Tin tức - Sự kiện

Quảng Ninh: trưng cầu ý dân về Hiến pháp

Quảng Ninh sẽ hoàn thành đúng thời hạn để tổng hợp ý kiến gửi Trung ương

Vừa qua, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Đức Long - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh.

PV: Ông có thể cho biết đến nay, Ban chỉ đạo đã có những hoạt động cụ thể nào trong việc hướng dẫn nhân dân thực hiện đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này?

Ông Nguyễn Đức Long: Trên tinh thần nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 2, Kết luận của Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, và Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 38 của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo để triển khai lấy ý kiến nhân dân trong toàn tỉnh.

Vừa qua HĐND phối hợp với UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt trong toàn tỉnh để triển khai quán triệt các văn bản của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chúng tôi đã quán triệt tới các cấp, các ngành đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị triển khai hết trong đơn vị và trong mọi tầng lớp nhân dân.

Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với yêu cầu cao về tính dân chủ, thực chất, có tính pháp lý quan trọng, có tác dụng phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng người dân và mỗi tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng, thi hành Hiến pháp.

Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tổ chức lấy ý kiến của nhân dân rộng rãi, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm; đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân, tập hợp đầy đủ, chính xác; ý kiến góp ý của nhân dân phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần nâng cao chất lượng báo cáo của toàn tỉnh tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

PV: Với địa bàn đa dạng và có 22 dân tộc anh em sinh sống, vậy lộ trình đến cuối tháng 3 phải hoàn thành việc lấy hết ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiếp pháp liệu có hoàn thành không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Long: Theo kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh, đầu tháng 3/2013, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức một số hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với các thành phần đại diện UBND tỉnh, sở, ban, ngành, các cơ quan tư pháp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thường trực HĐND các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân, chậm nhất ngày 5/3 phải gửi các ý kiến tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến Thường trực HĐND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Trung ương theo quy định.

Các ý kiến tham gia của nhân dân gửi sau ngày 5/3, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Thường trực Hội đồng Nhân dân các địa phương tổng hợp gửi về Thường trực HĐND tỉnh.

Ban Chỉ đạo tỉnh báo cáo gửi Chính phủ và Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo quy định, chậm nhất là ngày 15/3/2013. Đây là khoàng thời gian đầu Tết Nguyên đán nên cũng là khó khăn cho việc hoàn thành.

Tuy nhiên đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các sở, ban, ngành, địa phương, cần tập trung quán triệt, triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân.

Các cơ quan báo chí tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung của Dự thảo đến các tầng lớp nhân dân, mở các chuyên trang, chuyên mục phản ánh những ý kiến thảo luận, đóng góp vào Dự thảo.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến, cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng- an ninh. Các cấp, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện lấy ý kiến bằng các hình thức phù hợp, trên nguyên tắc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực.

Chúng tôi nghĩ tuyên truyền cho người dân ở vùng sâu, vùng xa cần phải có cách phù hợp, thực hiện hiệu quả. Người dân phải nắm được tinh thần Hiến pháp, nâng cao nhận thức để nhân dân hiểu sau này thực thi Hiến pháp.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo