Quốc hội chất vấn: Nóng chuyện tồn kho, xăng dầu, thủy điện...
Tồn kho còn nhiều
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề quy hoạch, năng lực sản xuất yếu kém dẫn đến hàng tồn kho xây dựng còn nhiều và doanh nghiệp Việt đang "thua" ngay trên sân nhà.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết giải quyết hàng tồn kho là vấn đề cấp bách đã được Chính phủ, Quốc hội đưa vào tại kỳ họp thứ 3 và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, tính đến ngày 1.10, số lượng hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế tạo còn khoảng 20%, giảm 6% so với thời điểm 1.6. Tồn kho mặt hàng này cũng giảm so với cùng thời điểm năm 2011 và 2010.
Tính đến nay, xuất khẩu gạo đã trải qua 23 năm và chuyển từ xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang xuất khẩu gạo có chất lượng trung bình. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát |
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp để giải phóng lượng hàng tồn kho ở các mặt hàng sắt thép, than đá, phân bón…
Riêng về tồn kho vật liệu xây dựng bất động sản, Chính phủ sẽ tăng cường đẩy mạnh các dự án đầu tư công để giải phóng hàng tồn kho liên quan đến bất động sản.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng tồn kho như trên ngoài việc thị trường sụt giảm còn do yếu kém trong khâu quy hoạch, dự báo và một phần hạn chế của doanh nghiệp chưa chủ động trong sản xuất.
Cũng như những lần chất vấn trước, vấn đề xuất khẩu gạo cũng được nhiều ĐB quan tâm và đặt nhiều câu hỏi. Đại biểu Trần Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay dẫn đầu thế giới nhưng giá xuất khẩu còn thấp do chưa có thương hiệu.
“Ngành công thương đã làm gì và đến bao giờ gạo Việt Nam mới có thương hiệu vững chắc?”, bà Bé chất vấn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay năm nay dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu 7,5 - 7,6 triệu tấn gạo. Lý do gạo Việt Nam xuất khẩu còn thấp so với Thái Lan là do chủng loại gạo chưa tốt, điều hành xuất khẩu còn hạn chế, xuất hiện một số nước bán giá thấp gây áp lực đối với giá xuất khẩu.
Theo ông Hoàng, để kéo giá gạo xuất khẩu lên cao, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ký nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn. Mới đây là hợp đồng xuất khẩu khoảng ba triệu tấn gạo (giao hàng đến hết năm 2013) cho Indonesia, Philippines và nửa triệu tấn cho Malaysia.
Ngoài ra, để gạo xuất khẩu được giá, Bộ trưởng Hoàng cho biết cũng cần phải sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xúc tiến thương mại. Đây là vấn đề mà Việt Nam đang có ít kinh nghiệm.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, từ năm 2005 - 2010, mỗi năm Chính phủ dành ra 105 tỉ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Năm nay, Chính phủ dành ra khoảng 100 tỉ đồng cho xúc tiến, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Xăng dầu: có dấu hiệu lợi ích nhóm?
Tại phiên chất vấn, rất nhiều đại biểu tập trung xoáy mạnh vào vấn đề xăng dầu không đạt tiêu chuẩn, cơ chế điều hành xăng dầu chưa phù hợp, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” và cơ quan chức năng liệu có hạn chế được vấn đề này trong năm tới?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận cơ chế điều hành xăng dầu về tăng, giảm giá còn nhiều bất cập liên quan đến Nghị định 84 và điều này gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
Bộ trưởng cho hay việc quản lý chất lượng xăng dầu được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công thương trong thời gian tới.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương sáng 12.11
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: "Giá xăng dầu thường lên nhanh giảm chậm, thế nhưng hôm qua lại giảm 500 đồng/lít. Việc giảm là ngẫu nhiên hay là sự phối hợp giữa hai bộ Tài chính - Công thương trước phiên chất vấn?".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi giá thế giới giảm thì giá trong nước cũng sẽ giảm theo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung: "Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng, giảm 12 lần, trong đó có 6 lần giảm và 6 lần tăng. Cái hay là giá giảm thường rơi vào trước kỳ họp Quốc hội"
“Trong 5 lần giảm giá trước có tới 3 lần giảm trước kỳ họp Quốc hội. Anh em trong tổ điều hành giá xăng dầu thường đùa mỗi khi Quốc hội họp là giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định nếu có điều kiện giảm là chúng tôi giảm ngay chứ không cần phải đợi”, ông Huệ nói.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về xăng dầu tạm nhập tái xuất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận vừa qua có hiện tượng lợi dụng kẽ hở “tạm nhập tái xuất” để trực lợi, buôn lậu và không nộp thuế cho nhà nước.
Về câu hỏi dừng hay không dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, Bộ trưởng Hoàng cho hay đây là dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Đến nay dự án này vẫn trong giai đoạn thẩm định báo cáo tác động môi trường.
“Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và cho rằng tác động, ảnh hưởng của dự án này tới môi trường quá lớn thì chúng tôi sẽ cho dừng lại”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Chiều nay, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Lương lãnh đạo Petrolimex năm 2011 còn thấp hơn năm 2010 Năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ chung 1.423 tỉ đồng, riêng lỗ xăng dầu là 2.358 tỉ đồng. Tiền lương bình quân của tập đoàn này là 6 triệu đồng. |
Hồng Lĩnh (Theo Thanh Niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất