Thị trường

Phú Yên phát huy tiềm năng kinh tế biển

Với tiềm năng và lợi thế tự nhiên sẵn có, trong những năm qua, Phú Yên đã, đang có chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HÐH, đưa vùng biển và ven biển Phú Yên có bước phát triển quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh được củng cố; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Phát huy thế mạnh  
 
Phường 6, TP Tuy Hòa hiện có số lượng tàu khai thác xa bờ nhiều nhất tỉnh Phú Yên, với 239 chiếc. Từ đầu năm đến nay, khai thác được 1.238 tấn cá các loại, tăng 167% so cùng kỳ năm trước; trong đó có 1.142 tấn cá ngừ đại dương xuất khẩu, tăng 194,3% so cùng kỳ. Chủ tịch UBND phường 6 (TP Tuy Hòa) Phạm Văn Hiểu chia sẻ, hai năm nay, cá ngừ đại dương được mùa, biển êm nên ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương có thu nhập cao.
 
Ðối với Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương đã trở thành thế mạnh của ngành thủy sản. Nghề này phát triển kéo theo hàng loạt dịch vụ trên bờ phát triển theo như kinh doanh xăng dầu, nước đá, ngư lưới cụ và một số dịch vụ khác. Ngoài việc giải quyết cho gần 8.000 lao động mỗi năm, nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên đã góp phần tăng kim ngạch mặt hàng xuất khẩu thủy sản của tỉnh, tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển Nam Trung Bộ. Ðối với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Tiên Châu; đang triển khai thực hiện đầu tư các dự án neo đậu tránh trú bão tàu, thuyền Ðầm Cù Mông - Vịnh Xuân Ðài; dự án phát triển cảng cá Phú Lạc, huyện Ðông Hòa; lập thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án khu neo đậu tránh trú bão tàu, thuyền Ðông Tác; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi hải sản lồng bè trên biển xã An Hải, huyện Tuy An; dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Phú Yên tại Ðông Tác, TP Tuy Hòa.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết: Nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên được hình thành từ những năm đầu thập niên 90, với đội tàu đánh bắt xa bờ từ  700 đến 1.000 chiếc. Mỗi năm, Phú Yên khai thác khoảng 4.500 - 5.000 tấn cá ngừ đại dương xuất khẩu. Ngoài việc giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động mỗi năm, nghề câu cá ngừ đại dương còn tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển Nam Trung Bộ. 
 
Hiện nay, nghề câu cá ngừ đại dương phát triển, kéo theo hàng loạt dịch vụ trên bờ phát triển. Trong đó phải kể đến việc hằng năm giải quyết cho 7.000 - 8.000 lao động có thu nhập ổn định.
 
Mở rộng nghề cá
 
Tiềm năng kinh tế biển của Phú Yên có lợi thế so sánh, tuy nhiên công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của biển đảo còn hạn chế; chưa động viên cổ vũ kịp thời các nhân tố mới về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khó khăn của Phú Yên là còn thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế biển, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng, cơ sở hạ tầng các vùng biển và ven biển còn yếu kém, lạc hậu, đã kìm hãm sự phát triển của các lĩnh vực liên quan đến biển.
 
Trong khai thác hải sản, phần lớn tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh là tàu công suất nhỏ; thiết bị khai thác thô sơ, trang thiết bị hàng hải trên tàu còn thiếu, chưa đồng bộ, trình độ cơ giới hóa còn thấp. Tổ chức sản xuất còn đơn lẻ, chi phí sản xuất lớn, công tác hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an toàn trên biển gặp nhiều khó khăn. Nguồn lợi xa bờ, mùa vụ đánh bắt chưa được nghiên cứu để đưa ra kế hoạch đánh bắt cụ thể; hệ thống thông tin cứu hộ, cứu nạn phòng tránh bão cho tàu, thuyền nghề cá hoạt động trên biển còn thiếu, yếu. Năng suất khai thác có dấu hiệu giảm sút, giá nhiên liệu vật tư tăng mạnh, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả khai thác và thu nhập của ngư dân. Hỗ trợ của Nhà nước về hệ thống thông tin liên lạc, về tổ chức hậu cần nghề cá, nhất là dịch vụ trên biển, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên  Phạm Ðình Cự cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch và hải sản; xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên, xây dựng hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp tập trung, hình thành các khu du lịch ven biển. Xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cơ sở hậu cần nghề cá.
 
Phát triển toàn diện ngành thủy sản, mở rộng phạm vi khai thác biển xa hơn và sâu hơn, kết hợp với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển; xây dựng đội tàu công suất lớn cùng với cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại, các khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền. Ðưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào khai thác. Tập trung đẩy mạnh ngành nuôi trồng để tăng sản lượng thủy sản; sử dụng hiệu quả diện tích ổn định, bền vững các vùng nuôi; hình thành các trung tâm sản xuất, cung cấp giống cá biển, giống các loại thủy sản, thực vật biển... Trước mắt tập trung hợp tác và phối hợp trong chỉ đạo điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; trong xây dựng cung cấp thông tin phục vụ cho công tác dự báo; trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế biển, ven biển; trong xúc tiến đầu tư và đầu tư phát triển; trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, thông tin tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, bảo vệ an ninh trên biển...  
 
 
 
 
Công Duy (Theo Nhân dân)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo