Tin tức - Sự kiện

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức ngày 12 - 13/10

Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày vừa có thông báo: Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Trong hai ngày tổ chức Quốc tang (12 và 13/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.

 Thông báo ghi rõ: "Linh cữu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013.

Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.

Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình).

Trong hai ngày tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp (12 và 13/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.

Theo Điều 21 Nghị định 105: Nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước dành cho “Các đồng chí đang giữ chức hoặc thôi giữ chức đối với các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ tang cấp Nhà nước bao gồm: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Đại tướng các lực lượng vũ trang; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945.

Khoản 1 Điều 5 Nghị định 105 ghi rõ: Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy vậy Khoản 2, Điều 5 Nghị định 105 cũng nêu rõ: "Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế".

Trước khi có thông báo chính thức, ông Trần Quốc Vượng – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức trang trọng với nghi lễ đặc biệt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân từ một gia đình nhà nho tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, từng có thời kỳ học tại Trường Quốc học Huế, sau này có thời kỳ làm thầy giáo dạy sử-địa và đã thể hiện những phẩm chất của một trí thức ngay từ khi còn rất trẻ.

Ông chỉ huy chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975); trực tiếp hoặc tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.

Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến 1980); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Đại tướng cũng là đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.

Nói về người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời khắc xúc động này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh quân khu IV, rưng rưng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh đại diện của quân đội nhân dân Việt Nam, của ý chí cách mạng Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ đời đời ghi nhớ, học tập”.

Nguyễn Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo