Quốc tế

“Mìn nhảy” tấn công đột nóc PTKM-1R của Nga: Nỗi khiếp sợ với xe tăng

Lực lượng công binh Nga được cho là đang triển khai mìn chống tăng hay còn gọi là “mìn nhảy” PTKM-1R ở Ukraine.

Nga: Tên lửa Kh-31PD có thể thắng trong cuộc so găng với hệ thống Patriot của Mỹ / Đặt lên "bàn cân" xe tăng Abrams của Mỹ và T-14 Armata của Nga

Theo giới quan sát, những quả mìn này có thể là mối đe dọa lớn đối với các xe tăng Abrams và Leopard 2 mà phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine.

Army Recognition cho biết, “mìn nhảy” có thể tấn công hiệu quả xe tăng, xe chiến đấu bộ binh (IFV) và pháo tự hành. PTKM-1R cũng được gọi là “mìn thông minh” vì nó có thể xác định mục tiêu trước khi phát nổ. Chẳng hạn PTKM-1R có khả năng chọn mục tiêu để tấn công, dựa trên các thông số nhất định về tiếng ồn và độ rung của mặt đất. Nó sẽ không phản ứng khi phương tiện cơ giới thông thường như ô tô chạy ngang qua, mà đợi các phương tiện bọc thép hạng nặng như xe tăng hoặc IFV, một chuyên gia Nga cho biết.

Cận cảnh hoạt động của mìn thông minh PTKM-1R. Nguồn: Daily Mail.

PTKM-1R của Nga có khả năng phá hủy những bộ phận dễ bị tổn thương nhất của xe tăng, IFV và pháo tự hành như nóc tháp pháo hoặc thân xe.

Nga chính thức ra mắt mìn PTKM-1R vào năm 2018 và bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt cho quân đội vào năm 2021. PTKM-1R từng được trưng bày tại gian hàng của Rosoboronexport tại diễn đàn kỹ thuật quân sự Army-2022.

Vũ khí “thông minh" này được thiết kế để tiêu diệt có chọn lọc các phương tiện bọc thép và xe tăng. Nhìn bề ngoài, mìn có cấu hình khác với các vũ khí chống tăng truyền thống. PTKM-1R được chế tạo dưới dạng container vận chuyển mang theo đầu đạn nổ mạnh, các cảm biến hồng ngoại và cảm biến âm thanh, địa chấn rất nhạy cho phép phán đoán hướng đi và khoảng cách mục tiêu.

Cảm biến có nhiệm vụ thu nhận âm thanh của phương tiện đang đến gần và so sánh âm thanh đó với âm thanh của những mục tiêu đã được xác định trước. Điều này khiến nó không phản ứng trước các phương tiện dân sự mà chỉ kích hoạt khi phương tiện quân sự đi qua.

PTKM-1R được công binh triển khai thủ công trên khoảng cách từ 5 đến 50 mét cách tuyến đường mà tăng thiết giáp đi qua, khiến đối phương rất khó phát hiện hoặc rà phá. Theo blog của Dịch vụ Nghiên cứu vũ khí, mìn được đặt trên mặt đất và 8 chân gập ra ngoài để giữ nó đứng vững theo phương thẳng đứng. 4 cảm biến âm thanh và địa chấn của nó sẽ được kích hoạt khi mục tiêu đến gần trong phạm vi 100m, đồng thời tính toán đường đi.

Khi mục tiêu nằm trong tầm ngắm, quả mìn sẽ nghiêng một góc 30 độ về phía phương tiện. Khi mục tiêu đi vào phạm vi phá hủy, nó sẽ phóng một đầu đạn lên không trung ở độ cao vài chục mét. Đầu đạn được khai hỏa bay theo quỹ đạo đạn đạo, trong khi các cảm biến nhiệt và radar rà quét địa hình. Khi đầu đạn phát nổ, nó sẽ tạo thành hạt nhân xuyên phá tấn công từ trên xuống nắp tháp pháo hoặc thân xe. Đây gọi là kiểu “tấn công đột nóc”.

Đầu đạn có thể xuyên thủng lớp giáp dày 7cm, vốn được sử dụng cho xe tăng truyền thống. Toàn bộ quá trình tấn công chỉ mất vài giây. Mìn PTKM-1R có thể được đặt ngay trên mặt đất với thời gian triển khai 10 ngày. Trong khoảng thời gian 10 ngày nếu không được kích hoạt, nó sẽ tự hủy để tránh gây nguy hiểm cho dân thường.

Không chỉ riêng Nga, nhiều quốc gia khác cũng đang chạy đua phát triển vũ khí tấn công ngày càng mạnh mẽ để chống lại công nghệ phát triển giáp xe tăng tiên tiến. Chẳng hạn, Đức có mìn chống tăng DM-22 còn Estonia có loại mìn chống tăng PK14 và những loại mìn này nhiều khả năng đang được quân đội Ukraine sử dụng trên chiến trường. Giới phân tích cho rằng, loại mìn có cơ chế hoạt động gần giống mìn PTKM-1R nhất là M93 Hornet của Mỹ, do tập đoàn Textron chế tạo vào những năm 1980. Mìn này cũng có thời gian hoạt động tương đối ngắn.

Trong những năm gần đây, các nhà phát triển đã nỗ lực cải thiện lớp giáp bảo vệ cho xe tăng, chẳng hạn như thay thế lớp giáp làm từ thép đơn thuần bằng lớp giáp làm từ gốm Corundum tổng hợp sẽ vượt trội hơn các vật liệu kim loại và có trọng lượng nhẹ hơn nhiều. Điều đó giúp nó gia tăng tính cơ động, trong khi được bảo vệ tốt hơn.

Tuy vậy, điểm yếu của xe tăng vẫn là tháp pháo, vốn rất dễ bị tấn công từ trên cao. Điều này đã được minh chứng rõ rệt trong cuộc xung đột Nga-Ukraine khi hàng trăm chiếc xe tăng bị phá hủy trong các cuộc không kích. PTKM-1R có thể dễ dàng chọc thủng tháp pháo của xe tăng, gây thương vong cho kíp lái hoặc khiến vũ khí trên xe tăng phát nổ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm