Quốc hội thông qua đề nghị phát hành 170 nghìn tỷ trái phiếu
Chiều qua (28/11), Quốc hội đã thông qua đề nghị của Chính phủ, cho phép phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu chính phủ tuy có làm tăng mức nợ công, song vẫn đảm bảo không vượt trần nợ công đã được Quốc hội quyết định (không quá 65% GDP) và đã được Chính phủ tính toán, cân nhắc thận trọng, đảm bảo khả năng huy động và trả nợ.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang thiếu vốn triển khai đã được chỉ ra là quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, vì thế cần phải sử dụng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Một số dự án dở dang đã có trong danh mục trái phiếu chính phủ, giai đoạn 2012-2015 nhưng còn thiếu khoảng 117.861 tỷ đồng cũng sẽ được sử dụng kinh phí phát hành bổ sung vốn trái phiếu để hoàn thành.
Trước đó, ngay từ những ngày đầu kỳ họp thứ 6, dù thống nhất với chủ trương chung và đồng ý với đề xuất của Chính phủ, một số ĐBQH đề nghị cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa nợ công trong thời gian tới, để đảm bảo đầu tư đúng địa chỉ, như vậy sẽ chống thất thoát và lạm phát.
Vào chiều 23/10, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2013 thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Trong số này, thu cân đối ngân sách Trung ương hụt 47.200 tỷ đồng và địa hương hụt 16.430 tỷ đồng. Tình trạng này dẫn tới việc năm nay chênh lệch thu chi ngân sách sẽ là 195.000 tỷ đồng, gây khó khăn cho việc chi tiêu chung của quốc gia.
“Vì vậy, Chính phủ đề xuất với Quốc hội về việc tăng bội chi, theo đó nâng mức bội chi từ 4,8 lên 5,3% GDP. Với mức bội chi này, nợ công dự kiến 56,2% GDP, dư nợ chính phủ là 42,6% GDP và dư nợ quốc gia 39,5% GDP, đây là giới hạn an toàn”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Nếu Chính phủ tăng phát hành trái phiếu lên thì cũng phải trình được danh mục các công trình sử dụng trái phiếu bổ sung trong đợt này và phải định rõ ra, thí dụ năm nay tôi cần 3 tỷ cho công trình này, năm sau 7 tỷ, đến hết 2015 công trình sẽ đi vào hoạt động. Như vậy thì chúng ta mới giảm được tất cả các thứ xuống, còn nếu không chỉ thông qua như thế này thì lại tiếp tục bài toán chi tiêu, lại rơi vào vòng xoáy”.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Minh - ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng phát hành trái phiếu của Chính phủ là 100 nghìn tỷ, nhưng kế hoạch trả nợ công Chính phủ đưa ra trong báo cáo chưa rõ, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các ĐBQH. Đặc biệt, thông điệp Chính phủ gửi đến về việc thắt chặt chi tiêu để giảm nợ công hiện nay cũng chưa rõ ràng”.
TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, về lâu dài, phải tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào những ngành không cần thiết có vai trò chủ đạo của Nhà nước, như vậy mới giảm dần thâm hụt và tiến tới cân bằng ngân sách.
“Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và thị trường tài chính. Trước khi bỏ một đồng tiền ngân sách để xây đường sá, hạ tầng phải tính được đồng tiền đó tạo ra bao nhiêu lợi ích kinh tế, bao nhiêu việc làm, bao nhiêu thu nhập cho người dân. Những người đang nắm giữ trách nhiệm quản lý đồng tiền của Nhà nước phải ý thức được điều này để sử dụng tiền ngân sách cho hợp lý. Trước khi đưa ra một chương trình tín dụng, Chính phủ phải nghiên cứu cặn kẽ hiệu quả của đồng tiền bỏ ra”, ông Kiêm nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tăng bội chi là vấn đề không đơn giản, bởi lâu nay bội chi ngân sách thường phải bù đắp bằng nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước.
“Tăng bội chi cũng đồng nghĩa với tăng nợ công, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau. Tại sao bội chi? Hay là tăng chi ngoài kế hoạch? Ngân sách thiếu hụt vậy giảm chi được không? Đó là những câu hỏi chúng ta phải trả lời. Nguyên nhân chính là sự yếu kém trong quản lý Nhà nước, các chính sách điều hành, giám sát hiện nay chưa hợp lý. Bấy lâu nay chúng ta quen bao cấp….động vấn đề là cầu cứu, đề xuất tăng bội chi.
Một vấn đề nữa là chi tiêu công quá lãng phí, cái này ai cũng thấy, đã bao nhiêu năm Chính phủ báo cáo với Quốc hội rồi để đó, không có phương án cũng không quyết tâm xử lý. Chúng ta cứ nói phải thanh tra, kiểm tra, giám định ngay những công trình đang thi công để làm rõ mức nghiêm trọng của sự móc ruột công trình, tiêu cực, lãng phí, mà tiêu điểm trước mắt mọi người dân là những cầu vượt trong các đô thị với giá công trình cao tận mây xanh nhưng thực hiện việc này còn chậm. Tôi cho rằng, chúng ta có luật nhưng chưa thi hành, còn có sự bao che cho nhau”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, việc nên làm lúc này là làm sao để doanh nghiệp hoạt động tốt, ổn định chứ không phải để bị suy thoái, chết hoặc “chết lâm sàng”. Doanh nghiệp hoạt động tốt mới tạo ra nhiều việc làm, đó chính là kích cầu, chứ không phải tăng ngân sách để đầu tư công, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp, không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa qua nhiều lãnh vực kinh tế khác, không tạo ra nhiều sản phẩm xã hội, lại còn bị lãng phí, rút ruột, nhất là trong thời buổi khó khăn này.
“Trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp, Chính phủ phải quản lý bằng cách tiết kiệm chi., phải xem xét giảm các khoản chi không hợp lý, nhất là chi trong bộ máy hành chính; điều chỉnh các chính sách tiền tệ, tài khóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách”, ông Thành chia sẻ.
Nguyễn Nguyễn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo