Tin tức - Sự kiện

Quản lý di cư tự do ở Tây Nguyên: Những chuyển biến tích cực

Trong những năm qua, tình hình ổn định dân cư ở các tỉnh Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, số lượng người di cư tự do đã giảm mạnh, góp phần giảm thiểu phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 Theo số liệu đánh giá từ Văn phòng Chính phủ, trong những năm qua, tình hình ổn định dân cư ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, số  lượng người di cư tự do đã giảm 83% (năm 2008 có 4.247 hộ với 18.490 nhân khẩu di cư tự do thì đến năm 2013 chỉ còn 695 hộ với 2.048 khẩu và trong 3 tháng đầu năm 2014 chỉ có 48 hộ), một số hộ di cư tự do đã trở về nơi ở cũ sinh sống ổn định như ở Điện Biên. Khoảng 87% số hộ dân di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên đã được chính quyền các địa phương sắp xếp ổn định về đời sống, góp phần giảm thiểu phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đây là kết quả phấn đấu, cố gắng rất lớn của các địa phương cả ở nơi đi và nơi đến, sự phối hợp chỉ đạo của các Bộ, ngành trong công tác ổn định dân cư, hạn chế tình trạng người dân di cư tự do từ Tây Bắc vào Tây Nguyên trong những năm vừa qua.

Trong những năm qua tình hình quản lý nạn di cư tự do vào Tây Nguyên có sự chuyển biến tích cực.
 
Số hộ dân di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên giảm mạnh về số lượng, nhưng vẫn còn hơn 23 ngàn hộ đã di cư chưa được bố trí sắp xếp ổn định, gây khó khăn trong quản lý dân cư, quản lý đất đai. Các hộ này không có chỗ ở ổn định, không đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, thiếu đất sản xuất, khó khăn về đời sống, tỷ lệ đói, nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh và trật tự, đặc biệt là nạn phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái và thực hiện các chính sách an sinh của Nhà nước. Tình hình trên đã tạo ra nhiều sức ép, bức xúc đối với chính quyền địa phương và dân cư sở tại.
 
Theo đánh giá của Chính phủ, nguyên nhân mà người dân di cư tự do chủ yếu là do điều kiện tự nhiên của các vùng Tây Bắc không thuận lợi, thiếu đất sản xuất, đời sống của đồng bào còn hết sức khó khăn, một bộ phận đồng bào vẫn giữ phong tục tập quán sống du canh du cư; công tác quản lý dân cư, quản lý địa bàn ở một số địa phương còn yếu kém; việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn hạn chế, chương trình hỗ trợ cho đồng bào chưa đồng bộ, hiệu quả. Việc thực hiện các chương trình, dự án ổn định dân cư, định canh định cư cho đồng bào còn chậm do thiếu nguồn lực; công tác quy hoạch dự án ổn định dân cư nhiều nơi còn chưa sát thực tế. Công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy hiệu quả, tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề trong nhận thức và hành động.
 
 Đất sản xuất là mục tiêu hàng đầu của những gia đình di cư tự do.
 
Trước tình trạng trên, ngày 21-8-2014 Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 333/TB-VPCP ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc tại hội nghị về di cư tự do, ổn định dân cư ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Theo Thông báo, trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung chỉ đạo để ổn định đời sống dân cư, kiểm soát việc di cư tự do, không khuyến khích người dân di cư vào Tây Nguyên và có biện pháp giải quyết đối với những người dân đã di cư nhằm ổn định đời sống của đồng bào, ổn định chính trị, kinh tế xã hội cả ở nơi đi và nơi đến, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước. Năm 2014 tập trung rà soát số hộ dân di cư tự do chưa được sắp xếp ổn định, trước hết là gần 10.000 hộ đang làm thuê, không có đất sản xuất ở các tỉnh Đắc Nông, Đắc  Lắc và Gia Lai để có kế hoạch giải quyết khó khăn, bức xúc của người dân về chăm sóc sức khỏe, học tập.
 
Theo Công an TP Đà Nẵng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo