Quảng Bình: Xã dùng tiền hỗ trợ của Fomosa để đi du lịch
Xã biển Cảnh Dương, (huyện Quảng Trạch) là một trong những xã chịu thiệt hại nhiều của sự cố môi trường biển miền trung.
Tuy nhiên, công tác chi trả tiền hỗ trợ kinh phí công tác thống kê, thẩm định, chi trả bồi thường thiệt hại cho các thôn thì xã đã chi trả thiếu, và sử dụng sai mục đích.
Sự cố môi trường biển miền trung vừa qua, xã Cảnh Dương có tất cả 9 thôn đều bị ảnh hưởng, với 7.322 đối tượng được phê duyệt đền bù. Đến nay, công tác chi trả cho các cá nhân đã cơ bản hoàn thành. Chỉ còn một số doanh nghiệp kinh doanh hải sản đang còn vướng mắc chưa được xử lý xong.
Ngoài công tác chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng được phê duyệt đền bù, thì xã Cảnh Dương là 1 trong 14 xã của huyện Quảng Trạch được chủ tịch UBND huyện ký quyết định số 2560/QĐ-UBND ngày 20/10/2017 về việc cấp “kinh phí phục vụ công tác quản lý, ổn định tình hình, công tác thống kê, thẩm định chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển”.
Theo Quyết định 2560, huyện hỗ trợ mỗi xã 264 triệu đồng/xã, hỗ trợ mỗi thôn 51 triệu đồng/thôn, ngoài ra có hỗ trợ tăng thêm ngoài định mức theo đối tượng. Tổng kinh phí hỗ trợ cho xã Cảnh Dương theo Quyết định 2560 là 1,470 tỉ đồng; trong đó kinh phí đã cấp đợt 1 năm 2016 tại Quyết định 5366/QĐ-UBND là 70 triệu đồng, kinh phí cấp đợt 2 ngày 20/10/2017 là 1,400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi nhận tiền về, chính quyền xã Cảnh Dương không công khai minh bạch các thông tin để cán bộ thôn được rõ. Công tác chi trả tiền hỗ trợ không đầy đủ, làm cho nhiều người dân trong xã bất bình.
Nhận được đơn thư của người dân phản ánh, chúng tôi đã tìm đến một số cán bộ thôn ở xã Cảnh Dương để tìm hiểu, hầu hết các cán bộ thôn đều bất bình nhưng không dám lên tiếng công khai, vì sợ bị trả thù.
Sau khi đảm bảo không đưa thông tin cá nhân lên báo, một đảng viên đã cung cấp thông tin cho phóng viên.
Người này bức xúc cho biết: “Lúc đầu xã nói chi trả tiền cho cán bộ thống kê, kiểm đếm là 25 triệu/thôn thôi. Tiền chi trả thêm thì bí thư thôn được xã may tặng một bộ quần áo. UBND xã dùng tiền chi trả liên quan sự cố môi trường của các thôn vào việc trang trí cổng làng hơn 50 triệu, sửa máy photocopy, và dành hơn 100 triệu để đi du lịch”.
“Chúng tôi làm ở thôn, nhưng đâu có thiếu áo quần gì đâu mà xã phải đi may tặng, nên chúng tôi không nhận quần áo. Sau đó chúng tôi nhờ người quen xem thông tin chi trả trên huyện thì được biết về Quyết định 2560, lúc đó mới té ngửa là bấy lâu nay xã chi trả không đủ cho thôn, còn sử dụng sai mục đích số tiền trên. Trong các cuộc họp nhiều người phản ánh, nhưng đến nay xã vẫn không chịu trả”, lời ông Bí thư chi bộ nói.
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương - ông Phạm Đình Tiến đang xin nghỉ ốm, trao đổi với phóng viên qua điện thoại đã thừa nhận: “Về việc chi trả theo Quyết định 2560, sau khi họ phản ánh lại, thì mình tham mưu cho ủy ban, và thường vụ họp lại đã phân đủ rồi. Thời gian tới sẽ tiến hành chi trả đủ mỗi thôn 51 triệu và hỗ trợ mỗi thôn 30% công tác hồ sơ theo quy định nữa”.
“Nếu làm theo phương án cũ thì trích lại một phần tiền của anh em trong khoảng hơn 100 triệu để đi du lịch. Còn số tiền may quần áo của thôn thì thôn đã không nhận, nên sau này mình trả lại bằng tiền cho họ. Còn của chị em làm văn phòng ủy ban cũng trong hội đồng đó có hơn 30 triệu về điện thoại, xăng xe thì trả lại cho họ thôi, chị em cũng đã nhận quần áo may rồi. Vừa rồi dịp tết cũng chi 55 triệu để làm cái bảng cổng làng văn hóa, số tiền này cũng trích nguồn từ đó thôi” - ông Tiến cho biết.
“Trong cuộc họp giao ban giữa Bí thư Đảng ủy và các trưởng thôn cũng đã quán triệt lại vấn đề đó, sai thì sửa và tôi cũng nhận khuyết điểm sai và sẽ làm lại đúng theo Quyết định 2560 của huyện”- Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương nhận sai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
Hơn 6000 học sinh, sinh viên sắp được đào tạo nhân lực công nghệ cao
Sân bay Đà Nẵng dự kiến xây nhà ga hàng hoá 100.000 tấn/năm