Quảng Trị: Lãnh đạo xã nói gì khi lấy bò của tỉnh hỗ trợ dân cho người nhà cán bộ làm thịt?
Ông Lê Minh Khánh, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Triệu Phong xác nhận với VietNamNet thông tin trên.
“UBKT Huyện ủy Triệu Phong sẽ cùng với Thanh tra huyện và Phòng NN&PTNT kiểm tra thủ tục giao nhận bò giống, quá trình cam kết nuôi như thế nào, quá trình bán giết thịt bò ra sao, có đầy đủ thủ tục hay không”, ông Khánh nói.
Theo ông, nếu phát hiện có sai phạm trong việc cấp sai đối tượng thì phải thu hồi lại vốn nhà nước đã đầu tư là 14 triệu đồng/con.
“Còn nếu phát hiện thủ tục có sai, người dân không ký cam kết nuôi bò trong bao lâu… thì trách nhiệm thuộc về UBND xã”, ông Khánh nêu.
Cấp bò cho cán bộ và người thân
Trước đó, nhiều người dân xã Triệu Độ cho biết, từ tháng 11-12/2017, theo quyết định 27/2016/QĐ-UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2016-2020, có 13 con bò giống được cấp nuôi cho xã Triệu Độ.
Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo xã nhận bò từ nguồn chính sách về đã không thông báo công khai cho người dân mà tự ý chia cho người nhà của các cán bộ xã. Trong số đó, nhiều con bò bị đưa vào lò mổ giết thịt, đem bán.
Trong những hộ nhận bò giống có ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng công an xã Triệu Độ; ông Trần Văn Quốc, chủ lò mổ, anh ruột của ông Tuấn; ông Hoàng Thanh Chiến - cán bộ văn phòng UBND xã; bà Trần Thị Huệ (vợ ông Nguyễn Văn Thắng - kế toán trưởng UBND xã); ông Trần Hiếu (em ruột bà Huệ) và ông Hồ Văn Thành (anh ruột ông Hồ Văn Hồng - Phó chủ tịch UBND xã).
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Văn Hồng nói, chính ông là người trực tiếp triển khai việc phân bổ bò giống.
Theo ông Hồng, trước đó, địa phương triển khai rất tốt chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ nhưng số lượng người đăng ký để nhận bò chỉ có 3 người vì thời điểm ấy, bò rớt giá, người dân không mặn mà chuyện nuôi bò.
Đến ngày 27/12/2017, trong một lần lên làm việc tại Phòng NN&PTNT huyện, ông Hồng được một cán bộ phòng cho hay, vẫn còn 10 con bò đực giống theo chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ và muốn phía xã đăng ký.
Theo đó, mỗi con bò giống hỗ trợ sẽ có giá trị 18 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng, người dân đối ứng 4 triệu đồng.
“Vì mong bà con ở xã có bò để chăn nuôi nhưng thời gian đăng ký chỉ còn 2 tiếng đồng hồ nên lúc ấy tôi gọi về đồng chí Chủ tịch, Bí thư xã để xin ý kiến nhưng không gọi được, gọi cho các trưởng thôn cũng không liên lạc được.
Sợ hết thời gian, tôi phải liên hệ với các cán bộ xã khác cùng người thân và một số hộ dân có khả năng gửi tiền đối ứng để có 10 con bò diện chính sách hỗ trợ”, ông Hồng cho biết.
Cũng theo ông Hồng, sau khi nhận bò về nuôi một thời gian, do bò không thích nghi với điều kiện khí hậu, bỏ ăn, gầy yếu nên buộc giết thịt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo