Quốc tế

“Bóng ma bầu trời” Su-57 dưới góc nhìn của giới chuyên gia

Được tích hợp các thiết bị và vũ khí tối tân, khả năng của Su-57 được đánh giá là vượt trội so với các dòng máy bay của Mỹ.

Tường tận siêu tiêm kích Su-57E mà Việt Nam có thể mua / Trung Quốc "bẻ khóa" thành công tiêm kích đa năng Su-30MK2, hướng tới Su-35SK

“Bóng ma bầu trời” Su-57 - tiêm kích vô đối

Theo nhà sản xuất máy bay Sukhoi, tiêm kích Su-57 sở hữu nhiều tính năng chiến đấu vượt trội, các radar của nó có thể dễ dàng qua mặt radar chiến đấu cơ tàng hình Mỹ. Su-57 có 2 khoang vũ khí lớn dưới bụng, có thể mang theo 4 tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn RVV-MD và 2 tên lửa không đối không hồng ngoại R-73, cùng 2 khoang vũ khí nhỏ bên hông; đặc biệt, Su-57 có thể mang 4 tên lửa không đối đất Kh-38, hoặc 4 tên lửa chống bức xạ Kh-58 - tính năng mà F-22 không có, còn năng lực không chiến của F-35 chỉ giới hạn ở khả năng tự vệ.

Tiêm kích đa năng Su-57. Ảnh: RT.

Tiêm kích đa năng Su-57. Ảnh: RT.

Su-57 có ưu thế về tốc độ, độ cao, cảm biến, tên lửa, tầm tấn công và cả độ linh hoạt - yếu tố mà tiêm kích Nga luôn vượt trội so với tiêm kích Mỹ. Su-57 có thể được trang bị tên lửa siêu âm Kh-59MK2, Kh-58 và Kh-38M vượt trội so với các vũ khí cận âm của F-35. Nếu Su-57 được trang bị tên lửa Kinzhal tầm bắn 2.000km có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, tốc độ gấp 10 lần âm thanh và có thể thay đổi quỹ đạo bay bất cứ khi nào sau khi phóng thì đó là “cú chốt” đánh gục tiêm kích F-35 của Mỹ.

Su-57 có tốc độ tối đa 2.600km/h, trần bay 20km, còn F-22 có tốc độ tối đa 2.440km/h, trần bay 15,2km. Điểm mấu chốt tạo nên sự cơ động của Su-57 là được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều, trong khi động cơ của F-22 chỉ 2 chiều. Với khả năng cơ động hơn F-22, Su-57 có thể lẩn tránh tên lửa và chuyển sang phản công đối phương. Su-57 được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi mục tiêu hồng ngoại OLS-50M mà F-22 không có. Su-57 được trang bị cả vũ khí không đối không và không đối đất trong khi F-22 chỉ có tên lửa không đối không.

F-22 rất tốn nhiên liệu do có thể bay với vận tốc siêu thanh ở chế độ không nén. Động cơ của Nga cũng có thể làm điều tương tự, nhưng mức hao tốn nhiên liệu chỉ bằng 1/3 so với động cơ của F-22; việc áp dụng thiết kế và công nghệ mới như hệ thống đánh lửa plasma, hệ thống điều khiển điện tử kỹ thuật số điều tiết phun nhiên liệu, cấp khí, đánh lửa, giúp đơn giản hóa việc điều khiển máy bay.

Su-57 có ưu thế hơn so với F-22, F-35 về tốc độ và tầm bắn tối đa. Tuy nhiên, về phát hiện mục tiêu, Su-57 kém hơn (8%), về khả năng tàng hình, Su-57 kém hơn F-22 và F-35. Về nguyên tắc, khi ưu tiên về mặt kỹ thuật (tàng hình) sẽ bị hạn chế về mặt chiến thuật, cho nên, giả sử F-22 hay F-35 và Su-57 “lột áo tàng hình” và đối đầu... thì F-22, F-35 bị “đo ván” vì Su-57 chiếm ưu thế chiến thuật, vũ khí… Nếu Su-57 được trang bị một loại radar dựa theo nguyên lý mới, nhìn thấy F-22, F-35 thì đó là cáo chung cho F-22 và F-35 nói riêng và tính tàng hình của các máy bay tương lai nói chung.

Theo tiết lộ của tờ Avia.Pro liên quan tới báo cáo đánh giá chiến lược hạt nhân, Quân đội Mỹ lo ngại chiến đấu cơ đa năng Su-57 có thể thực hiện các nhiệm vụ của máy bay ném bom hạt nhân. Có báo cáo cho rằng, Nga đang nâng cấp 2.000 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, bao gồm các loại sử dụng trên tàu chiến, máy bay và lục quân. Với sức mang 4,2 tấn bom đạn trong khoang vũ khí, Su-57 hoàn toàn có thể được trang bị bom hạt nhân chiến thuật vốn có kích cỡ chẳng khác mấy các loại bom thông thường.

 

Sukhoi Su-57 được thiết kế để sử dụng ở bất cứ đâu, từ Châu Phi nóng nực đến Bắc Cực lạnh giá. Cùng với khả năng tàng hình đặc biệt, Su-57 sẽ trở thành “oanh tạc cơ” hạt nhân tàng hình mạnh nhất hành tinh, đủ sức chọc thủng bất kỳ lưới phòng không nào của đối phương. Kể cả khi bị phát hiện đánh chặn, tiêm kích đối phương không dễ hạ đo ván Su-57 khi nó được trang bị các loại tên lửa không đối không hiện đại và đặc biệt là cặp động cơ tuyệt vời AL-41F1 hoặc Izdeliye-30 đang được phát triển.

Bài phân tích trên tạp chí Military Watch (Anh) đánh giá Su-57 tỏ ra vượt trội hơn nhiều so với mẫu tiêm kích F-35 đắt đỏ của Mỹ, đặc biệt trong không chiến. F-35 là mẫu tiêm kích tối giản, giảm chi phí của chiếc F-22 Raptor - ‘quốc bảo’ của Mỹ, và không xuất khẩu. Là mẫu tiêm kích hạng nặng hai động cơ, được thiết kế chuyên cho mục đích thống trị bầu trời như F-22, một khi được sản xuất với số lượng lớn, Su-57 sẽ thách thức vị thế của F-22 Raptor ở châu Âu và Thái Bình Dương.

Theo trang Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Su-57 có thể bay với tốc độ tối đa lên tới 2.600km/h, còn F-35 chỉ đạt 1.930km/h. Cùng với tốc độ cực ấn tượng, mỗi lần cất cánh, tiêm kích Nga còn có thể bay dài hơn 2 lần so với F-35. Đặc biệt, với cặp động cơ có lực đẩy cực mạnh, Su-57 vẫn có thể hạ cánh an toàn trong trường hợp 1 động cơ bị hỏng hoặc trúng đạn. Anadolu cho rằng, Su-57 có ý nghĩa quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ hơn nhiều và sẽ là lựa chọn hoàn hảo nhất.

Theo kế hoạch, Không quân - Vũ trụ Nga sẽ nhận 76 máy bay Su-57 trong vòng 9 năm tới, tức 8-9 chiếc/năm. Việc đưa Su-57 vào trang bị giúp giảm tải cho Không quân Nga trong vài năm tới, khi các tiêm kích-bom Su-24 bắt đầu bị loại biên từ năm 2020 và hàng loạt công nghệ hiện đại trên Su-57 sau khi kiểm nghiệm thực chiến sẽ được tích hợp ngược lên các chiến đấu cơ thế hệ cũ như Su-30SM, Su-35 để nâng khả năng chiến đấu tổng thể. Việc đưa Su-57 vào trang bị sẽ mở đường cho Nga xuất khẩu dòng máy bay này trong tương lai gần. Giá thành cực thấp (chỉ bằng nửa so với F-35) và sự tự chủ về nguồn cung vật liệu linh kiện lắp ráp, cùng với sự tin cậy về chính trị của Nga, sẽ khiến Su-57 chiếm ưu thế lớn trên thị trường xuất khẩu vũ khí hàng không tương lai.

Theo một số nhà quan sát, việc Nga lên kế hoạch biên chế 3 trung đoàn Su-57 là hoàn toàn hợp lý - cân bằng giữa sức mạnh quân sự và nguồn tài chính, và với Su-57, Nga có thể cân bằng sức mạnh với khối quân sự NATO. Để áp chế Không quân Nga với các đơn vị Su-57, đối thủ sẽ phải huy động lực lượng quân sự quy mô lớn, gồm nhiều loại máy bay như cảnh báo sớm, tiếp liệu trên không… và lực lượng hỗ trợ mặt đất. Vai trò của Su-57 sẽ là gây tổn thất trên mức chịu đựng của bất kỳ kẻ xâm lược nào, nhưng vẫn đủ để giữ không đẩy xung đột lên mức toàn diện. Dưới góc độ này, 76 chiếc Su-57 hoàn toàn xứng đáng với 600 máy bay F-22 và F-35.

 

Trang Mil.news.sina của Trung Quốc bày tỏ ấn tượng với radar photon vi sóng trang bị cho Su-57, có hiệu suất chuyển đổi năng lượng đến 60%, (radar truyền thống chỉ đạt được 30%); băng thông phát xung radar mới rộng gấp hàng chục lần so với radar truyền thống, độ phân giải trong phạm vi hoạt động của radar có thể tăng hàng chục lần, độ ồn tín hiệu/âm thanh thấp hơn 100 lần so với radar thông thường, giúp giảm đáng kể tỷ lệ âm thanh/tín hiệu; khoảng cách phát hiện mục tiêu tàng hình hơn 500km.

 "bong ma bau troi" su-57 duoi goc nhin cua gioi chuyen gia hinh 2
Su-57 trong một buổi thử nghiệm. Ảnh: Wikipedia.org

Ngoài chế độ làm việc đa tần, nó có trọng lượng nhẹ và độ phân giải ảnh cao hơn vài chục lần so với radar thông thường và có hiệu quả cao trong việc xác định mục tiêu, an-ten radar có thể được chế tạo thành một tấm mỏng gắn trực tiếp lên thân máy bay. Radar photon có thể xử lý hiệu quả dẫn bắn tên lửa và ngăn chặn nhiễu radio nhằm vô hiệu hóa các bức xạ radar thông thường, gần như miễn nhiễm với tác chiến điện tử, biến các thiết bị gây nhiễu mạnh của Mỹ thành vô tác dụng.

Đã có những đồn đoán về những khó khăn trong việc tích hợp tên lửa Kinzhal lên Su-57 và liệu nó có ảnh hưởng đến hoạt động của máy bay hay không. Đây cũng có thể coi là một dấu hiệu cho thấy niềm tin rất lớn của điện Kremlin đối với dự án Su-57 trong bối cảnh máy bay vẫn chưa thể được trang bị động cơ phản lực mới nhất. Một máy bay tàng hình thế hệ thứ năm mang tên lửa siêu thanh có thể mang lại nhiều ưu thế trong chiến đấu và biến quân đội Nga trở nên lợi hại hơn dù vấn đề chi phí phát triển loại tên lửa này có thể sẽ càng khiến Su-57 trở nên đắt đỏ hơn.

Một vật liệu tổng hợp mới tăng cường hấp thụ sóng radar, được sử dụng để chế tạo vòm kính buồng lái cho Su-57, tăng gấp đôi khả năng hấp thụ sóng radar và giảm 30% tín hiệu radar từ buồng lái máy bay. Ngoài việc giảm thiểu sự xuất hiện trên radar đối phương, chất phủ được làm bằng các lớp oxit kim loại dày 70-90nm còn giúp bảo vệ phi công khỏi tác động của tia cực tím, nhiệt và các yếu tố tiêu cực khác. Ứng dụng của nó giúp giảm một nửa trọng lượng của vòm kính buồng lái, tăng khả năng chống va đập và hấp thụ sóng radar từ 40% đến 80%.

Cũng có những đồn đoán từ trước rằng, Su-57 sẽ được trang bị công nghệ tàng hình Plasma tiên tiến, khiến các đài radar của đối phương hầu như bị “mù tuyệt đối”, kể cả ở dải sóng mét và sóng mm. Không chỉ Nga ca tụng dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Nga, mà ngay cả các phương tiện truyền thông của phương tây như tờ Stern của Đức hay tạp chí NI (National Interest) của Mỹ cũng phải công nhận tính năng ưu việt của nó.

 

… nhưng vẫn còn những điểm phải hoàn thiện…

Đầu năm nay, các báo Trung Quốc đề cập đến Su-57 với những bài ca ngợi sức mạnh của dòng chiến đấu cơ này. Tuy nhiên, một số nhà quan sát quân sự Trung Quốc cho rằng, nước này nên ưu tiên phát triển máy bay chiến đấu nội địa, vì việc nhập máy bay nước ngoài có thể không tương thích với hệ thống điều kiển và chỉ huy. Theo trang Sina, dù Su-57 được Nga đánh giá rất cao nhưng tiêm kích này không cần thiết cho Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào trên thế giới do phần lớn công nghệ dùng cho Su-57 đều có từ thời Liên Xô.

Trong khi đó, Asia Times ngày 24/1 cho biết, các nhà thiết kế máy bay chiến đấu Trung Quốc rất ấn tượng với tiêu chí thiết kế độc đáo của Su-57, và rất hào hứng khi so sánh về thiết kế và bảo trì với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 khác. Theo một số nhà phân tích, Su-57 không được coi là tiêm kích phản lực thế hệ 5 thực thụ vì khả năng tàng hình "dưới chuẩn" và trở thành một thất bại của công nghệ quốc phòng Nga. Tuy vậy, có khả năng Trung Quốc sẽ mua một số lượng hạn chế Su-57 để nghiên cứu - điều trái ngược với xu thế gần đây - Trung Quốc đầy tự tin là tiêm kích thế hệ 5 Chengdu J-20 của họ có tính năng mạnh hơn Su-57.

Tạp chí Trung Quốc Now News cho rằng việc Nga mua 76 tiêm kích Su-57 là thiếu khả thi và sẽ phá hỏng ngân sách nước này, do ngân sách quốc phòng Nga có thể chỉ đủ để sản xuất 6 chiếc Su-57 mỗi năm, như vậy, tới năm 2027, không quân Nga chỉ có thể sở hữu 48 chiếc. Thậm chí kế hoạch trên chưa chắc đã được đảm bảo nếu Su-57 được tích hợp động cơ giai đoạn 2 Izdeliye 30 có giá thành cao hơn nhiều so với AL-41F1S. Để có được nguồn vốn đối ứng, Nga sẽ phải tăng cường xuất khẩu Su-57 cho các quốc gia đồng minh nhằm quay vòng vốn để đẩy mạnh tiến độ chế tạo Su-57 cho mình.

Dù bị cho là còn hàng ngàn lỗi nhưng Mỹ đang chứng minh cho Nga thấy, những gì F-35 làm được đang là mơ ước với Moscow khi bắt đầu tích hợp lên tiêm kích này Auto GCAS - hệ thống có thể cứu mạng phi công và máy bay khi gặp tình huống nguy hiểm, do NASA, Không quân Mỹ và hãng Lockheed Martin phối hợp phát triển. Auto GCAS là hệ thống lái tự động phòng tránh va chạm, tự động kích hoạt trong tình huống máy bay xuống tới độ cao 2.500m, sau khi so sánh hướng bay của máy bay và dữ liệu địa hình mặt đất, hệ thống này tự nhận ra tình huống nguy hiểm là có thể đâm xuống đất, sẽ tự động điều khiển lấy lại thăng bằng cho máy bay và điều khiển máy bay lượn vòng bay lên.

 

Theo nhà phân tích Majumdar trên tạp chí National Interest, dù là tiêm kích thế hệ 5 nhưng Su-57 vẫn chưa thể hiện uy lực vượt trội hẳn so với tiêm kích thế hệ 4 như Su-35S, điểm mạnh duy nhất của nó nằm ở khả năng tàng hình nhưng lại không đủ mạnh. Không chỉ yếu kém về khả năng cơ động, và dù Su-57 được Nga quảng cáo có khả năng tàng hình hàng đầu thế giới nhưng tính năng thật sự của chiến đấu cơ này hiện vẫn là một dấu hỏi lớn Nga chưa thể chứng minh. Nhà sản xuất Nga tuyên bố, diện tích phản xạ radar (RCS) của Su-57 vào khoảng 0,01m2, Ấn Độ khẳng định con số này ở mức 0,3m2. Trong khi đó, RCS của F-22 ước tính chỉ khoảng 0,0001m2 và F-35 là 0,001m2. Vì vậy, việc Nga có thể bán Su-57 với mức giá rẻ gần 3 lần so với F-35 không phải là điều quá bất ngờ.

Mới đây, trang Janes dẫn lời lãnh đạo Tập đoàn Dassault Aviation cho biết, tiêm kích thế hệ mới FCAS là khắc tinh của Su-57 Nga. Để đánh bại Su-57, FCAS sở hữu những khả năng không thể đối với chiến đấu cơ Nga, đặc biệt không chiến tầm xa. Radar của Su-57 phát hiện được mục tiêu bay ở cự ly 400km, nhưng đó phải là vật thể cỡ máy bay ném bom B-52 với RCS 100m2, trong khi FCAS có kích thước nhỏ gọn, lại sở hữu tính năng tàng hình cực đỉnh. Mặt khác, công nghệ quét mảng pha điện tử thụ động có đặc tính kỹ thuật không cao, ưu điểm là có thể nhìn thấy mục tiêu ở khoảng cách rất xa của Su-57 nhưng lại không thực sự chính xác.

Loại tên lửa tầm bắn xa nhất của Su-57 là KS-172 tiêu diệt được mục tiêu từ cách xa 300km (Nga chưa phát triển xong tên lửa mới cho Su-57), nhưng đó chỉ là những máy bay lớn có tính năng thao diễn kém như B-52 hoặc AWACS. Còn khi chạm trán tiêm kích đối phương, Su-57 vẫn phải trông chờ vào tên lửa R-77. Đối với tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn, vùng không thể trốn thoát (NEZ) của R-77 vào khoảng 30 - 40 km.

Dù phải dùng lại tên lửa của tiêm kích thế hệ 4+ Meteor nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sức chiến đấu của FCAS bởi vũ khí này được đánh giá là tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến nhất thế giới. "Sát thủ diệt chim sắt" này có tầm bắn tối đa 185km (so với 150km của R-77) và đặc biệt chỉ số NEZ trên 100km, gấp 3 lần R-77, mang lại cho FCAS lợi thế cực lớn khi giao chiến ngoài tầm nhìn trước Su-57. Mặc dù còn rất nhiều thông tin về tiêm kích FCAS chưa được tiết lộ nhưng chỉ với những gì được công khai, việc châu Âu tin rằng chiến đấu cơ này đủ sức đánh bại tiêm kích tàng hình Su-57 Nga là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ thay đổi khi những vũ khí chính của Su-57 được Nga hoàn thiện.

Theo Lê Ngọc/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm