Quốc tế

Căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bộc lộ điểm yếu của Mỹ

Căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã cho thấy sự suy giảm vai trò của Mỹ trong khu vực.

Phiến quân pháo kích Aleppo, 8 binh sĩ Syria thương vong / Tổng thống Putin lên tiếng về tình hình Venezuela

Nhật Bản và Hàn Quốc đang rơi vào vòng xoáy căng thẳng về quân sự mà các nhà phân tích rằng nếu hai bên không thể tìm được một giải pháp chung thì điều này có thể làm nghiêm trọng thêm tình hình địa chính trị vốn đang rối ren tại Đông Bắc Á. Những bất đồng song phương cũng cho thấy sự suy giảm vai trò của Mỹ trong khu vực.

cang thang quan su giua han quoc va nhat ban boc lo diem yeu cua my hinh 1
Tàu khu trục Gwanggaeto the Great của Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ một tàu Triều Tiên trôi giạt trên biển Nhật Bản, ngày 20/12/2018. Ảnh: Yonhap

Căng thẳng bùng phát từ ngày 20/12/2018, sau cuộc “chạm trán” giữa máy bay tuần tra, thu thập thông tin của Nhật Bản và tàu khu trục của Hàn Quốc mà phía Hàn Quốc cho biết đang thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Nhật Bản đã cáo buộc Hàn Quốc khóa radar vào “mục tiêu tấn công” là máy bay tuần tra trên biển của Nhật, trong khi Seoul cáo buộc máy bay này bay sát đe dọa an toàn đối với tàu chiến Hàn Quốc và radar “không được sử dụng để theo dõi máy bay của Nhật Bản”. Căng thẳng leo thang nhanh chóng đã thổi bùng lên những bất đồng lịch sử giữa hai nước và đe dọa đến sự ổn định trong khu vực.

Ông Van Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Tình hình địa chính trị tại Đông Bắc Á đang bị lung lay và vẫn chưa ổn định. Trung Quốc đang tìm cách gạt Mỹ ra ngoài lề và tương lai của Mỹ trong khu vực bây giờ bấp bênh hơn bất cứ thời điểm nào kể từ những năm 1970. Trong bối cảnh đó, những tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang bắt đầu làm hằn sâu vết nứt đối với sự ổn định khu vực”.

Bất đồng nhìn từ lịch sử

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh thân cận của Mỹ, tuy nhiên giữa hai quốc gia này từ lâu đã có những bất đồng chưa thể hóa giải. Bất đồng phần lớn bắt nguồn những yếu tố lịch sử như cuộc chiếm đóng của Nhật tại Bán đảo Triều Tiên nửa đầu thế kỷ 20, dấu ấn chiến tranh nặng nề để lại trong lòng người dân Hàn Quốc, điển hình là vấn đề phụ nữ mua vui thời chiến, tiếp đến là vấn đề viết lại sách giáo khoa lịch sử ở Nhật Bản, tranh chấp chủ quyền đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima.

Ngay sau vụ việc, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp kín cấp chuyên viên để tìm kiếm giải pháp nhưng cuộc họp này đã không mang lại hiệu quả khi chẳng bên nào chịu lắng nghe lời giải thích của phía bên kia. Các bên vẫn “lời qua tiếng lại”, cáo buộc nhau đánh lừa dư luận và bóp méo sự thật.

 

Nghị sỹ Song Young-gil, đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc, thậm chí đề xuất Seoul nên rút khỏi Hiệp địnhAn ninh chung về Thông tin quân sự(GSOMIA) – cho phép chia sẻ các thông tin tình báo nhạy cảm giữa hai nước. Hải quân Hàn Quốc đã quyết định hủy kế hoạch thăm căn cứ Hạm đội Nhật Bản của Tư lệnh hạm đội 1 Hải quân Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2019. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết đang xem xét khả năng hủy kế hoạch thăm quân cảng Busan của tàu chiến Nhật, dự kiến diễn ra vào tháng 4/2019.

Ông Jonathan Berkshire Miller, nhà phân tích tại Viện quan hệ Quốc tế có trụ sở tại Tokyo cho rằng, bất đồng trong lịch sử đã khiến mối quan hệ trở nên xấu hơn ở thời điểm hiện tại. “Bối cảnh chính là yếu tố then chốt”, ông Miller nói.

Mỹ giảm vai trò trong khu vực

Căng thẳng quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra vào thời điểm cực kỳ quan trọng đối với Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 với Triều Tiên song song với việc đặt ra thời hạn chót cho đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Các ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ để thảo luận về xung đột quân sự mói nhất này, nhưng cuộc gặp này kết thúc với một tuyên bố không có vẻ gì là khả quan. Trong khi đó, Mỹ- đồng minh quan trọng nhất, đóng vai trò hòa giải xung đột giữa hai bên thì lại vắng mặt. Tổng thống Donald Trump đã hủy chuyến đi tới Davos để giải quyết vấn đề chính phủ đóng cửa. Một số người đã chỉ trích Nhà Trắng không đặt nặng vấn đề điều hành và quản lý liên minh minh.

 

Nhận xét về diễn biến này, ông Jackson, cựu quan chức tại Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại, những tranh cãi hiện tại giữa Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy vai trò lãnh đạo của Mỹ đang suy giảm và cuộc chơi sẽ nằm trong tay của Trung Quốc và Triều Tiên - hai nước từng tìm cách làm suy yếu sự ảnh hưởng trong khu vực bằng cách gây ra rạn nứt giữa Washington và đồng minh.

“Những gì chúng ta chứng kiến ở đây là sự trở lại thời kỳ lịch sử theo một cách hiểu sâu xa hơn. Hai nước chưa từng tiến tới việc hòa giải hoàn toàn thậm chí khi họ bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, đồng thời có rất nhiều xung đột về lợi ích phía sau sự hợp tác với Mỹ. Nếu tình hình không thay đổi, tôi cho rằng một cuộc xung đột nghiêm trọng sẽ có thể nổ ra ở một thời điểm nào đó”.

Liệu có cơ hội hàn gắn?

Bất chấp những bất đồng trong lịch sử, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gialáng giềng có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, chính trị và đều là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ, đóng góp cho an ninh của nhau. Hai bên luôn mong muốn tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên diễn ra nhanh chóng, ủng hộ tự do thương mại và quan ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký Hiệp định bình thường hóa quan hệ vào năm 1965 và đều tuyên bố sẽ tìm giải pháp cho hầu hết các vấn đề thời chiến.

Trong bài viết đăng tải trên tờ National Interest, tác giả Sebastien Roblin cho rằng, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không muốn gây ra một cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt khi hai bên đang cùng nhau chống lại mối đe dọa về tên lửa của Triều Tiên, cũng như sự mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc

 

Theo nhà phân tích Berkshire Miller, mối quan hệ quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi những bất đồng về chính trị. “Đây là một lĩnh vực mà bị cách biệt hoặc miễn nhiễm với các lĩnh vực kia. Mặc dù quan hệ về mặt quân sự không phải lúc nào cũng tốt đẹp nhưng cả hai bên đều nhất trí cho rằng sự hợp tác sẽ là tốt hơn cho các bên”.

Theo vov.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm