Quốc hội chốt tới 2020, GDP bình quân đạt 3.200-3.500 USD
Sáng 12/4, Quốc hội khóa XIII họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 11. Trong phiên họp này, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020. Theo đó, với tỷ lệ 93,52% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Cụ thể, nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nghị quyết cũng đặt ra một số chỉ tiêu KT-XH chủ yếu cho giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, về các chỉ tiêu kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP; Bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm; Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Về các chỉ tiêu xã hội, Nghị quyết đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%; Đến năm 2020 có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.
Nghị quyết của Quốc hội cũng đã đặt ra một số chỉ tiêu về môi trường như tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý năm 2020 là 85%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý năm 2020 là 95 - 100%. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư đạt chỉ số nhóm 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả, thực chất, đúng mục tiêu, có thời hạn cụ thể hoàn thành và thực hiện nghiêm các quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Trong phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện nghiêm quy định của Luật phòng, chống tham nhũng nhất là việc kê khai trung thực, chính xác đầy đủ của người kê khai và cơ quan có trách nhiệm kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Đánh giá kiểm soát dòng tiền thu nhập thông qua mở tài khoản tại ngân hàng, trên cơ sở đánh giá hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ, thực chất. Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả; cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân; phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan thông tin truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Đồng thời, có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh tới việc tổ chức giám sát việc triển khai thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Đổi mới công tác tuyển dụng, sa thải, cho nghỉ việc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, bảo đảm đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, hiệu quả; đánh giá kết quả, hiệu quả việc thực hiện xác định vị trí việc làm báo cáo Quốc hội cuối năm 2016...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)