PTT Vũ Đức Đam chỉ đạo tăng cường chống dịch cúm A/H7N9
Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi vào ngày 23/2 tại Hà Nội, PTT Vũ Đức Đam chỉ đạo các ngành liên quan giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên và các chủng virus cúm mới, sẵn sàng xử lý các tình huống, cấp độ cụ thể.
Theo nhận định của Bộ Y tế, Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh cúm A/H7N9, sau khi giám sát và thực hiện hơn 5.600 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng thời gian qua. Những trường hợp cúm trong số này chủ yếu là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B.
Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm gần 20.000 mẫu gia cầm lấy tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh thành phía Bắc đều âm tính với virus cúm A/H7N9.
Tuy nhiên, trước tình hình số mắc cúm A/H7N9 gia tăng đột biến tại Trung Quốc và đã lan rộng đến các tỉnh biên giới giáp với nước ta, trong bối cảnh người dân giao lưu thương mại, du lịch rất lớn cùng với việc gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp khó kiểm soát, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao.
Đối với chủng cúm A/H5N1, từ đầu năm 2014 đến nay, đã phát hiện 2 trường hợp mắc bệnh và đều đã tử vong. Trong khi đó, cả nước hiện có 64 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm; nguy cơ dịch bệnh lây sang người bùng phát bất cứ lúc nào.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương không được chủ quan. Quan trọng là giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên và các chủng virus cúm mới, sẵn sàng xử lý các tình huống, cấp độ cụ thể.
Theo Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thanh Hóa là địa phương mới công bố dịch cúm gia cầm. Dịch xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi thuộc xã Anh Sơn và xã Tân Trường của huyện Tĩnh Gia, làm 275 con gia cầm mắc bệnh; số gia cầm tiêu hủy là 716 con. Chi cục Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.
Như vậy tính đến nay cả nước có 67 ổ dịch tại 17 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 61.196 con; số gia cầm tiêu hủy là 84.653 con.
Một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.
Cũng tại hội nghị này, đề cập tới dịch sởi đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành phố, Bộ Y tế cho rằng, đây là bệnh lành tính những nếu chủ quan thì tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao. Nguyên nhân xảy ra dịch sởi, ngoài chu kỳ 3 đến 5 năm lại tái diễn còn do ở vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phái Bắc tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, từ việc bùng phát dịch sởi do tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi đạt thấp, cho thấy ngành Y tế cần đặc biệt lưu ý đến tỷ lệ tiêm các vaccine khác, bởi vì hậu quả bùng phát dịch bệnh không diễn ra tức thì mà xảy ra sau vài năm và rất nặng nề.
Sau những sự cố xảy ra đối với việc tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1 và viêm gan B, ngành phải có hướng dẫn quy trình tiêm chủng cụ thể, ràng buộc trách nhiệm cho cá nhân. Bên cạnh đó không chỉ kịp thời xử lý các ca phản ứng sau tiêm, cần cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí. Ngoài việc thành lập trở lại đội tiêm chủng lưu động tới tận thôn bản vùng sâu, vùng xa, ngành Y tế cần thành lập đội cấp cứu lưu động để xử lý kịp thời những trường hợp phản ứng sau tiêm.
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo