Quảng Ninh: Nếu chủ trương của lãnh đạo tỉnh được thực hiện sẽ khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, hệ lụy xã hội khôn lường
Một chủ trương mới đây của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã và đang gây bức xúc cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bốc xúc, vận tải đất đá tại các khai trường khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty than Đông Bắc. Nếu chủ trương này được thực thi sẽ đẩy hàng chục doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và cả vạn người lao động đối mặt với cảnh thất nghiệp. Họ đang sống trong tình trạng hoang mang, mất phương hướng.
Dao sắc sẽ cắt vào chân
Theo Kết luận số 56 – KL/TU ngày 25/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tổng Công ty than Đông Bắc thì hiện nay tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trái phép tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái diễn. Công tác quản lý ranh giới khai thác mỏ, ranh giới quản lý tài nguyên trong doanh nghiệp ngành than có mặt buông lỏng.
Chính vì vậy, để lập lại trật tự hoạt động khai thác và kinh doanh than, Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc chỉ đạo các đơn vị thành viên ngay trong Quý III, năm 2014 phải chấm dứt việc thuê các doanh nghiệp bên ngoài bốc xúc đất đá.
Gần một tháng sau Kết luận số 56 – KL/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh, ngày 20/8/2014 UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có Công văn số 4618/UBND – CN về việc triển khai thực hiện Kết luận trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Như vậy, chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh đã rõ. Tuy nhiên, sau khi văn bản phát hành thì dư luận của đông đảo các doanh nghiệp tham gia bốc xúc tại các khai trường khai thác than và ý kiến nhân dân theo dõi thông qua hệ thống truyền thông của tỉnh đã không đồng tình và cho rằng đây là một chủ trương chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tỉnh tháo gỡ khó khăn để tồn tại và phát triển. Đặc biệt nó ảnh hưởng lớn tới công ăn việc làm của người lao động, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội.
Thực tế tại các khai trường khai thác than trên địa bàn tỉnh này cho thấy, năng lực bốc xúc của các thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu, bởi khối lượng công việc bốc xúc đất đá tại đây rất lớn.
Vậy nên theo chủ trương xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm, hàng chục năm trở lại đây, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty than Đông Bắc phải thuê các doanh nghiệp bốc xúc, vận tải bên ngoài mới đủ sức đảm bảo cho các công đoạn khai thác than được vận hành trơn tru.
Trong khi các doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn vay của ngân hàng để mua sắm máy móc, trang thiết bị, xe vận chuyển chuyên dụng và tổ chức sản xuất rất hiệu quả thì các văn bản trên khiến họ rất hoang mang.
Doanh nghiệp có hàng trăm thiết bị với tổng giá trị trên 221 tỷ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng là hơn 197 tỷ đồng), tổng số lao động là 670 người, hằng năm đóng thuế cho Nhà nước hơn 3 tỷ đồng đang nằm trong diện sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu chủ trương trên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh được thực thi là Công ty Công ty CP hàng hải Quảng Hưng.
Anh Phạm Xuân Thắng – Giám đốc Công ty này cho biết: “Hiện nay, có gần trăm doanh nghiệp bốc xúc vận chuyển đất đá tại các khai trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với khoảng gần 1.000 ôtô vận chuyển, hàng trăm máy xúc, máy khoan có tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Nếu Tập đoàn than thực hiện theo đúng Kết luận 56 của Tỉnh ủy Quảng Ninh thì đó sẽ là mồ chôn tập thể cho các doanh nghiệp chúng tôi và việc phá sản là điều không thể tránh khỏi”.
Hợp đồng mà các doanh nghiệp bốc xúc, vận tải ký kết với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản có thời hạn 5 năm nên các doanh nghiệp này mới yên tâm vay vốn đầu tư xe, thiết bị để làm. Kể từ khi Kết luận 56 của Tỉnh ủy Quảng Ninh được đưa ra, nhiều chủ doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Một khi chủ trương này được thực hiện, họ không biết chuyển đổi sang làm việc gì, trả nợ ngân hàng ra sao, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thế nào?
Anh Tống Minh Tuấn – Giám đốc Công ty CP công nghiệp Tân Tiến, người đại diện cho các công ty vận tải, bốc xúc đóng trên địa bàn TP. Cẩm Phả bức xúc: “Chúng tôi tham gia công việc vận tải, bốc xúc tại các mỏ: Cao Sơn, Hà Tu từ năm 2003 đến nay. Hiện chúng tôi có 100 xe loại 70 tấn cùng 7 máy xúc với vốn đầu tư khoảng 200 tỷ. Nếu không tiếp tục được làm việc trong khai trường mỏ thì bản thân tôi sẽ rơi vào cảnh tán gia bại sản, doanh nghiệp phải giải thể và chúng tôi biết lấy đâu ra tiền để trả món nợ ngân hàng?”.
Không quản được thì cấm
Nhiều năm trở lại đây, trước khi ký hợp đồng bốc xúc, vận chuyển với Tập đoàn than, các doanh nghiệp bốc xúc hiện tại đều phải ký cam kết không vi phạm và năm nào cũng phải bỏ thầu một lần. Nếu đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu về giá cả, về phương tiện thì mới được làm. Xe vận chuyển trong khai trường là những xe chuyên dụng (loại 70 tấn), có dán logo khi lưu thông từ khu vực bóc dỡ đất đá đến bãi thải. Loại xe này chỉ được chở đất đá chứ không được phép chở than.
Đặc biệt, những chiếc xe này chỉ được cấp phép chạy trong khu vực khai trường khai thác than chứ không được cấp phép tham gia giao thông bên ngoài. Ngoài ra, trên các tuyến đường của các khai trường đều có các trạm kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Vì vậy, những đơn vị bốc xúc đất đá trong Chi hội Doanh nghiệp bốc xúc, vận tải, thuộc Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hạ Long có muốn tham gia vào hoạt động khai thác, vận chuyển than trái phép cũng không thể làm được.
Kết luận số 56 – KL/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trái phép tại tỉnh này đã và đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tuy nhiên tên tuổi những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc liên doanh, liên kết để khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép thì các cơ quan, ban ngành chức năng trong tỉnh lại không thể điểm mặt.
Theo phản ánh của dư luận, hàng ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều xe chở than trái phép vẫn ngang nhiên chạy qua các cung đường để đến những địa điểm tiêu thụ than lậu mà không gặp phải sự kiểm tra, kiểm soát nào từ phía các cơ quan chức năng. Phải chăng chính quyền và các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ninh không thể quản lý, kiểm soát được số xe vi phạm này nên đã đưa ra chủ trương bất hợp lý trên?
Trong khi Chính phủ đang triển khai hàng loạt chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước thì chủ trương này của tỉnh Quảng Ninh đã đi ngược lại. Không thể chỉ vì một vài “con sâu” mà đưa ra chủ trương làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ở một khía cạnh khác, nếu chủ trương của tỉnh được thực thi thì không chỉ gây thiệt hại, lãng phí trang thiết bị của các doanh nghiệp đã nhiều năm gắn bó với Tập đoàn than mà còn gây lãng phí cho chính Tập đoàn than và các nhà thầu mới khi họ phải đầu tư lại một dàn máy móc, thiết bị khổng lồ.
Và một câu hỏi được đặt ra là nếu cấm các doanh nghiệp bên ngoài tham gia bốc xúc, vận tải trong khai trường thì ai, đơn vị nào sẽ đảm nhiệm phần việc này trong khi các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản việt Nam không đủ năng lực đáp ứng? Đương nhiên sẽ kéo theo sự đình trệ sản xuất và sản lượng của hai đơn vị này sẽ không đạt kế hoạch được giao.
Doanh nghiệp cần một lối thoát
Trong buổi làm việc tại các khai trường của Công ty than Cọc Sáu, Công ty CP than Cao Sơn và Công ty than Đèo Nai, chúng tôi đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo và nhiều lao động của các doanh nghiệp. Khi đề cập đến chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa mới ban hành, tất cả các ý kiến đều cho rằng, chủ trương đó đang khiến họ hết sức hoang mang, lo lắng, mất phương hướng.
Anh Nguyễn Văn Huyền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải Quảng Ninh khẳng định: “Là những doanh nghiệp vận tải, bốc xúc, chúng tôi rất mong muốn được tiếp tục làm việc tại các khai trường khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Nếu muốn dẹp nạn khai thác, vận chuyển than trái phép, chính quyền và các cơ quan chức năng cần quyết liệt loại bỏ những cá nhân, đơn vị vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nếu nhất thiết phải thực hiện chủ trương này thì cũng cần có lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp thu hồi vốn cũng như có thời gian chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo việc làm cho người lao động”.
Đồng quan điểm trên, anh Hoàng Thanh Quân – Giám đốc Công ty Quang Minh bức xúc: “Đây là chủ trương bất hợp lý. Quang Minh có 500 lao động, gần 100 xe và trang thiết bị. Nếu chúng tôi bị cắt hợp đồng thì đồng nghĩa với việc 500 con người mất kế sinh nhai, cả gia đình họ không có nguồn thu và sẽ ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư chưa thể thu hồi, thì nguy cơ phá sản đã hiện hữu ngay trước mắt. Tỉnh cần tạo điều kiện để chúng tôi có một lối thoát”.
Cũng có tâm trạng như anh Trưởng, anh Bùi Ngọc Khoa – Lái xe của Công ty Quảng Hưng tâm sự: “Quê tôi tận Kiến Xương, Thái Bình. Tôi được nhận vào làm việc tại Công ty đã hơn 5 năm. Khi biết được chủ trương của tỉnh tôi cảm thấy hụt hẫng. Nếu thất nghiệp, tôi không biết lấy gì để nuôi mẹ già và hai con nhỏ”.
Để phản ánh một cách ngắn gọn những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp vận tải, bốc xúc tại Quảng Ninh, chúng tôi xin trích dẫn đề nghị của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hạ Long để thay cho lời kết bài viết: “Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hạ Long cơ bản đồng tình với Kết luận số 56 – KL/TU của Tỉnh ủy và Công văn số 4618/UBND – CN của UBND tỉnh.
Đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan, sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thắt chặt quản lý việc kinh doanh, khai thác than trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiên quyết xử lý, đưa ra truy tố, xét xử các đơn vị lợi dụng việc liên doanh, liên kết để khai thác và tiêu thụ than trái phép.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần lập đoàn công tác để rà soát lại những đơn vị đang liên doanh, liên kết với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty than Đông Bắc. Nếu đơn vị nào làm tốt, không vi phạm pháp luật thì tiếp tục cho liên doanh, liên kết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động”.
Lê Quang
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Cột tin quảng cáo