Quảng Ninh đón ‘sóng’ FDI
Từ “3 nhất”
Ngày 10/7/2012, Dự án Nhà máy sợi 300 triệu USD của nhà đầu tư Texhong (Hồng Kông) đã chính thức được khởi công xây dựng. Vào thời điểm đó, rất nhiều cái “nhất” được nhắc tới đối với dự án được xây dựng trên diện tích 400.000 m2 ở Khu công nghiệp Hải Yên (Móng Cái, Quảng Ninh) này.
Thứ nhất, đó là dự án FDI đầu tiên được cấp chứng nhận đầu tư kể từ sau khi Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào cuối tháng 2/2012. Thứ hai, 300 triệu USD là khoản đầu tư lớn nhất của một nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của địa phương. Thứ ba, đây là dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian nhanh nhất.
Ngoài Dự án Nhiệt điện BOT Mông Dương, với tổng vốn đăng ký 2,147 USD của nhóm các nhà đầu tư, trong đó có AES (Mỹ), đang chạy đua với thời gian để kịp tiến độ công trình, thì Dự án Nhà máy sợi 300 triệu USD của Texhong có thể coi là một trong những dự án FDI lớn nhất đầu tư vào tỉnh này.
Texhong được cấp chứng nhận đầu tư chỉ sau 24 giờ khi nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục có liên quan. Nhanh đến nỗi, khi nhận được nhận chứng nhận đầu tư, ông Lý Kê Đông, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoa học - Kỹ thuật Texhong Ngân Long (Việt Nam) không khỏi kinh ngạc. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà đáp lại sự hỗ trợ của Quảng Ninh, Texhong đã rất nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Theo ông Phùng Danh Đài, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, cho tới thời gian này, máy móc, nhà xưởng của Texhong cơ bản đã được xây dựng xong, một phần máy móc, thiết bị cũng đã được nhập về cảng Hải Phòng. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động khoảng quý III/2013.
“Chúng tôi đã hỗ trợ rất tích cực cho Texhong, đưa điện, nước tới tận chân hàng rào công trình và đáp ứng đủ nhu cầu của nhà đầu tư”, ông Đài nói và cho biết, không chỉ với Texhong, Dự án Nhà máy Xay lúa mì của Công ty TNHH Xay lúa mì VFM-WILMAR (Singapore), vốn đầu tư 47,4 triệu USD, khởi công xây dựng ngày 31/7/2012, cũng nhận được những hỗ trợ tương tự.
“Đây là hai dự án mở hàng cho những quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cũng như xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh. Chúng tôi cam kết tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”, ông Đài nhấn mạnh.
Trong 11 tháng đầu năm 2012, ngoài 2 dự án kể trên, Quảng Ninh còn cấp chứng nhận đầu tư mới cho 2 dự án FDI khác và điều chỉnh vốn một dự án. Tổng vốn đăng ký của tất cả các dự án nói trên tuy không hẳn đã lớn, chỉ trên 390 triệu USD, nhưng cũng đủ đưa Quảng Ninh đứng trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất kể từ đầu năm tới nay. Con số này đã cao hơn nhiều so với chỉ 26 triệu USD vốn FDI mà Quảng Ninh thu hút được trong năm 2011, cũng như so với kế hoạch đề ra cho năm 2012.
Đến “3 cụ thể”
26 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, du lịch, y tế, môi trường… đã được Quảng Ninh lên kế hoạch để kêu gọi đầu tư của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Xác định xúc tiến đầu tư không phải là công việc chỉ làm một ngày, một giờ, hay chỉ trông vào một hội nghị xúc tiến đầu tư, Quảng Ninh đã xây dựng một lộ trình cụ thể để “nắm thắt lưng” nhà đầu tư. Nghĩa là, sẽ theo đuổi nhà đầu tư đến cùng, chứ không chỉ là một chốc, một chiều. “Nếu mình có quyết tâm, bền bỉ, thì nhà đầu tư sẽ hiểu và tin tưởng”, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Có lẽ cũng bởi thế, mà sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2012, Quảng Ninh liên tiếp tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi sang cả Singapore, Macao… Nhận câu hỏi rằng, không chỉ mình Quảng Ninh có những chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, vậy thì đâu là điểm khác biệt khiến tỉnh có lợi thế hơn so với các địa phương khác, ông Đọc trả lời chắc nịch: “Chúng tôi không đi xúc tiến đầu tư một cách chung chung rồi về, mà có ‘3 cụ thể’: dự án cụ thể, cơ chế cụ thể và đối tác cụ thể”.
Chắc cũng vì vậy mà đợt vừa rồi, sau chuyến sang Nhật Bản lần thứ nhất, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục có chuyến “Đông Du” lần thứ hai vào cuối tháng 11 vừa qua. Và lần này đi là vì đối tác Nhật Bản muốn tiếp tục làm việc với Quảng Ninh, bởi lần trước, thời gian gấp gáp, nên chưa tìm hiểu kỹ các cơ chế, chính sách, cũng như các dự án mà tỉnh muốn kêu gọi đầu tư.
Thực tế, trong hàng loạt dự án lớn mà Quảng Ninh kêu gọi đầu tư, không ít dự án đã có nhà đầu tư đặt vấn đề. Ngoài một số dự án hạ tầng mà các nhà đầu tư đã và đang xây dựng đề án cụ thể, thì Khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn Casino - Vân Đồn cũng đang có những bước đi đầu tiên. Dù dự án này vẫn đang trong quá trình đợi cấp có thẩm quyền xem xét, song VinaCapital, LasVegas Sand đều đã bày tỏ mối quan tâm. Đích thân lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã đi Macao, Singapore để xúc tiến đầu tư cho dự án quan trọng này.
“Một khi dự án này được triển khai xây dựng, sẽ mang lại diện mạo mới cho Quảng Ninh, từ đó, sẽ góp phần thu hút đầu tư cho các dự án khác”, ông Đọc nói.
Xem ra, có thể mơ sẽ có “sóng” về dòng vốn FDI vào Quảng Ninh, vốn đã bắt đầu được kích hoạt.
Việt Huế (Theo Báo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước