Phù phép thuốc ngừa thai
Hôm qua, tòa án ở Bobigny, Pháp đã nhận 14 đơn kiện Cơ quan Quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế quốc gia (ANSM) cùng các hãng dược sản xuất thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3 và 4 với cáo buộc “ngộ sát” và “vô ý gây thương tật”, theo tờ Le Monde. Hồi giữa tháng 12.2012, cô Marion Larat là người đầu tiên đưa vấn đề này ra trước pháp luật. Năm 2006, sau một thời gian dùng thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3 có tên thương mại Meliane của Hãng Bayer (Đức), cô bị đột quỵ và đến giờ vẫn còn tàn tật với tỷ lệ 65%. Tương tự, 14 nguyên đơn lần này là nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân từng bị các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc ngừa thai thế hệ mới. Trong số này, có 3 người tử vong, 6 người bị thuyên tắc phổi, 5 người đột quỵ. Các nạn nhân ở độ tuổi từ 18-46 và đều dùng thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3, 4 từ 3-15 tháng.
Le Monde dẫn lời luật sư Jean-Christophe Coubris cho biết: “Những hãng dược bị kiện (Bayer, Effik, MSD France, Biogaran) không ghi rõ trên bao bì và giấy hướng dẫn sử dụng rằng thuốc ngừa thai thế hệ mới có nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và thuyên tắc huyết khối động mạch cao hơn thuốc thế hệ cũ. Còn ANSM bị kiện vì không đảm bảo nguyên tắc an toàn khi không rút phép lưu hành kịp thời”. Chỉ trong vòng 1 tháng, văn phòng của ông Coubris đã tiếp hơn 400 trường hợp là nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân gặp biến chứng của thuốc ngừa thai thế hệ mới. Khoảng 100 người sẽ chính thức đệ đơn kiện vào giữa tháng 2.
Chuyên gia lập lờ
Không ai phủ nhận vai trò của thuốc ngừa thai, đặc biệt ở những nước phương Tây, vốn khá “thoáng” về chuyện tình dục. Theo thông cáo của ANSM gửi Thanh Niên, năm 2011 có tổng cộng 66 triệu vỉ thuốc ngừa thai được tiêu thụ tại Pháp, trong đó thuốc thế hệ thứ 3 và 4 chiếm 52,3%. Progestin mới ở thuốc thế hệ thứ 3 là gestodène, desogestrel, norgestimate, ở thuốc thế hệ thứ 4 là drospirénone, còn progestin của thuốc thế hệ thứ 2 là lévonorgestrel. Các loại thuốc thế hệ mới, với giá cả đắt hơn, luôn được hãng sản xuất ca ngợi là “ít tác dụng phụ hơn”. Thực tế có vẻ ngược lại.
Từ thập niên 1990, nhiều nghiên cứu cho thấy người dùng thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3 có nguy cơ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao gấp đôi so với người dùng thuốc ngừa thai thế hệ thứ 2 và cao từ 6-8 lần so với người không dùng thuốc. Tuy nhiên, luật sư Coubris nhận định: “Những số liệu báo cáo về tác dụng phụ rất mập mờ. Chưa kể, có nhiều nghiên cứu cho kết luận tốt về thuốc thế hệ mới là do các hãng dược tài trợ về tài chính”. Không chỉ vậy, nghiêm trọng hơn, theo điều tra của Le Monde, một số bác sĩ đầu ngành tại Pháp về sản phụ khoa có liên hệ rất mật thiết với nhiều hãng dược. Họ, nhờ danh tiếng của mình, lập thành một dàn “đồng ca” nói giảm nhẹ về tác dụng phụ của thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3, thứ 4 dưới nhiều hình thức: viết bài trên chuyên san y khoa, phát biểu trên truyền hình, tổ chức hội thảo… Khi dư luận bắt đầu xôn xao và Bộ Y tế Pháp có động thái hạn chế lưu hành thuốc ngừa thai thế hệ mới thì các bác sĩ nói trên hết lời bào chữa cho các sản phẩm này.
Theo Le Monde, các hãng dược thường không tiếc tiền “hỗ trợ hoạt động chuyên môn” cho các chuyên gia đầu ngành. Đây là một điều kiện đáng kể trong bối cảnh chính phủ Pháp đang cắt giảm ngân sách ở mọi lĩnh vực, bao gồm y tế, để đối phó khủng hoảng nợ. Ngoài ra, nếu được chủ trì nhiều hội thảo, khóa tập huấn… do các hãng dược tài trợ cũng sẽ giúp các bác sĩ nhanh chóng nổi tiếng. Đối với các hãng dược, đây là chiến lược rất lợi vì một khi các chuyên gia đầu ngành chấp nhận hợp tác, chỉ cần tạo ảnh hưởng với họ thì có thể xem như tạo được ảnh hưởng tới cả hệ thống y tế… Đáp lại, nhiều chuyên gia khẳng định hoàn toàn khách quan, không bị xung đột quyền lợi vì cùng lúc “hợp tác khoa học” với… hàng chục hãng dược chứ không thiên vị hãng nào.
Hồng Lĩnh (Theo Thanh Niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo