Quốc hội chuẩn bị phê chuẩn hai phó thủ tướng
Nhân sự cụ thể là thẩm quyền của Thủ tướng, còn có phê chuẩn hay không mới là quyền của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng, đồng thời là người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói với VnEconomy trước thềm phiên họp đầu tiên tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội bắt tay làm nhân sự (sáng 11/11).
Nếu trong trường hợp đa số đại biểu không tán thành tăng số phó thủ tướng Chính phủ thì trong hai ứng viên sẽ chọn một người, ông Phúc cho biết thêm.
Tuy nhiên, tình huống này gần như chắc chắn không xảy ra. Tại phiên thẩm tra về việc tăng số phó thủ tướng Chính phủ vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhất trí cao với đề nghị này.
Bây giờ một bộ còn năm bảy thứ trưởng, thêm hai phó thủ tướng nhưng một người vẫn kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng nên có một phó thủ tướng phụ trách đối ngoại, một vị thành viên ủy ban này bình luận.
Hai ứng viên phó thủ tướng đã được Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc công bố với báo giới ngay từ đầu kỳ họp. Là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khá cởi mở với báo chí trong giờ giải lao. Ứng viên còn lại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thỉnh thoảng cũng xuất hiện với tư cách khách mời. Nhưng ông cũng là nhân vật rất quen thuộc với báo chí khi hàng tháng đều chủ trì các cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ.
Theo nghị trình thì người kế nhiệm của ông Vũ Đức Đam cũng sẽ được Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn ngay sau khi miễn nhiệm ông Đam. Tuy nhiên, nhân sự cho vị trí này, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, “Thủ tướng chưa trình nên chưa biết”.
Công tác nhân sự của Quốc hội tại kỳ họp này sẽ kéo dài cả 6 ngày làm việc trong tuần. Theo đó, đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và trình tăng số phó thủ tướng Chính phủ diễn ra ngay sáng thứ Hai và được biểu quyết vào sáng thứ Ba.
Cuối buổi sáng thứ Ba, Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ phó thủ tướng việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam.
Tất cả các buổi thảo luận về công tác nhân sự đều diễn ra ở đoàn đại biểu Quốc hội và không có báo chí tham dự (các nội dung khác thường thảo luận tại tổ gồm từ 2 – 4 đoàn).
Vào sáng thứ Tư (13/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội trong chiều hôm trước về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ phó thủ tướng. Và Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội về việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (nếu có).
Việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ phó thủ tướng sẽ được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Còn việc thông qua Nghị quyết về nội dung này thì biểu quyết bằng máy.
Như vậy, nếu được Quốc hội phê chuẩn, vào sáng 13/11, Chính phủ sẽ có thêm hai tân phó thủ tướng, là những gương mặt còn khá trẻ trong hàng ngũ quan chức cấp cao ở Việt Nam.
Việc phê chuẩn nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ diễn ra vào sáng thứ Năm (14/11).
Từ đó đến hết sáng thứ Bảy, Quốc hội sẽ lần lượt tiến hành các bước làm nhân sự trong nội bộ.
Ở kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã dự kiến bầu 18 vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song chỉ có 17 vị trúng cử.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này Ủy ban Thường vụ Quốc sẽ đề nghị Quốc hội bầu bổ sung một vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho vị trí Trưởng ban Dân nguyện, một phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc cùng một phó chủ nhiệm của các ủy ban: Pháp luật; Về các vấn đề xã hội; Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng; Đối ngoại.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo