Quá khứ lầm lỗi và ngày về của tên trộm biệt danh "Mèo trắng" một thời đại náo giang hồ
Quá khứ lầm lỗi
Trần Văn Nhu (tức Hiền mèo trắng, SN 1958, ngụ xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào những đồng tiền ít ỏi người cha kiếm được sau những tháng ngày theo thuyền ra khơi đánh cá. Hàng ngày, Nhu theo chân mẹ đi mót cá ở ven biển, nơi những con tàu vừa cập bến để cải thiện bữa cơm cho cả gia đình. Rồi trong một lần ra khơi, cha Nhu cùng một số thuyền viên khác không có cơ hội quay trở về. Nhu cùng đàn em mồ côi cha từ đó.
Ra tù, Nhu theo một số bạn tù gia nhập vào bang phái “Người không mang họ” do tướng cướp Trương Hiền (tức Tọng) cầm đầu, tiếp tục lao thân vào con đường tội lỗi. Cái tên “Hiền Mèo Trắng” cũng được anh em trong giới giang hồ gọi Nhu thay cho tên thật.
35 năm trước, “Người không mang họ” từng một thời đại náo giang hồ khiến ai nấy đều khiếp sợ. Bang phái này chuyên móc túi, cướp bóc, trấn lột, hoạt động trên khắp địa bàn các tỉnh miền Trung thời bấy giờ. Khi gây án, chúng thường mang theo vũ khí nóng trong người để uy hiếp và sẵn sàng ra tay nếu như bị đối phương phản kháng. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng (từ tháng 12/1978 đến tháng 5/1979) băng cướp do Tọng cầm đầu đã gây ra trên 40 vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản của công dân, hai vụ trộm tài sản lớn tại Tổng kho Ngoại Thương, bắn trọng thương 4 người, chiếm đoạt hơn 8 triệu đồng.
Ngày 16/4/1978, theo kế hoạch, “Hiền mèo trắng” cùng đồng bọn đóng giả bộ đội rồi bắt xe ra ga Si (thuộc địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) để “hành nghề”. Khi đến ga Yên Lý (thuộc địa phận huyện Diễn Châu) thì bị động, công an ráo riết truy tìm. “Hiền mèo trắng” cùng đồng bọn lần lượt sa lưới.
Năm 1980, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh đưa Nhu cùng đồng bọn ra xét xử. Trần Văn Nhu bị tuyên án tử hình. Đồng bọn của Nhu cũng bị kết án từ tử hình, chung thân, thấp nhất là 15 năm tù.
Khi cái chết cận kề, Nhu sợ và làm đơn kháng cáo, rồi được tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân. Tháng 4/2000, sau 20 năm trả giá, Nhu được tự do vì cải tạo tốt.
Ra tù lần thứ 2, Nhu tìm về quê hương với hi vọng đây là nơi để bắt đầu lại từ đầu. Thời gian đầu, một tên “đầu trộm đuôi cướp” bị cả làng chối bỏ. Thậm chí, anh em ruột thịt cũng khinh thường, xa lánh Nhu vì sợ rước họa vào thân. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, Nhu đã gạt bỏ mặc cảm, vượt qua số phận: “Tôi không thể quên được những lỗi lầm mình đã gây nên trong quá khứ. Lần tôi tát tới tấp vào mặt một hành khách vừa xuống tàu vì cố dằng lấy túi xách tôi cố tình cướp. Lần người phụ nữ trẻ vừa bế đứa con nhỏ, vừa cố chạy theo xin một kẻ cướp như tôi để lại vài đồng lẻ để mua chút gì cho con ăn… Lần tôi bị tòa tuyên án tử hình. Tất cả như vừa mới xảy ra ngày hôm qua”.
Tìm về nẻo thiện
Trở về quê hương, ông Nhu hỏi cưới người đàn bà điên trong làng làm vợ. Nhu quyết định che chở cho người phụ nữ này vì theo gã, chỉ những người bất hạnh như vậy mới chịu gắn bó cuộc đời với một kẻ từng có quá khứ như gã.
Vợ ông Nhu, chị Tô Thị Định (SN 1972) những lúc bình thường vẫn cùng chồng làm lụng, chắt chiu để mua sắm những vật dụng cần thiết trong nhà. Thế nhưng, những thứ ấy trong phút chốc trở thành đống đổ nát sau cơn điên loạn. Cứ đều đặn mỗi năm hai lần, ông lại đưa vợ vào bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị mà không hề oán trách, hối hận.
Sau hai năm chung sống, họ có với nhau một cậu con trai. Có con, cuộc sống càng khốn khó, Nhu quyết định gửi vợ con nhờ bố mẹ bên vợ chăm sóc để theo thuyền ra khơi. Độ vài tháng, gã lại được về thăm vợ con vài ngày. Rồi trong một lần ra khơi, ông Nhu sẩy chân, rơi xuống biển. May mắn ông được cứu sống. Thế nhưng, ám ảnh về sự ra đi của người cha, sau lần chết hụt ấy, ông không dám ra khơi nữa.
Bỏ nghề, không biết làm gì để nuôi sống gia đình, ông tìm đến UBND xã Quỳnh Long bày tỏ tâm tư của mình. Hiểu hoàn cảnh, chính quyền địa phương đã tạo công ăn việc làm cho Nhu quản lý khu chợ làng. Với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, giữ gìn vệ sinh và thu phí khu chợ. Có công việc gần nhà, ông vừa đi làm, vừa tranh thủ được thời gian chăm sóc vợ con.
Con trai của ông Nhu nay đã học lớp 7. Dù còn nhỏ nhưng sống trong cảnh mẹ bệnh tật, gia đình khó khăn, cậu bé luôn tỏ ra là một đứa con ngoan, học giỏi. Năm 2010, được sự hỗ trợ của địa phương, gia đình đã xây được căn nhà cấp 4 rộng rãi, đủ cho cả gia đình sinh hoạt. Với mức lương 2.5 triệu đồng/ tháng từ công việc trông coi chợ, để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ông kiêm thêm đủ nghề tay trái như nhặt phế liệu, vá xe đạp, xe ôm… Khi buổi chợ tàn, vẫn thấy ông cặm cụi gom rác thải trong khu chợ đã vắng bóng người.
Mới đó, ông đã gắn bó với khu chợ làng gần 9 năm. Người dân địa phương hàng ngày vẫn nhìn thấy đàn ông với dáng hình nhỏ thó, nước da đen, khuôn mặt rám nắng, khoác trên mình chiếc áo bảo vệ, tay lăm lăm chiếc còi đứng giữa các lối ra vào chợ. Chợ tàn, lại tất tả về lo cơm nước, tắm rửa cho người vợ tâm thần, chở con trai đi học hay dỗ dành vợ khéo léo như dỗ dành một đứa trẻ thơ.
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Văn Xăng (phó công an xã Quỳnh Long) cho biết. “Việc ông Nhu từng ngồi tù thì người dân địa phương đều biết. Thế nhưng, ông ấy biết sửa chữa, biết vượt qua, là người hết mình với công việc và gia đình. Ông Nhu được biết đến là người thẳng thắn, tận tụy với công việc. Ông không bao giờ thu phí chợ một cách tùy tiện. Ngoài công việc, ông còn là một người đàn ông sống có trách nhiệm với gia đình. Tận tụy chăm sóc vợ tâm thần, lo cho con ăn học”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc