Tin tức - Sự kiện

Quốc hội chính thức loại 424 dự án thủy điện

Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, nêu rõ: Việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhất là các công trình vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội.

Nghị quyết cũng nêu, nhiệm vụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng chưa cao. Tại một số công trình thủy điện việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực. Đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn. Rừng, đất rừng được chuyển đổi mục đích phục vụ công trình thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ…
 
Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đúng quy định của pháp luật, Quốc hội yêu cầu: Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; Kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân; Nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch; Tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch thủy điện trong tổng thể quy hoạch phân ngành năng lượng.
 
Năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; Phấn đấu hoàn thành việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại; Quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du.
 
Ngoài ra, phải bảo đảm bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông của các công trình thủy điện. Hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015 đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.
 
 
Trong năm 2014 cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thuỷ điện và việc ban hành chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các dự án thủy điện. 
 
Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa bậc thang, bảo đảm không để xảy ra tình trạng vận hành hồ chứa gây lũ kép; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
 
Đặc biệt Nghị quyết yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện.
 
Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban KHCN&MT đã đề cập đến tình trạng nhiều hồ đập không an toàn, tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.
 
Ngoài ra, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
 
Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình TĐ Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích… đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình. Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương xử lý sự cố thấm nước, tiếp tục quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ an toàn của đập, hồ chứa; theo dõi hiện tượng động đất kích thích trong khu vực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc tiếp tục tích nước hồ chứa công trình TĐ này.
 
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận định, chúng ta đã quá đà trong việc phát triển thủy điện trong khi công tác quản lý Nhà nước về thủy điện càng ngày càng bộc lộ những tồn tại hạn chế nhưng chậm được khắc phục.
 
“Có quá nhiều dự án thủy điện được đưa vào quy hoạch. Nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhưng không đảm bảo yêu cầu và chất lượng”, ông Học nói.
 
ĐB Nguyễn Thái Học thẳng thắn chỉ rõ, Phú Yên là một trong những địa phương có nhiều công trình thủy điện được xây dựng, và để đầu tư vào thủy điện thì cần 133.930 ha đất, 19.792 ha rừng đã bị phá bỏ, phải di dời 44.557 hộ dân đi nơi ở khác... đề nghị làm rõ sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về thủy điện.
 
ĐBQH Trương Văn Vở - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thì cho rằng: ““Vấn đề thủy điện đã đeo đuổi trong 3 năm nay, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết, nhưng sau đó Chính phủ lại điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó có các dự án thủy điện bậc thang, và có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A – chiếm diện tích rừng rất lớn nhưng chưa thực hiện quy trình thủ tục xin chủ trương đầu tư mà đã có lập dự án đầu tư. Từ đó, tôi cho rằng, hiện đang có 3 vi phạm: Thứ nhất, là vi phạm về quy trình lập quy hoạch; Thứ hai là vi phạm về luật, cụ thể là Nghị quyết 49 của Quốc hội; Thứ ba là vi phạm về luật bảo vệ môi trường, chỉ tính đến lợi ích kinh tế mà không tính đến lợi ích môi trường, xã hội”.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo