Tại hội thảo “Tịch thu phương tiên: Pháp lý và thực tiễn” do Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng MEC vừa tổ chức, có rất nhiều các ý kiến trái chiều khác nhau xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện của người lái xe xay xỉn mà Ủy ban an toàn Giao thông Quốc gia vừa đưa ra mới đây.
Liên quan đến đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tịch thu phương tiện do người điều khiển có nồng độ cồn cao hơn quy định, nhiều ý kiến lo ngại rằng, đề xuất này thiếu cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, đại diện các cơ quan chức năng nhìn nhận, chế tài trên nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và đây là thông điệp đủ sức răn đe với người điểu khiển phương tiện là đã uống bia, rượu thì không lái xe.
Phát biểu tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cho rằng thực trạng về vi phạm an toàn giao thông hiện rất phổ biến, tràn lan, sự coi thường pháp luật, chống đối cơ quan chức năng mạnh mẽ. Do đó cần phải có chế tài mạnh mẽ và nghiêm khắc để giúp lập lại trật tự an toàn giao thông.
Ủng hộ đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ông Cương nhận xét đề xuất này là có cơ sở. “Chúng ta đồng tình rằng tính mạng con người là vô cùng quan trọng. Khi ra đường lái xe trong trạng thái say xỉn, anh có thể hại nhiều người, mà không coi đó là hành vi nghiêm trọng hay sao? Xe máy đi vào đường cao tốc là rất nguy hiểm, bởi chỉ 1 ô tô tránh xe máy thôi mà có thể gây ra tai nạn hết sức nghiêm trọng cho chính xe đó và hàng loạt xe khác. Hành vi đó rất nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người, thiệt hại vô cùng lớn”, ông Cương nói
Kết quả khảo sát của WHO cho thấy, trong số 18.500 nạn nhân tai nạn giao thông thì có 67% lái xe ôtô gây tai nạn giao thông có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép; 36% tai nạn xe máy cũng do nồng độ cồn quá mức cho phép.
Trong 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất gần đây xảy ra ở Hưng Yên làm 5 người chết; ở Cao Bằng làm 3 người chết thì đều có vi phạm về nồng độ cồn. Hay việc 317 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 ngày Tết, tăng hơn năm trước 35 người, mức độ nghiêm trọng cao hơn và có nguyên nhân chủ yếu do sử dụng rượu, bia…
“Ngoài ra, báo cáo sơ bộ từ Cảnh sát giao thông có ba hành vi vi phạm chính với người gặp nạn đối với người đi xe máy là không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, đi sai phần đường. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến người ta cảm thấy mình có thể đi nhanh hơn, “phê,” “lụa” hơn khi ở trạng thái bị kích thích thần kinh mà nguyên nhân chủ yếu là bia, rượu,” ông Hùng đưa ra lý lẽ.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, sử dụng rượu bia không đúng mức sẽ gây tác hại sức khỏe, kinh tế, bạo lực gia đình, mất an toàn xã hội... Trong đó, nghiên cứu tác động đối với các vụ tai nạn giao thông có 60% liên quan đến rượu, bia.
Quan điểm của nhà quản lý, nhà làm luật của Bộ Y tế là ủng hộ hoàn toàn đề xuất của Ủy ban An toàn Giao thông để giảm tai nạn gây tổn hại sức khỏe, tính mạng và các tổn hại khác với xã hội.
Việc tịch thu phương tiện quy định ở điều 38 của Luật xử phạt vi phạm hành chính đã nêu rõ, điều 126 của luật này cũng có qui định rõ: nếu phương tiện không phải của người điều khiển thì trả về cho chủ sở hữu, người mượn xe nộp khoản tiền phạt tương đương giá trị chiếc xe. Nếu chủ sở hữu giao xe cho người không được phép điều khiển thì phương tiện vẫn bị tịch thu. Tôi thấy quy định khá đầy đủ, nhưng vấn đề sở hữu liên quan đến nhiều bộ luật, còn thiếu điều gì thì chúng ta cùng bàn và sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên vấn đề tịch thu phương tiện khi lái xe say xỉn theo nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, Phan Hữu Thư, không nên lấy giá trị xe để áp đặt hình phạt. Số lần vi phạm càng nhiều thì khi đó chế tài xử lý theo hướng tăng nặng, không loại trừ tịch thu.
“Làm như thế nào để từng người sợ chế tài phạt nặng mới là quan trọng. Có nhiều điểm chưa tính toán hết được, nếu vội thì hỏng việc”, ông Thư nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về việc tịch thu xe chỉ nên áp dụng với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn, ông Ngô Dương - Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, giải pháp trước tiên nên theo hướng tăng nặng hình phạt tiền, còn tịch thu phương tiện chỉ nên xem là hình phạt bổ sung. Nếu lái xe vi phạm về nồng độ từ lần thứ hai trở đi thì cần tịch thu xe.
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự, Nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự nêu ý kiến, chỉ nên phạt nặng chứ không nên tịch thu phương tiện vì đa số người dân chưa có hiểu rõ về luật. Việc đưa ra một Nghị định mà liên quan đến một loạt các luật như vậy cần phải cân nhắc tính toán, nhất là các vấn đề liên quan đến Hiến pháp. Đề xuất này cũng cần phải lắng nghe ý kiến góp ý của người dân để có các giải pháp tốt hơn./.
Hoàng Tuấn