Tin tức - Sự kiện

Quảng Trị cần lựa chọn lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thách thức còn nhiều, tỉnh Quảng Trị phải lựa chọn những lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế so sánh để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm bền vững về môi trường và xã hội.

Đó là nội dung trong văn bản 210/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Kết luận nêu rõ, năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm tỉnh Quảng Trị hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đề ra. Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng tăng trưởng của Tỉnh vẫn đạt tốc độ trên 7%.

Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, Quảng Trị là vùng đất khó khăn, đồi núi nhiều, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán thường xuyên; chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, quy mô kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 70% mức bình quân cả nước. Chỉ số phát triển công nghiệp 7,24% (cả nước 13,4%). Khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã chưa phát triển, tỷ lệ 193 người dân/doanh nghiệp (bình quân cả nước 150 người/doanh nghiệp). Chỉ số PCI năm 2017 đứng thứ 54, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tiếp cận đất đai và thủ tục hành chính.

Để khắc phục khó khăn và có giải pháp, bước đi phù hợp trong thời gian tới, Quảng Trị cần tiến hành kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao.

Thủ tướng lưu ý Quảng Trị lập và điều chỉnh quy hoạch phải có tầm nhìn xa. Phát triển bền vững cần được đề cao gắn với các ưu tiên cụ thể; bảo đảm quy hoạch không chồng lấn, không chạy theo dự án sẵn có; nên hướng tới cụm ngành kinh tế (cụm công nghiệp, cụm dịch vụ) để tạo thuận lợi trong liên kết, hợp tác, tận dụng hạ tầng chung và tiết giảm chi phí.

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung vào những thành tố còn yếu như chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng và tính năng động; phấn đấu đến năm 2020, Tỉnh nằm ở nhóm đạt kết quả khá trong các tỉnh Miền Trung. Lãnh đạo tỉnh tăng cường đối thoại, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập, quy hoạch, kế hoạch. Xây dựng một nền quản trị vì dân, vì doanh nghiệp.

Quảng Trị cần thu hút doanh nghiệp lớn, đối tác kinh tế chiến lược đến hợp tác, đầu tư ở địa phương. Tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp mới thành lập tiếp cận các nguồn lực: đất đai, vốn, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Nâng cao hiệu quả lao động của doanh nghiệp nhà nước, coi doanh nghiệp tư nhân là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.

 

Đồng thời, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 3-5%/năm. Tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với phát triển cơ sở chế biến. Nhân rộng các mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương nhanh chóng đưa các dự án động lực trên địa bàn Tỉnh sớm đi vào hoạt động như: Cảng biển Mỹ Thủy, Nhà máy nhiệt điện than Quảng Trị II, Nhà máy điện khí, Dự án Khu công nghiệp VSIP, xây dựng ngành công nghiệp năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời...), đảm bảo yếu tố môi trường để phát triển bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là du lịch dịch vụ biển. Mở tuyến du lịch ra Cồn Cỏ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bên cạnh đó, Quảng Trị cần huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Hỗ trợ kịp thời người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

Nên đọc
Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo