Quốc tế

“Cú đấm thép” của Tổng thống Trump có thể khiến Trung Quốc chao đảo

Bản năng của Tổng thống Donald Trump đã đúng khi mách bảo ông rằng Mỹ cần tái cân bằng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Và cũng phải cần đến một “cú đấm thép” như ông thì mới có thể khiến Bắc Kinh chú ý.

Lạ lùng khẩu trung liên ưa thích của đặc nhiệm Navy SEALs / Nâng cấp một thứ, “pháo đài bay” Tu-95MS mạnh gấp vạn lần!

“Cú đấm thép” của Tổng thống Trump có thể khiến Trung Quốc chao đảo - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

“Gần đây một người bạn doanh nhân Mỹ làm việc tại Trung Quốc nhận định với tôi rằng, nước Mỹ không đáng phải có một tổng thống như Donald Trump, nhưng ông ấy chắc chắn là vị tổng thống Mỹ mà Trung Quốc đáng phải đối đầu”, nhà bình luận Thomas L. Friedman viết trên báo New York Times.

Sự cởi mở ban đầu trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vào thập niên 1970 đã định hình liên kết thương mại song phương. Vào thời điểm đó, mối liên kết này vẫn còn rất hạn chế.

Việc Mỹ để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 đã giúp Bắc Kinh vươn lên trở thành cường quốc thương mại. Những quy định của WTO đã cho phép Bắc Kinh được hưởng nhiều ưu đãi với tư cách là nước đang phát triển.

Các cuộc đàm phán mới sẽ xác định cách thức Mỹ và Trung Quốc quan hệ với nhau với tư cách là hai nền kinh tế ngang bằng, cùng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp của thế kỷ 21 vào thời điểm mà thị trường hai nước đang hòa quyện vào nhau. Do vậy, đây vốn không phải là tranh chấp thương mại thông thường, mà là một vụ tranh chấp lớn.

Theo Friedman, để cuộc chiến thương mại kết thúc êm đẹp, Tổng thống Trump cần phải chấm dứt việc công kích Trung Quốc “một cách trẻ con” trên mạng xã hội Twitter và cũng dừng tuyên bố chiến tranh thương mại dễ giành chiến thắng như thế nào. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng nên lặng lẽ xây dựng một thỏa thuận tái cân bằng có lợi nhất cho Mỹ, dù không thể giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc, đồng thời thúc đẩy thỏa thuận này và tránh lao đầu vào cuộc chiến thuế quan dài bất tận.

 

Bản năng của Tổng thống Trump đã đúng khi mách bảo ông rằng Mỹ cần tái cân bằng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc trước khi Bắc Kinh trở nên quá lớn mạnh tới mức không thể thỏa hiệp được. Và cũng phải cần đến một “cú đấm thép” như ông Trump thì mới có thể khiến Trung Quốc chú ý. Thomas L. Friedman

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cần nhận ra rằng Bắc Kinh không thể cứ mãi thụ hưởng những ưu đãi thương mại như nước này vốn có trong suốt 40 năm qua. Sẽ là khôn ngoan hơn nếu ông Tập dừng đưa ra những lời hăm dọa kiểu như “không ai được phép nói Trung Quốc phải làm gì”, đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận tốt nhất theo hướng đôi bên cùng có lợi với Mỹ. Trung Quốc cần làm những điều trên vì họ khó có thể chịu được những hệ quả nếu Mỹ và các nước khác đồng loạt chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang các nước “abc” hay bất kỳ nơi nào đó ngoài Trung Quốc.

Con đường nào dẫn Mỹ và Trung Quốc tới kết cục như hiện nay?

Kể từ những năm 1970, quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã được duy trì tương đối nhất quán: Mỹ mua đồ chơi, áo thun, giày tennis, công cụ máy móc và pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc mua đậu nành, thịt bò và máy bay Boeing của Mỹ.

Cho tới khi quan hệ thương mại bị mất cân bằng, do Trung Quốc tăng trưởng không chỉ bởi làm việc chăm chỉ, xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh và đào tạo người dân, mà còn bởi cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường Trung Quốc, trợ cấp cho công ty trong nước, duy trì thuế quan ở mức cao, phớt lờ các quy định của WTO và đánh cắp sở hữu trí tuệ, Bắc Kinh đã xoa dịu Washington bằng cách mua thêm nhiều máy bay Boeing, thịt bò và đậu nành.

 

Trung Quốc kiên quyết cho rằng họ vẫn là “nước đang phát triển nghèo khó”, do vậy cần thêm sự bảo hộ dù trên thực tế Trung Quốc đã trở thành công xưởng sản xuất lớn thứ hai thế giới. Trong quá trình thiết lập quan hệ thương mại song phương, Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành cường quốc lớn thứ hai sau Mỹ. Cả Bắc Kinh và Washington đều khiến cho toàn cầu hóa lan rộng hơn và giúp thế giới trở nên thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên, một số thay đổi lớn của Trung Quốc đã xuất hiện khiến Mỹ không thể bỏ qua. Đầu tiên, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông báo kế hoạch hiện đại hóa “Made in China 2025”, trong đó cam kết trợ cấp để giúp các công ty tư nhân lẫn nhà nước của Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, in 3D, phần mềm nhận diện gương mặt, xe điện, xe tự lái, mạng 5G và vi mạch hiện đại.

“Cú đấm thép” của Tổng thống Trump có thể khiến Trung Quốc chao đảo - 2

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức dự tiệc tối kết hợp làm việc tại Argentina ngày 1/12. (Ảnh: Reuters)

Đây là sự thay đổi tự nhiên đối với Trung Quốc khi nước này muốn thoát ra khỏi hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây về công nghệ cao. Tuy nhiên trong tất cả những ngành công nghiệp mới nói trên, Trung Quốc đều phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty hàng đầu của Mỹ.

“Kết quả là, tất cả những cách mà Trung Quốc đã làm, từ trợ giá, bảo hộ, gian lận quy định thương mại, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ, từ thập niên 1970 đều trở thành mối đe dọa ngày càng lớn. Nếu Mỹ và châu Âu cho phép Trung Quốc tiếp tục hành xử theo đúng chiêu thức mà họ đã dùng để thoát nghèo và cạnh tranh ở tất cả các ngành trong tương lai, chúng ta có lẽ là những kẻ điên. Tổng thống Trump đã đúng ở khoản này”, nhà phân tích Friedman nhận định.

 

“Tuy nhiên ông Trump sai ở chỗ thương mại không giống như chiến tranh. Khác với chiến tranh, thương mại có thể cho phép hai bên cùng thắng. Alibaba, UnionPay, Baidu và Tencent cùng Google, Amazon, Facebook và Visa, tất cả đều có thể giành chiến thắng cùng một lúc và thực tế là như vậy. Nhưng tôi không chắc ông Trump có hiểu được điều đó không.

Tôi cũng không chắc ông Tập có hiểu điều đó không. Chúng ta phải để cho Trung Quốc giành chiến thắng công bằng và thẳng thắn nếu các công ty của họ tốt hơn, nhưng họ cũng phải sẵn sàng chịu thua một cách công bằng và thẳng thắn. Ai có thể nói trước được Google và Amazon ngày nay sẽ thịnh vượng hơn như thế nào nếu họ được phép hoạt động thoải mái ở Trung Quốc như Alibaba và Tencent được phép hoạt động ở Mỹ? Ngoài ra, Trung Quốc đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền, để trợ ấp cho các công ty trong nước, khi quân đội của họ đánh cắp kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin, rồi sau đó tự chế ra phiên bản sao chép của riêng mình, mà không phải tốn tiền nghiên cứu và phát triển?”, Thomas L. Friedman đặt câu hỏi.

“Chúng ta có thể phớt lờ nếu thương mại chỉ liên quan tới đồ chơi và pin mặt trời, nhưng nếu nó liên quan tới F-35 và 5G, nếu phớt lờ thì không khôn ngoan chút nào”, Friendman bình luận.

Theo nhà phân tích của New York Times, trong quan hệ thương mại, có thể hai bên cùng có thắng, nhưng chiến thắng có thể không còn nguyên vẹn nếu một bên không chỉ làm việc cật lực mà còn có hành vi gian lận.

Friedman nhận định thế giới đang sống trong kỷ nguyên “công dụng kép”. Các thiết bị 5G như sản phẩm do tập đoàn Huawei Trung Quốc sản xuất không chỉ có khả năng truyền dữ liệu và giọng nói với tốc độ siêu nhanh, mà còn có thể được sử dụng để làm công cụ gián điệp, nếu cơ quan tình báo Trung Quốc thực thi quyền tiếp cận theo quy định của luật.

 

“Trong thế giới “công dụng kép”, bạn nên lo lắng rằng nếu bạn sử dụng ứng dụng chatbot (phần mềm trả lời tin nhắn tự động) của Huawei tại nhà của bạn, tương tự công nghệ Echo của Amazon, có thể bạn đang nói chuyện với tình báo quân đội Trung Quốc”, Friedman cảnh báo.

Theo James McGregor, một trong những cố vấn kinh doanh Mỹ uyên bác nhất và từng sống lâu năm ở Trung Quốc, trong 10 năm qua, Trung Quốc “thay vì cải cách và mở cửa, lại tiến hành cải cách nhưng đóng cửa.”

Thay vì giàu có hơn và trở thành nước có trách nhiệm hơn trong thời đại toàn cầu hóa, Trung Quốc lại trở nên giàu hơn và quân sự hóa nhiều hơn các đảo ở Biển Đông nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Trung Quốc cũng sử dụng công cụ công nghệ cao như nhận diện khuôn mặt để kiểm soát người dân nhiều hơn, thay vì nới lỏng.

“Mỹ hoặc Trung Quốc phải tìm cách để xây dựng lòng tin mạnh mẽ hơn nữa, để toàn cầu hóa có thể tiếp tục diễn ra và chúng ta có thể phát triển cùng nhau trong kỷ nguyên mới. Nếu không, cả hai sẽ không thể tiến thêm được nữa. Trong trường hợp đó, toàn cầu hóa sẽ bắt đầu rạn nứt và cả Mỹ cũng như Trung Quốc sẽ nghèo đi”, nhà phân tích Friedman nhận định.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm