến địa phận tỉnh Hà Tĩnh, anh rể Anh cùng một số bạn bè khuyên can, cả hai từ bỏ ý định tự tử, tắt máy điện thoại, bỏ vào Gia Lai trốn nợ. 
 
Các con nợ nháo nhác tìm kiếm, tìm vào Gia Lai, bắt gặp vợ chồng Dương-Anh đang lưu trú tại một khách sạn sang trọng và đòi được một phần tài sản. Thời gian sau, vợ chồng Dương quay ngược về Đà Nẵng lẩn trốn. Vài tháng sau, Dương lén lút về Thái Nguyên bán khu dự án “Trung tâm chăm sóc thẩm mỹ, tổ chức tiệc cưới” lấy 8 tỉ đồng rồi trốn tiếp cho đến khi bị phát hiện, bắt giữ vào ngày 11/11/2008. 
 
Cảnh sát cho rằng vợ chồng Dương- Anh phạm tội một phần do lỗi các bị hại tham lãi suất cao, từ tháng 12/2007 - 10/2008 đã chiếm đoạt của 27 người với tổng số tiền hơn 183,5 tỉ đồng. 
 
Năm 2011, Dương bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt mức án chung thân về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Anh nhận án 30 năm tù giam cùng tội danh. 
 
Điều khiến các bị hại bức xúc là trong khi vụ án đang được khởi tố, tài sản bị kê biên thì ông Dương Quang Hợp, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định hủy các lệnh kê biên tài sản. Lệnh huỷ bỏ kê biên này tạo điều kiện cho hai bị cáo tẩu tán hết tài sản. Đến khi ra tòa, bị cáo không còn bất cứ tài sản nào để bồi thường cho những bị hại. 
 
Cấp trên cũng đã có kết luận việc chỉ đạo và kí quyết định huỷ bỏ lệnh kê biên tài sản, quyết định trả vật chứng trên của ông Hợp vi phạm luật tố tụng hình sự, sau đó ra quyết định kỷ luật Đảng mức “cảnh cáo” đối với ông Hợp.
 
Cuối tháng 5/2012, TANDTC xử phúc thẩm vụ án cũng khẳng định VKSND tỉnh Thái Nguyên hủy bỏ lệnh kê biên tài sản là vi phạm luật. Sau khi xem xét, TAND Tối cao quyết định giữ nguyên mức phạt tù đối với hai bị cáo, giao lại hồ sơ VKSND tỉnh Thái Nguyên giải quyết tranh chấp dân sự. 
 
Sau nhiều lần xét xử, cuối tháng 5/2014 vừa qua, TANDTC mở phiên xét xử phúc thẩm phần dân dự trong vụ án này, tuyên bác yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn. “Chúng tôi đang tiếp tục khiếu nại, đề nghị cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm hành vi của ông Hợp khiến bị cáo có cơ hội tẩu tán tài sản”, nạn nhân Hương lên tiếng. 
 
Trở lại với nạn nhân Hương, sau khi bị lừa đảo, chị này đã phải bán nhà cửa, xe ô tô trả nợ cho những người mình huy động tiền đưa cho vợ chồng Dương, xuống Hà Nội ở nhà mướn, thuê mặt bằng bán quán cà phê./.
 
Theo Pháp luật Việt Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo