Quang minh chính đại thì không có biệt thự quan chức
Quang minh chính đại chính là công khai, minh bạch hóa thông tin, là điểm căn cốt nhất để thực hành dân chủ.
Trong "Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên lâu năm” ngày 9/12/1961 của Hồ Chủ tịch có đoạn: "Đảng ta quang minh chính đại. Đảng ta như thế, đảng viên cũng phải như thế…". Quang minh chính đại chính là công khai và minh bạch hóa thông tin, là điểm căn cốt nhất để thực hành dân chủ mà dân chủ lại là chìa khóa của mọi thành công.
Trong việc hoạch định chính sách trong đó có vấn đề tổ chức và nhân sự, từ sau ngày thống nhất đất nước tới nay, bên cạnh những thành công thì còn không ít thiếu sót, thậm chí sai lầm. Mấy chục năm qua, Đại hội nào của Đảng cũng đều đề cập tới nguyên nhân của thiếu sót, khuyết điểm nhưng sao có không ít vụ việc không những không giảm nhẹ đi mà lại còn nổi cộm lên và ngày một trầm trọng hơn? Trong nhiều thập kỷ vừa qua cho đến hôm nay, Đảng đã và vẫn đang cùng nhân dân trăn trở để tìm ra những giải pháp hữu hiệu.
Hầu như cả giới chức lãnh đạo và giới nghiên cứu khoa học đều cùng nhất trí với nhau hướng tiếp cận từ vấn đề mở rộng dân chủ, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Đó là một hướng tiếp cận rất cơ bản, rất đúng, mà Hồ Chí Minh đã dặn kỹ trong Di chúc của Người. Nhưng trong nhiều năm qua khi triển khai thực hiện thì lại vẫn theo nếp cũ, dân chủ hình thức, tệ quan liêu vẫn lấn át dân chủ. Hơn bất cứ thời gian nào, giờ đây cần phải thẳng thắn tìm ra nguyên nhân cơ bản của vòng luẩn quẩn ấy.
Muốn thực sự dân chủ thì mấu chốt là phải khắc phục tình trạng công khai và minh bạch hóa thông tin một cách nửa vời; là phải làm theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: Đảng ta quang minh chính đại.
Quang minh chính đại là vấn đề tưởng như đã cũ nhưng lại chính là mấu chốt của đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền trong tình hình hiện nay.
1- Việc hoạch định chính sách là quan trọng bậc nhất của bất kỳ đảng cầm quyền nào. Gần đây đã hé lộ một vài việc cho ta thấy rằng nếu công khai minh bạch, lắng nghe nhiều luồng ý kiến xây dựng của người dân thì sẽ tránh được sai lầm khuyết điểm.
Nhớ lại những năm trước, Bộ Giao thông đề xuất dự án làm đường sắt cao tốc Bắc Nam với những viễn cảnh hoành tráng, với mộng mơ “đánh thức các nàng tiên đang ngái ngủ trong rừng” đem lại lợi ích to lớn cho quốc gia dù có phải vay nước ngoài một khoản tiền khổng lồ. Nhưng nhân dân, các nhà khoa học đã lên tiếng nên Quốc hội đã không bỏ phiếu ủng hộ, tránh được một quyết sách không thực tế. Hay như việc TP Hà Nội công khai nêu dự kiến thu lệ phí đường quốc lộ Thăng Long đã được nhân dân góp ý nên đã giúp Chính phủ không phê duyệt đề xuất vô lý đó.
Rồi gần đây Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến nhân dân quyết định giữ cho Hà Nội vị trí cầu Long Biên, một di tích lịch sử -văn hóa.
Đáng tiếc là một thời gian quá dài, và cho tới nay vẫn nhiều cơ quan công quyền vẫn còn theo nếp cũ nên nhiều việc hệ trọng gấp nhiều lần đã không công khai, minh bạch hóa và lắng nghe dân nên đã có một số quyết sách sai lầm, tác hại to lớn, có việc khó hoặc không thể sửa chữa.
Chẳng hạn như việc sáp nhập địa giới, việc tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra của một số bộ ngành, điển hình ở cơ quan trung ương là Học viện Hành chính quốc gia từ một cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ đã có lịch sử tồn tại và phát triển nửa thế kỷ thì quyết định chuyển về trực thuộc Bộ Nội vụ, vừa mới được mấy năm lại quyết định tách nó ra cho nhập vào Học viện Chính trị, rồi cũng chỉ mới thay tên gọi, thay con dấu nay lại quyết định tách nó ra, nhập lại Bộ Nội vụ.
Sự lãng phí và các kẽ hở khi giao thời ắt phát sinh tiêu cực là điều ai cũng biết.
Nhìn lại lịch sử mấy chục năm qua, kể từ sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta có thể khẳng định rằng nếu thực hành dân chủ bằng cách công khai, minh bạch hóa thông tin và nghiêm túc lắng nghe sự phản hồi của xã hội thì chắc chắn tình hình Đảng và tình hình đất nước sẽ không rơi vào khủng hoảng kinh tế xã hội sau 2 nhiệm kỳ Đại hội 4 và 5.
Và chắc chắn cũng không phải đến hội nghị TƯ 4 khóa 11 thì “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng” và chế độ xã hội do Đảng cầm quyền đang đứng trước nguy cơ của sự tồn vong. (Phát biểu khai mạc hội nghị TƯ 4 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng).
2- Nguyên nhân hiện tình đất nước như nhận định trên có rất nhiều nhưng đều bắt đầu từ thiếu quang minh chính đại, nghĩa là thiếu công khai hóa và minh bạch hóa trong kinh tế, và do cơ chế quyền lực và thực thi kiểm tra giám, kỷ luật Đảng cũng như thực hiện pháp quyền thiếu minh bạch.
Cứ nhìn vào vấn đề đầu tư công, vấn đề thất thoát tài sản quốc gia, vấn đề nợ xấu cũng như vấn đề công khai và kiểm soát tài sản cá nhân những người có chức quyền thì đủ rõ như vụ lùm xùm xung quanh tài sản và những quyết định bổ nhiệm cán bộ của nguyên Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền.
3- Chúng ta đã nói rất nhiều, đã dẫn tư tưởng Hồ Chí Minh trong tất cả các nghị quyết của Đảng về vấn đề cán bộ nhưng trên thực tế tình trạng che giấu khuyết điểm, bao cấp về uy tín cho cán bộ là khá phổ biến. Vì thế nên hầu hết các vụ việc liên quan đến sai lầm, khuyết điểm, tội lỗi và tội phạm của cán bộ đều do quần chúng và báo chí phát hiện rồi sau đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Cán bộ quyết định tất cả mà cán bộ được Đảng xếp vào hạng ưu tú như thế thì làm sao có dân chủ hóa? Nói theo Hồ Chí Minh thì đó chính là tình trạng hủ hóa của cán bộ mà thôi. Và theo Lênin thì với một bộ phận không nhỏ cán bộ đã bị hủ hóa, suy thoái như thế thì dù có nghị quyết hay, chính sách, luật lệ tốt cũng chỉ lơ lửng ở trên không.
Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ là chính sách nhân tài. Phát hiện, đào tạo sử dụng nhân tài do thiếu công khai minh bạch nên đã bị lợi ích nhóm chi phối, nạn ấm tử ấm sinh, con ông cháu cha, chạy bằng cấp, chạy chức quyền chi phối.
Tình trạng bộ máy tổ chức và nhân sự phình ra, càng nói giảm càng tăng. Bây giờ thì không thể không giảm nhưng giảm ai, ai giảm? Thiếu công khai minh bạch là nguyên nhân phình ra, bây giờ nếu không công khai minh bạch thì cũng sẽ là nguyên nhân không xẹp xuống.
Phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền phi công khai minh bạch thì tất yếu sẽ là giấu giếm khuyết điểm. Cũng theo Hồ Chí Minh, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Đó chính là mấu chốt của mọi vấn đề, trong đó vấn đề tổ chức nhân sự đang nổi lên một cách cấp bách trong các tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị nước ta hiện nay.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Cột tin quảng cáo