Quốc tế

"Bạn đồng hành" đặc biệt của xe tăng - thiết giáp Việt Nam

DNVN - BTS-4 là khí tài không thể thiếu trong các đơn vị tăng - thiết giáp, nó có tác dụng hỗ trợ việc thu hồi, cứu nạn đối với phương tiện gặp sự cố hay bị bắn hỏng trên chiến trường.

Tổ hợp phòng không tối tân của châu Âu sẽ khiến Patriot PAC 3 Mỹ trở thành dĩ vãng / Chiến đấu cơ Hungary “đánh chặn” Su-30 trên biển Baltic

BTS-4 được xây dựng trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-54, chữ BTS xuất phát từ tiếng Nga "Bronetankoviy Tyagach Sredniy" có nghĩa "Xe thiết giáp cứu kéo hạng trung", nó được coi là phương tiện không thể thiếu trong các đơn vị tăng - thiết giáp.

Ở phương Tây, BTS-4 được gọi bằng cái tên T-54T. Ngoài phiên bản chính, nó còn một vài biến thể ít phổ biến hơn sử dụng khung gầm xe tăng T-44, T-55, hay thậm chí là T-62.

Một chiếc xe cứu kéo BTS-4 của Quân đội Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Một chiếc xe cứu kéo BTS-4 của Quân đội Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân.

So với T-54, chiếc xe thiết giáp cứu kéo này đã bỏ đi tháp pháo gắn khẩu pháo chính D-10T2S cỡ nòng 100 mm và thay vào đó là hệ thống ròng rọc, cần cẩu, tời kéo, kích thủy lực, lưỡi chặn...

Thiết bị gây nhiều chú ý nhất trên chiến xe đặc chủng này là một ống thở kích thước lớn, giúp xe có thể di chuyển ngầm qua lòng sông một cách dễ dàng.

Đối tượng phục vụ chính của BTS-4 là xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55, xe chiến đấu bộ binh BMP-1/2, hay các loại xe thiết giáp bánh xích hạng trung tương tự.

Ống thở của BTS-4 trong trạng thái hoạt động. Ảnh: Military Today.

Ống thở của BTS-4 trong trạng thái hoạt động. Ảnh: Military Today.

 

Theo báo Quân đội nhân dân, hiện nay xe kéo BTS-4 trang bị ở các học viện, nhà trường còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập. Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp (TTG) chỉ có 1 xe, trong khi lưu lượng học viên rất đông.

Từ thực tế trên, nhóm cán bộ, giáo viên và nhân viên kỹ thuật nhà trường đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình xe cứu kéo BTS-4 và các trang thiết bị chính trên xe với kích thước thu nhỏ theo tỉ lệ 1:4.

Mô hình được trang bị đầy đủ hệ thống ròng rọc, cần cẩu, thiết bị kéo xe, kích thủy lực, lưỡi chặn. Xe mô hình vận hành tốt, có đầy đủ các tính năng, công năng như xe BTS-4. Nhóm tác giả đã sáng tạo, thay thế động cơ xăng của xe tăng bằng động cơ điện hai chiều truyền lực cho hệ thống tời.

Do đó, trong quá trình huấn luyện sẽ tiết kiệm được nhiên liệu, giảm nguy cơ mất an toàn do cháy, nổ. Mô hình đã được đưa vào ứng dụng tại các nhà trường thuộc Binh chủng TTG và sẽ được áp dụng trong huấn luyện nâng cao cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị TTG toàn quân.

 

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm