Thị trường

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN 2016

(DNVN) - Sáng 11/11, với 392/435 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, trình bày dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, trong các ngày 22/10 và 3/11/2015, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2016.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan của Chính phủ tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016.

Nhất trí cao với Báo cáo trên, đã có 435 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (bằng 88.06% tổng số đại biểu Quốc hội) trong đó: 392 đại biểu tán thành (bằng 79.35%); 34 đại biểu không tán thành (bằng 6.88%); 9 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.82%). Như vậy, với 392/435 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng

Theo Nghị quyết, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 cụ thể như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng (một triệu không trăm mười bốn nghìn năm trăm tỷ đồng); nếu tính cả 4.700 tỷ đồng (bốn nghìn bảy trăm tỷ đồng) thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng (một triệu không trăm mười chín nghìn hai trăm tỷ đồng); Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng (một triệu hai trăm bảy mươi ba nghìn hai trăm tỷ đồng); Nghị quyết cũng đưa ra con số cho mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2016 là 254.000 tỷ đồng (hai trăm năm mươi tư nghìn tỷ đồng), tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã lập dự toán thu NSNN là 1.014.500 tỷ đồng (bao gồm cả 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp). Trong đó, thu nội địa từ nền kinh tế tăng 16,9%, đây cũng là mức dự toán khá cao so với số liệu các địa phương xây dựng (số chênh lệch vào khoảng 65.000 tỷ đồng).

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đã tính trên cơ sở dự báo tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và đặc biệt là tác động của việc cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế nên khó có thể dự báo cao hơn. Dự toán thu dầu thô tính trên cơ sở sản lượng do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xây dựng (14,02 triệu tấn) và giá bán 60 USD/thùng (giảm 40 USD/thùng so với giá trong dự toán năm 2015), đây là mức dự toán tích cực, đã bao gồm yêu cầu tăng thu qua công tác chống nợ đọng thuế, trốn thuế, chống thất thu thuế. Do đó, trong báo cáo giải trình gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ dự toán thu NSNN như Chính phủ đã trình Quốc hội.

Đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ

 Thực hiện một số nhiệm vụ ngân sách nhà nước của năm 2015 và năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015. Chính phủ tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả phân bổ, sử dụng số vốn này theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Quốc hội cũng đồng tình sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

 

Thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên theo quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội.

Theo Nghị quyết, sẽ thực hiện việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3.000 triệu đô la Mỹ.

Ngoài ra, rà soát quy mô, thiết kế, hiệu quả và phân bổ 14.259 tỷ đồng (Mười bốn nghìn, hai trăm năm mươi chín tỷ đồng) vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2013 để đầu tư cho các dự án theo nguyên tắc chỉ bố trí vốn cho các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, khắc phục việc giảm quy mô gây ách tắc giao thông và từng bước hoàn thành đồng bộ các tuyến tránh, kết nối của 2 tuyến đường này.

Tăng mức lương cơ sở thêm 5% từ 1/5/2016

Nghị quyết nêu rõ, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2016.

 

Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/4/2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng như quy định tại  Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội. 

Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ đã đưa ra phương án thu xếp khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1/5/2016. Trong số này, ngân sách trung ương cân đối được khoảng 40%, 60% còn lại lấy từ địa phương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo