Tin tức - Sự kiện

Quảng Ninh: “Đổi” tài trợ bằng “dịch vụ trả lương qua tài khoản”

Tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng “ép” các đơn vị, cơ quan dùng dịch vụ trả lương qua tài khoản của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và đổi lại, ngân hàng này tiếp tục tài trợ hàng chục, thậm chí hứa hẹn cả trăm tỷ đồng.

 

Tháng 7/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành ký ban hành văn bản số 3945/UBND-TM3  yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện thị, thành phố phải “tăng cường hợp tác” với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Phải “thò chai rượu…”
 
Văn bản số 3945/UBND-TM3 đã dẫn yêu cầu Sở Tài chính phải “tham mưu cho UBND tỉnh để mở các tài khoản tại Techcombank, gửi các quỹ tài chính của tỉnh của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh …tạo điều kiện cho Techcombank mở rộng hoạt động cung ứng dịch vụ và quản lý phát huy hiệu quả, giới thiệu các chủ đầu tư dự án, các DN thực hiện các dự án trên địa bàn, khuyến khích vay vốn ngắn hạn, trung hạn tại Techcombank để đầu tư”.
 
Các Sở, ban, ngành cũng phải “chủ động đề xuất và triển khai các biện pháp thiết thực để làm phog phú thêm quan hệ hợp tác có hiệu quả với Techcombank; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để giúp Techcombank mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh”.
 
Văn bản còn nhấn mạnh, “đối với địa bàn nơi có Chi nhánh Techcombank, trong tháng 8/2013 xem xét, lựa chọn và sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua ngân hàng do hệ thống Chi nhánh, Phòng Giao dich thuộc Techcombank cung cấp”.
 
Ngày  18/8/2014, UBND tỉnh này ra tiếp văn bản số 4507/UBND-TM3 về việc sử dụng dịch vụ trả lương của Techcombank gửi thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Móng Cái cho biết, “trong thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã quán triệt quan điểm thực hiện việc sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp.” UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị, cơ quan, địa phương (nơi Techcombank có mạng lưới) thụ hưởng ngân sách trong tỉnh “triển khai ngay chủ trương trên để góp phần tập trung, huy động nguồn lực cho Techcombank”. Kèm theo văn bản này còn có Phụ biểu, nêu rõ danh sách gần 100 đơn vị dự toán cấp tỉnh “chưa sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp”.
 
Ngày 9/9/2014, UBND TP Hạ Long cũng phải ra văn bản số 3634/UBND “yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các phường thuộc TP Hạ Long thực hiện sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp” và “báo cáo kết quả trước ngày 15/10/2014”. Văn bản này “điểm danh” 96 đơn vị “chưa sử dụng dịch vụ trả lương qua Techcombank”, trong đó có Văn phòng Thành ủy Hạ Long, 19/20 UBND các phường của Hạ Long, 21 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 19/20 trường THCS do đã sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác như Ngân hàng TMCP Công Thương, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển, Ngân hàng TPCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân Đội hoặc…chi trả lương bằng tiền mặt.
 
Toàn tỉnh Quảng Ninh “tăng cường hợp tác” với Techcombank
 
…vì đã nhận “chân giò”?
 
Thời buổi này đang cạnh tranh khốc liệt và công bằng, minh bạch nên chuyện “chỉ đạo” của tỉnh Quảng Ninh có thể xem là “lạ mà chẳng lạ”. Chính văn bản số 4507/UBND-TM3 đã “giải thích” cho sự chỉ đạo trên là “để phát huy hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ lớn cho tỉnh trong năm 2014 và các năm tiếp theo”.
 
Được biết, từ 2/2012, một chương trình hợp tác giữa Quảng Ninh với Techcombank đã được khởi động, theo đó, tỉnh này tạo điều kiện “để Techcombank huy động các dòng tiền từ nguồn của tỉnh quản lý và các quỹ nhàn rỗi của tỉnh (trong đó có nguồn tiền lương của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh) để Techcombank sử dụng hiệu quả, trên cơ sở đó có các chương trình tài trợ lại cho tỉnh để lập các quy hoạch chiến lược và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
 
Văn bản số 3945/UBND-TM3 “cho biết” rằng Techcombank đã “tài trợ toàn bộ kinh phí và giúp tỉnh làm việc với McKinsey tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham gia tài trợ kinh phí tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2012; đang chuẩn bị tài trợ kinh phí lập quy hoạch du lịch và nguồn nhân lực của tỉnh…” Văn bản số 4507/UBND-TM3, mô tả chi tiết cái “chân giò” mà Quảng Ninh đã nhận được: “Techcombank đã tài trợ cho Quảng Ninh 67 tỷ đồng năm 2012, 70 tỷ đồng năm 2013 và cam kết 100 tỷ đồng năm 2014”.
 
Có nên “xé” Luật Cạnh tranh?
 
Câu trả lời là “không”, bởi Luật Cạnh tranh – được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005 – chỉ có thể được bãi bỏ bởi chính Quốc hội thôi. Và khi mà Luật này vẫn chưa bị bãi bỏ, thì phải chiểu theo nó khi xem xét có hay không có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 
Theo Điều 6 của Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: “1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; 3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường; 4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”
 
Thế mà, một loạt văn bản của Quảng Ninh đã dẫn ở trên đã “buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định” trong khi dịch vụ trả lương qua tài khoản không phải là “hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước” hoặc “trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật”.
 
Nếu hàng chục ngân hàng thương mại khác không có điều kiện “tài trợ” cho địa phương, phải chăng họ cũng buộc phải đứng ngoài xem người khác “làm ăn” cho dù Luật Cạnh tranh vẫn có hiệu lực?
 
Trong trường hợp khác, nếu hàng chục ngân hàng kia – trước món “chân giò” của Techcombank – cũng sẵn sàng chìa ra những “món ngon” nhiều lần hơn, thì Quảng Ninh sẽ chọn món nào? Sẽ lấy đâu ra cho đủ các cơ quan, đơn vị “phải sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản” để “đối ứng”?
 
 
Theo Pháp luật Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo