"Mây đen" kéo đến sau quyết định của OPEC+
Morgan Stanley: Giá dầu sẽ trở lại mốc 100 USD/thùng trong quý tới / Ngành công nghiệp Đức bộc lộ nhiều dấu hiệu giảm tốc rõ rệt
Động thái đã làm dấy lên lo ngại về đà tăng cao hơn của lạm phát, đồng thời có thể làm rạn nứt quan hệ giữa phương Tây và Saudi Arabia.
Từ quyết định gây tranh cãi
Trong cuộc họp chính sách ngày 5/10 tại Vienna (Áo), Bộ trưởng Năng lượng các nước thuộc OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11/2022. Đây là lần cắt giảm sản lượng mạnh nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, bất chấp mối lo ngại lạm phát tăng vọt và các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất.
Hồi tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực nhằm đảo chiều lao dốc giá dầu thô vì tác động của các biện pháp phong tỏa phòng dịch. Từ năm 2021, OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng sau khi thị trường phục hồi. Sản lượng trở về mức trước đại dịch COVID-19 trong năm 2022 nhưng chỉ trên văn bản vì một số thành viên phải chật vật để đạt chỉ tiêu tăng sản lượng. Đến tháng Chín vừa qua, sau hơn 1 năm, lần đầu tiên OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng nhưng chỉ là một động thái tượng trưng với mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày từ tháng Mười.
Trong những tuần gần đây, giá dầu thế giới giảm xuống mức của thời điểm trước khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine do lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, những phiên gần đây, giá dầu đã tăng trở lại dựa trên triển vọng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng.
Trong một phát biểu, Tổng Thư ký OPEC Haitham al-Ghais đã bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC+. Ông khẳng định chính sách mới sẽ giúp liên minh này đảm bảo nguồn cung để đối phó với với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Trả lời kênh truyền hình Al Arabiya, ông Ghais khẳng định đây không phải là quyết định của 2 hay 3 nước riêng lẻ mà là quyết định tập thể. Ông cho biết có nhiều chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy khả năng cao kinh tế thế giới sẽ suy thoái và quyết định này của OPEC+ mang tính dự trù cho những bất trắc. Ông nhấn mạnh quyết định của OPEC+ không nhắm đến vấn đề giá cả, mà chú trọng cân bằng giữa cung và cầu.
Trong khi đó, giới chuyên môn nhận định việc cắt giảm sản lượng sẽ gửi một tín hiệu toàn cầu rằng OPEC+ muốn giành lại quyền kiểm soát thị trường mà họ tin rằng đã đi chệch khỏi các nguyên tắc cơ bản về cung và cầu. Giá dầu đã giảm 31% từ đầu tháng 8/2022 do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này khiến doanh thu từ dầu mỏ khổng lồ mà Saudi Arabia và các đối tác OPEC+ cũng giảm đáng kể kể từ đầu năm. Do đó, các nước xuất khẩu dầu muốn ổn định thị trường, ổn định cung cầu, cũng như ngăn đà giảm giá với mong muốn duy trì mức giá khoảng 90 USD/thùng.
Những trở ngại phía trước
Trước cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine, quyết định giảm sản lượng của OPEC được đánh giá như một động thái "tăng áp" cho giá dầu. Thế nhưng, mặt trái của hành động này lại làm nguồn cung trên thị trường dầu mỏ vốn dĩ đã eo hẹp sẽ bị siết chặt hơn. Sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu đang củng cố mối lo ngại lạm phát tăng vọt khi Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt lệnh cấm đối với dầu Nga vào tháng Mười Hai.
Giá dầu thế giới giao dịch kỳ hạn đã trở lại mức cao nhất trong ba tuần, sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng. Các chuyên gia đánh giá tình trạng giá dầu giao ngay ở mức cao hơn đang "đào sâu" mối lo ngại về đà tăng của lạm phát khi các chính phủ từ Nhật Bản đến Ấn Độ nỗ lực kiềm chế sự gia tăng chi phí sinh hoạt trong khi châu Âu dự kiến sẽ tiêu thụ nhiều dầu hơn để thay thế khí đốt của Nga trong mùa Đông.
Ngoài ra, các nhà phân tích lưu ý quyết định của OPEC+ cũng làm gia tăng những rạn nứt ngoại giao giữa các nước Arập và các quốc gia phương Tây, vốn đã lo ngại giá năng lượng cao hơn sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu và cản trở nỗ lực giảm nguồn thu từ dầu của Nga.
Theo tờ Thời báo Tài chính, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là "thiếu không ngoan và không giúp ích" cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới nổi. Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy cho rằng kế hoạch của OPEC+ là một "sai lầm". Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, ông Murphy cho rằng đã đến lúc cần đánh giá lại toàn bộ quan hệ đồng minh của Mỹ với Saudi Arabia.
Các điều luật của Mỹ với khả năng khởi động một vụ kiện chống độc quyền nhằm vào các thành viên OPEC+ đang được nhắc đến như là một công cụ khả thi để "khắc chế" OPEC+. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Nhà Trắng thông báo kế hoạch tham khảo ý kiến Quốc hội về "các công cụ và thẩm quyền bổ sung" để kìm hãm sự kiểm soát của OPEC+ đối với giá năng lượng, một ám chỉ rõ ràng về khả năng ủng hộ Dự luật Không sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC), nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi nguy cơ giá dầu tăng vọt.
Dự luật NOPEC sẽ điều chỉnh luật chống độc quyền của Mỹ để thu hồi quyền miễn trừ từng bảo vệ các thành viên OPEC+ và các công ty dầu khí quốc gia của họ khỏi các vụ kiện. Nếu NOPEC được ký thành luật, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ có thêm lựa chọn để kiện OPEC+ hoặc các thành viên, chẳng hạn như Saudi Arabia, tại tòa án liên bang.
Song vẫn chưa rõ chính xác bằng cách nào một tòa án liên bang có thể thực thi quyết định chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm chống lại một quốc gia nước ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo