'Lá bài' Mỹ có thể tung ra trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela
Mỹ có thể nhắm mục tiêu tới ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế Venezuela, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bộc lộ điểm yếu của Mỹ / Từ Syria đến Bắc Cực, 'bức màn sắt' của Nga đe dọa Không quân Mỹ
Với mục đích thay đổi chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, Mỹ đang tìm cách hạn chế khả năng của chính quyền đương nhiệm Venezuela trong việc duy trì ngân sách và điều hành đất nước. Một trong những cách thức mà Mỹ sử dụng là áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức chính phủ, một số lĩnh vực trong nền kinh tế và hệ thống tiền mã hóa chính thức của Venezuela.
Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ vẫn chưa sử dụng cách mà nhiều vẫn gọi là “phương án hạt nhân” nhằm vào Venezuela, đó là lệnh cấm vận dầu mỏ toàn bộ. Động thái này sẽ nhắm mục tiêu tới ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn chiếm tới 90% nguồn thu của chính phủ Venezuela.
Bất chấp cuộc đấu khẩu giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nicolas Maduro, các nhà máy lọc dầu tại Mỹ vẫn đang mua dầu mỏ từ Venezuela. PDVSA, công ty dầu khí nhà nước Venezuela, thậm chí còn sở hữu các nhà máy lọc dầu ở Texas, Mỹ thông qua một công ty con có tên là CITGO.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Venezuela ngày càng leo thang sau khi chính quyền Trump tuyên bố ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido là “tổng thống hợp pháp” của Venezuea vào tuần trước, giới phân tích dự đoán Washington sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Caracas trong những ngày sắp tới.
Thị trường vẫn đang chờ đợi phản ứng tiếp theo của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Nếu Washington thực sự có động thái cứng rắn nhằm vào Venezuela, quốc gia phải hứng chịu khủng hoảng suốt nhiều năm, liệu đây có phải là “đòn chí mạng” đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ hay không và tác động của kịch bản này tới cộng đồng quốc tế như thế nào?
Tác động tới thị trường
Sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã khiến giá dầu thô giảm mạnh trong vòng 4 năm qua. Mặc dù giá dầu thô có tăng nhẹ trong thời gian gần đây, song 2019 vẫn được xem là năm thách thức đối với loại nhiên liệu này và chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu thô sẽ tăng lên.
Dầu mỏ là ngành công nghiệp huyết mạch của Venezuela. (Ảnh: Getty)
này. Sản xuất dầu tại Nigeria và Libya không ổn định, trong khi Iran vẫn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, còn Nga và Ả rập Xê út đã cắt giảm sản lượng. Cuộc khủng hoảng tại Venezuela tiếp tục là diễn biến mới có thể tác động tới thị trường dầu mỏ.
Với tình hình như hiện nay, Tổng thống Nicolas Maduro nhiều khả năng sẽ không từ nhiệm trong tương lai gần và căng thẳng tại Venezuela sẽ tiếp tục tăng nhiệt. Gần như mọi nhà phân tích đều loại trừ phương án Mỹ sẽ áp lệnh cấm vận đối với toàn bộ dầu mỏ của Venezuela vì cho rằng điều đó không chỉ gây ra tác động mang tính hủy diệt với người dân Venezuela mà còn giáng một đòn nặng nề vào chính phủ nước này.
Một trong những kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất là Mỹ sẽ giới hạn một phần số lượng dầu mua từ Venezuela. Điều này sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng tại Mỹ và cũng như các nước khác. Giá dầu sẽ tăng lên do các nhà máy lọc dầu tại Mỹ phải mua từ những nguồn đắt đỏ hơn. Các nhà máy lọc dầu Mỹ vốn tiêu thụ hàng trăm nghìn thùng dầu từ Venezuela mỗi ngày cũng phải đối mặt với những tác động tiêu cực.
"Các lệnh trừng phạt sẽ khiến các nhà máy lọc dầu vùng Vịnh của Mỹ trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất", nhà phân tích Paola Rodriguez-Masiu nhận định.
Việc Mỹ hạn chế mua dầu của Venezuela sẽ có lợi cho Ả rập Xê út, Mexico và Iraq, những nước sản xuất lượng dầu thô đặc tương tự Venezuela. Đây cũng là những quốc gia đã chiếm thị phần của Venezuela trên thị trường dầu mỏ trong nhiều năm qua.
Sản lượng sụt giảm
Theo BBC, Venezuela vẫn là nước thiệt hại nhiều nhất do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Người biểu tình tại thủ đô của Venezuela năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Venezuela có trữ lượng dầu được ghi nhận là lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Ả rập Xê út. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này ngày càng thiếu tiền để thăm dò và bơm dầu lên.
Vào cuối những năm 1990, Venezuela sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Còn bây giờ, các chuyên gia ước tính con số này chỉ còn khoảng trên một triệu thùng.
Những khách hàng lớn nhất mua dầu của Venezuela là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Venezuela không nhận được tiền mặt từ việc bán dầu cho hai nước này vì chúng được dùng để thanh toán cho các khoản nợ khổng lồ của Venezuela.
“Các lệnh trừng phạt sẽ cắt đứt nguồn sống của nền kinh tế Venezuela”, Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData, cho biết.
Ngay cả trong trường hợp không phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, lượng dầu sản xuất của Venezuela cũng giảm đáng kể trong năm nay do thiếu sự đầu tư. Tỷ lệ sụt giảm về sản lượng dầu của Venezuela có xu hướng tăng cao hơn trong những tháng gần đây. Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets, ước tính con số sụt giảm khoảng 300.000 - 500.000 thùng/ngày khi không có lệnh trừng phạt.
Trong trường hợp Mỹ áp lệnh trừng phạt, tỷ lệ sụt giảm còn trầm trọng hơn. Venezuela có thể chuyển một phần sản lượng dầu của mình sang các nước mua dầu khác như Trung Quốc, song khó có thể chuyển tất cả lượng dầu dư thừa sang các thị trường không liên kết với Mỹ.
Venezuela vẫn được xem là “cường quốc” về dầu, đặc biệt là dầu thô đặc vì không có nhiều khu vực trên thế giới sở hữu tài nguyên này. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela có thể sẽ thay đổi điều này.
“Sẽ cần hàng tỷ (USD) đầu tư để khắc phục cơ sở hạ tầng và khởi động quá trình hồi phục. Các nhà kỹ trị tài năng từng đưa PVDSA trở thành một trong những công ty dầu khí quốc gia chủ vẫn tiếp tục rời đi ồ ạt. Ngay cả khi một chính phủ cải cách lên nắm quyền, cộng đồng quốc tế sẽ phải khởi động nỗ lực tái thiết và hồi phục lớn để đưa Venezuela về đúng quỹ đạo”, bà Croft nhận định.
Các chỉ số do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cho thấy sự tách biệt về kinh tế của Venezuela so với các nước khác trong khu vực Mỹ Latin, tới mức không thể so sánh Venezuela với những nước này. GDP của Venezuela năm nay được dự đoán sẽ “chạm đáy” mới và quy mô nền kinh tế sẽ chỉ còn bằng một nửa so với năm 2013.
Năm ngoái, chính phủ Venezuela một lần nữa tìm cách sử dụng dầu mỏ như một biện pháp để cứu vãn đang trên đà tụt dốc của nền kinh tế. Venezuela dừng trợ cấp, nâng giá dầu trong nước, phát động chiến dịch sử dụng tiền mã hóa được cho là gắn liền với giá dầu.
Tuy vậy, các nỗ lực của chính quyền Venezuela đều không thể kiềm chế lạm phát khi tỷ lệ lạm phát tại nước này ước tính có thể lên tới hàng triệu %, ngoài ra cũng không thể chấm dứt tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.
Theo Joe McMonigle, cựu quan chức Bộ Năng lượng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định khả năng Mỹ áp lệnh trừng phạt với ngành dầu mỏ của Venezuela là rất cao. Ông Joe cảnh báo các lệnh trừng phạt sẽ làm tăng nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn hơn như một cuộc nội chiến hoặc khiến các công ty dầu Venezuela dừng hoạt động, từ đó gây ra tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Tổng thống Nicolas Maduro tham gia cuộc tập trận quân sự tại Venezuela ngày 27/1. (Ảnh: Reuters)