‘Quan đường sắt’ ăn hối lộ:Còn tiêu tiền tươi thì còn...tham nhũng!
‘Thực sự vốn vay ODA cũng là vốn vay ưu đãi thuộc ngân sách Nhà nước sau này chúng ta phải trả’.
Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã nói như vậy với chúng tôi trước sự việc báo Nhật Bản ‘tố” quan chức ngành đường sắt nhận tiền lại quả tại các dự án có dùng vốn ODA ở Việt Nam.
PV: - Mấy ngày qua dư luận bàng hoàng về thông tin được báo chí Nhật Bản nêu Công ty Tư vấn giám sát GTVT Nhật Bản (JTC) từng hối lộ lộ quan chức đường sắt của Việt Nam để họ được trúng trong Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội. Ông bình luận gì khi biết thông tin này? Theo ông liệu đây có phải là trường hợp hãn hữu hay cũng chỉ là “kính thưa các anh bị lộ”?
ĐB Trần Ngọc Vinh: - Nói chung dư luận thì nói nhiều về chuyện tham nhũng, hối lộ song phải thừa nhận trong chuyện này rất khó phát hiện.
Với vụ việc của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, sau khi báo chí Nhật Bản nêu phía Việt Nam đã có động thái rất tích cực. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thành lập đoàn tìm hiểu, cộng tác để xác minh thông tin từ phía Nhật Bản, rồi thanh tra các dự án như thế là hết sức tích cực.
Tôi thấy rằng từ trước tới giờ chưa có vụ việc nào làm nhanh như thế. Nếu sự việc rõ ràng thì kể cả Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ thẳng tay xử lý.
PV: - Sự việc này trở thành bằng chứng cho việc trước đó không ít cán bộ đường sắt tham gia chơi đánh golf mà khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phải nhắc nhở. Dư luận vẫn nghi ngờ về việc trong khi kinh tế khó khăn như vậy, doanh nghiệp thì chết hàng loạt, người dân không có việc làm vậy tiền đâu để các cán bộ này suốt ngày đánh golf. Ông nghĩ sao về điều này?
ĐB Trần Ngọc Vinh: - Về mặt quan điểm nếu có điều kiện, thời gian thì việc chơi thể thao rất tốt. Nhưng nếu đi đánh golf thì chỉ cần tính mua vé, chi phí cho các cuộc này liệu lương có đủ không?
Ví dụ chúng tôi lương như hiện nay không bao giờ dám đi chơi golf.Còn cán bộ đi chơi như vậy thì sinh ra nhiều mặt sau không tốt. Ví dụ săn bớt thời gian, sử dụng xe công đi chơi… Do vậy khi ông Đinh La Thăng nói với điều kiện hiện nay, lương, tình hình kinh tế… đã nhắc nhở và hạn chế cán bộ đi chơi golf thì tôi rất ủng hộ.
Và cũng phải nói thẳng với nhau rằng nếu chỉ tính lương thì sẽ không có tiền đi chơi golf suốt như vậy mà như tôi phân tích ở trên là sẽ có mặt sau của nó.
Sẽ có chuyện ăn bớt, cắt xén, tham nhũng… để bù đắp vào những việc này.
PV: - Việc cán bộ nhận tiền hối lộ hay còn gọi là làm giàu bất chính là có thật nhưng hiện nay ông có cho rằng pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở khiến chưa làm rõ được giữa thu nhập bất chính và thu nhập chính đáng, thu nhập hợp pháp và không hợp pháp. Điều này dễ dẫn đến việc tham nhũng lộng hành?
ĐB Trần Ngọc Vinh: - Nếu xét về văn bản, giấy tờ hiện chúng ta đã khá đầy đủ nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào. Phải quyết tâm chứ chỉ hô hào thì không đạt được kết quả gì hết.
Trước hết phải kể khai tài sản hết sức minh bạch. Thứ hai là phải có sự giám sát. Đối tượng phạm vi ai phải xác định rõ là người phải kê khai.
Hiện nay đối tượng phải kê khai tài sản đang rất rộng nhưng việc quản lý lại không chặt thì chi bằng thu hẹp diện lại. Khi những người phải kê khai chức vụ có thể có khả năng tham nhũng được. Nhiều người chức vụ có vẻ to nhưng không dây dưa đến vấn đề kinh tế.
Hai nữa tham nhũng ở Việt Nam hiện nay rất nhiều dạng. Có tham nhũng liên quan trực tiếp đến cơ sở vật chất. Nhưng cũng có nhiều cái vô hình ví dụ kể cả trong công tác cán bộ, luân chuyển cũng có thể sinh ra tham nhũng.
Do vậy chúng ta phải có chế tài tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan, nơi cư trú, báo chí…. Đặc biệt là phải kiểm tra được nguồn gốc tài sản.
Đặc biệt là phải hạn chế được việc tiêu tiền mặt. Nếu cứ tiêu tiền mặt như hiện nay thì họ cho rằng tiền của con, cháu, em nuôi… cho thì không kiểm soát được.
PV: - Thưa ông, với những vụ như vụ việc đường sắt có liên quan đến vốn vay ODA lần này phải xử lý như thế nào?Liệu có ảnh hưởng gì tới việc thu hút vốn và trả nợ về sau?
ĐB Trần Ngọc Vinh: - Thực sự vốn vay ODA cũng là vốn vay ưu đãi thuộc ngân sách Nhà nước sau này chúng ta phải trả. Do vậy cần hết sức kiểm tra kỹ, tăng cường giám sát và phát hiện. Qua việc này đây là bài học đối với việc triển khai các dự án lớn ở Việt Nam.
Quan trọng hơn khi phát hiện sai sót phải xử lý nghiêm người sai phạm mới có thể răn đe được. Nếu không các vi phạm sau sẽ ngày một lớn hơn vi phạm trước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo