Quốc tế

'Mổ xẻ' học thuyết chiến tranh của Mỹ chống Nga và Trung Quốc

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Mỹ là xây dựng được các lực lượng vũ trang quốc gia chất lượng cao, được huấn luyện tốt và trang bị hiện đại của từng nước đồng minh.

Trong thời gian gần đây, Mỹ đã tập trung nhiều nỗ lực không chỉ để thiết kế- chế tạo các loại vũ khí siêu hiện đại mới, mà còn làm mọi công tác chuẩn bị cho Các lực lượng vũ trang (CLLVT) của Mỹ tiến hành chiến tranh cùng lúc trong mọi không gian có thể: trên không, trên- dưới biển, trên đất liền đến trong không gian vũ trụ và trên không gian mạng Internet.

Học thuyết đối đầu đa miền

Trong Học thuyết Quân sự công bố gần đây của Mỹ mới xuất hiện khải niệm (thuật ngữ) “đối đầu đa miền”. Nhà nghiên cứu chiến lược hiện đại người Mỹ, Tướng Stephen Townsend, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Châu Phi của CLLVT Mỹ từ tháng 7/2019 đã khẳng định rằng bản chất (nội hàm) của khái niệm này được thể hiện rất rõ ngay ở tiêu đề: thay đổi phương pháp chiến tranh ngày hôm nay để ngày mai có thể chiếm ưu thế trước đối phương tiềm năng.

Chiến tranh của Mỹ chống Nga và Trung Quốc.

Trận đánh đa miền (Multidomain battle -MDB) theo cách hiểu của các tướng lĩnh Mỹ- đó là tiến hành chiến tranh (các hoạt động tác chiến) cùng lúc trong nhiều miền (không gian) khác nhau - trên bộ, trên biển, trên không, trên vũ trụ, trên không gian mạng. Để hiện thực hóa yêu cầu này, cần phải thực hiện được các nhiệm vụ sau:

Chọc thủng được các hệ thống phòng thủ của đối phương, phối hợp hành động liên tục giữa các miền trong khi vẫn duy trì khả năng tự do hành động hoàn toàn (của mỗi miền), có thể thay đổi một cách linh hoạt các khả năng quân sự (lực lượng- phương tiện) để đápứng yêu cầu liên tục cơ động.

Trong một báo cáo chuyên đề của mình, Tướng Townsend đã so sánh chiến tranh đa miền với các nguyên tắc làm việc của IPhone. IPhone đã làm thay đổi, trước hết, chính các hành vi của con người. Và Quân đội Mỹ cũng đang hy vọng vào một hiệu quả tương tự từ việc hiện thực hóa Học thuyết Chiến tranh đa miền.

Tướng Townsend đặc biệt nhấn mạnh rằng tất cả các miền (lĩnh vực) và những hành động trong các miền đó không phải là cái gì quá mới đối với CLLVT Mỹ, nhưng từ nay, trong khuôn khổ Học thuyết này, CLLVT Mỹ sẽ thay đổi chính bản thân cấu trúc phối hợp hành động giữa các miền (lĩnh vực) đó.

Các trận đánh ở nhiều miền đã từng diễn ra trước đây, nhưng bây giờ vấn đề là ở chỗ làm thế nào để biến toàn bộ tập hợp các chiến dịch của CLLVT Mỹ trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ trụ, trong không gian Internet thành một chiến dịch đa miền thống nhất.

Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua một bản báo cáo về chiến lược hiện đại hóa CLLVT nước này.

Trong báo cáo này có xác định rõ sáu (6) ưu tiên chủ yếu trong phát triển CLLVT Mỹ như sau- (1) thiết kế- chế tạo và đưa vào sử dụng (trang bị kỹ thuật quân sự) vũ khí chính xác cao, (2) thiết kế –chế tạo xe chiến đấu thế hệ mới, (3) thay thế các máy bay chiến đấu hiện có bằng các máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng, (4) hiện đại hóa các hệ thống thông tin liên lạc, (5) phát triển hệ thống phòng không và phòng thủ (chống) tên lửa, và (6) tăng cường khả năng sát thương (uy lực hỏa lực- nôm na trang bị vũ khí có khả năng sát thương cao hơn-ND) cho binh sỹ Mỹ.

Học thuyết chiến tranh đa miền là sự tiếp nối hợp logic của “Chiến lược Sáu ưu tiên” này. Ý tưởng chuyển CLLVT và lực lượng dự bị Mỹ thành Lực lượng đa miền được giới lãnh đạo chính trị- quân sự Mỹ coi là bước đi quan trọng nhất để đảm bảo chắc chắn vị thế thống trị quân sự và chính trị trên toàn cầu của Mỹ bằng sức mạnh quân sự.

Nếu như nói về các khả năng kỹ thuật của một cuộc chiến đa miền, thì có thể dẫn một ví dụ từ phát biểu của Giám đốc của Viện Các nghiên cứu hàng không- vũ trụ mang tên Mitchell, nguyên Trung tướng nghỉ hưu David Deptula.

Vị chuyên gia quân sự này nói rằng máy bay tiêm kích F-35, trong trường hợp phát hiện đối phương phóng tên lửa về phía tàu tuần dương mang tên lửa của Mỹ, sẽ phải đánh chặn tên lửa này (của đối phương) bằng cách phóng tên lửa đánh chặn từ chính tàu tuần dương Mỹ. Hiện giờ, theo tướng Deptula, Quân đội Mỹ chưa thể đạt tới một trình độ phối hợp hành động cao như vậy, nhưng chính đây là điều cần phải hướng tới.

Có nghĩa là một cuộc chiến tranh đa miền (đa lĩnh vực) theo cách hiểu của các chiến lược gia hiện đại Mỹ- đó không chỉ là sự điều phối cơ học các hành động của Lục quân, Không quân, Hải quân và các lực lượng vũ trang khác, mà còn tạo việc tạo ra các điều kiện để, trong trường hợp cần thiết, Lục quân có thể sử dụng các khả năng (lực lượng- phương tiện) ,của Hải quân, Không quân, còn Không quân- các khả năng của Lục quân và v.v. .

Tướng Townsend còn nói thêm rằng một viên gạch có tầm quan trọng bậc nhất nữa xây nền móng cho sự thống trị chính trị- quân sự của Mỹ- đó là (Mỹ) phối hợp hành động chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), với các quốc gia thân thiện khác, và có một đường lối chung nhất quán của chính phủ (Mỹ).

Bởi vì, xét cho cùng, Quân đội Mỹ có thể giành chiến thắng trong một trận chiến, nhưng một chiến thắng chung cuộc chỉ có thể đạt được, trước hết, nhờ vào một đường lối chính trị thống nhất (của chính phủ Mỹ).

Các công cụ chính trị và thông tin trong thế giới hiện đại cũng là những vũ khí rất hiệu quả- hiệu quả không kém các loại vũ khí sát thương hiện đại nhất do các tổ hợp công nghiệp quốc phòng chế tạo.

Chính vì thế nên khía cạnh chính trị đóng một trong những vai trò chủ chốt trong tiến trình hiện thực hóa Học thuyết Chiến tranh đa miền. Không gian thông tin- đó cũng là một miền (lĩnh vực), và trong miền này, cũng rất cần phải đối đầu với đối phương và vấn đề không chỉ ở các cuộc tấn công xâm nhập mạng hoặc đánh sập các cơ sở dữ liệu, mà còn cả về nhiệm vụ đảm bảo thông tin cho vị thế thống trị của Ý thức hệ Mỹ.

Người Mỹ công khai hóa đối thủ và đồng minh

Vào giai đoạn hiện tại, khác với như những năm 1990 của thế kỷ XX, Washington không còn “giấu tên” các đối thủ tiềm năng nữa. Mỹ công khai tuyên bố rằng các đối thủ chủ yếu của nướcMỹ hiện nay, trước hết- đó là "các nước xét lại" – là Trung Quốc và Nga, - tức những quốc gia muốn "xét lại" trật tự thế giới, xem xét lại và tranh cãi quyền bá chủ của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai, đó là những “quốc gia- Trục ma quỷ” như Iran và Bắc Triều Tiên,- tức những quốc gia không chịu “hòa nhập” vào một trật tự thế giới chung và phủ nhận hoàn toàn trật tự thế giới đó, tự mình xây dựng xã hội của mình theo những nguyên tắc hệ tư tưởng hoàn toàn khác, dù đó là Dòng Hồi giáo Shiite hay hệ tư tưởng Marxist cải biên.

Những quốc gia này, như tình hình hiện nay cho thấy, có thể tận dụng sự hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc, - những quốc gia rất quan tâm đến việc “đánh sập” các trụ cột đỡ vai trò thống trị toàn cầu của Mỹ.

Cho đến thời gian gần đây, giới lãnh đạo Mỹ vẫn tin tưởng vào ưu thế quân sự tuyệt đối của Mỹ thậm chí cả trước cả Nga và Trung Quốc, tuy nhiên, sau đó mức độ tự tin này đã phần nào bị lung lay bởi Bắc Kinh và Matxcova đã có những thiết kế (mẫu vũ khí) mới nhất, cũng như bời Nga tiến hành chiến dịch quân sự thành công tại Syria.

Chính vì thế, ngay bản thân sự xuất hiện của Học thuyết thống trị đa miền cũng là một biện pháp đáp trả Nga và Trung Quốc khi các nước này tăng cường sức mạnh quân sự của mình.

Các hoạt động tác chiến trong tương lai sẽ diễn ra trên nhiều không gian địa lý khác nhau - từ các sa mạc ở Trung Á đến mạng Internet, từ vũ trụ đến các vùng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ vùng băng Bắc Cực đến không phận Đông Âu.

Trước mặt Bộ Tư lệnh Mỹ là một nhiệm vụ không hề đơn giản- tổ chức các hoạt động phối hợp đồng bộ của tất cả các bộ phận trong bộ máy quân sự của mình - và đấy không chỉ là Lục quân và Lính thủy đánh bộ, Vệ binh quốc gia và Không quân, Hải quân và Bộ đội vũ trụ, mà còn cả các ngành công nghiệp quốc phòng, và những xí nghiệp, trong đó có cả các xí nghiệp tư nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật robot.

Robot, các thiết bị bay không người lái, các phương tiện vận tải ngầm không người lái và các hệ thống chiến đấu được coi là những công cụ có triển vọng nhất để khẳng định ưu thế quân sự của Mỹ. Nhưng cùng với đó, Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để lôi kéo các nước đồng minh tham gia hiện thực hóa các kế hoạch quân sự của mình.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh vũ khí triển vọng Mỹ, Tướng John Murray mới khẳng đinh rằng Quân đội Mỹ đã thích nghi với các nguyên tắc tiến hành các hoạt động tác chiến đang thay đổi. Nhưng nhiệm vụ chính yếu hiện nay- giảm thiểu thời gian xử lý tín hiệu để các máy bay tiêm kích có thể phản ứng ngay lập tức khi có các tín hiệu từ các tàu ngầm, còn tàu tuần dương mang tên lửa – khi có các tín hiệu từ các đơn vị bộ binh.

NATO và chiến tranh đa miền

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất (đối với Mỹ - NATO) là xây dựng được CLLVT quốc gia chất lượng cao, được huấn luyện tốt và trang bị hiện đại của từng nước đồng minh của Mỹ.

CLLVT Anh, Đức, Ba Lan, Hy Lạp, Đan Mạch, Bỉ, Estonia và CLLVT khác cần phải là những trợ thủ đáng tin cậy và, quan trọng nhất, phải là các trợ thủ có khả năng chiến đấu cao của Quân đội Mỹ,- những LLVT này có thể "bịt kín” các hướng có vấn đề, đặc biệt là trong các chiến dịch quân sự trên bộ.

Ví dụ, trên hướng Đông- Bắc, NATO hiện vẫn duy trì các cụm quân chiến thuật đa quốc gia cấp tiểu đoàn tại Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia. Trên hướng Đông-Nam – tại Rumani – đã triển khai bộ khung quân đoàn (quân đoàn khung trong thời bình), ở Ý - một ban tham mưu sư đoàn, ở Đan Mạch, Estonia và Latvia – một ban tham mưu sư đoàn đa quốc gia và v.v.

Một vấn đề khác biệt nữa- thiết lập quan hệ phối hợp hành động chặt chẽ với các đồng minh ở trên biển và trên không. Trong đó, năm 2018, lần đầu tiên trong suốt bảy thập kỷ tồn tại của liên minh,NATO đã chính thức thông qua “Chiến lược Sức mạnh Không quân chung” (The Joint Air Power strategy-JAP).

Mục tiêu chính của chiến lược- đạt được sức mạnh chế áp hoàn toàn đối phương trên không và không gian vũ trụ bằng cách phát triển lực lượng không quân của các quốc gia thành viên Liên minh, tăng tối đa khả năng tương thích và khả năng hoạt động của các lực lượng không quân Liên minh trong các chiến dịch đa miền.

Cũng đã có một chiến lược tương tự như vậy dành riêng cho các lực lượng hải quân Liên minh. Chiến lược Hải quân Liên minh đề ra các nhiệm vụ sau: kiềm chế đối phương tiềm năng, phòng thủ tập thể, đảm bảo an toàn trên biển trước những rủi ro khó lường đang ngày càng tăng như hiện nay.

Một nội dung được đặc biệt nhấn mạnh khi phối hợp hành động với các nước Đồng minh- đó là “phức hợp hóa” các cuộc chiến tranh hiện đại (xin được mở ngoặc một chút- thuật ngữ mới “chiến tranh phức hợp”- xin được tạm hiểu là là loại hình chiến tranh kết hợp nhiều thủ đoạn chiến tranh khác nhau như: chiến tranh truyền thống, phi truyền thống, cường độ thấp, hóa học, sinh học, hạt nhân, thông tin và trong không gian mạng...).

Trong thế giới hiện đại, đã gần như không còn ranh giới giữa các trạng thái cơ bản như ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh, giữa xung đột và ngừng bắn. Phần lớn các cuộc xung đột đều trong trạng thái âm ỉ, và cuộc đối đầu hiện nay giữa Mỹ và các đối thủ của Mỹ hoàn toàn có chể gọi là một cuộc chiến tranh, mặc dù các nước (Mỹ và đối thủ) không ở trong tình trạng đối đầu vũ trang công khai.

Trong những điều kiện như vậy, Washington hối thúc các đồng minh trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương và các quốc gia thân thiện của mình đẩy mạnh sự phối hợp hành động trong những lĩnh vực khác nhau nhất, lấy ví dụ, như cả trong phân khúc an ninh mạng.

Nước Nga đánh giá chiến tranh đa miền như thế nào

Nga đã thừa nhận đã có những thay đổi trong chiến lược tiến hành chiến tranh trong tương lai gần. Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất CLLVT LB Nga– (kiêm) Chủ nhiệm Tổng cục Tác chiến BTTM, Thượng tướng Sergei Rudskoy luôn nhấn mạnh rằng trong thế giới hiện đại, các hoạt động tác chiến sẽ là đa hình thái, và chúng sẽ được tiến hành trên đất liền, trên không, trên vũ trụ và trên không gian mạng. Có nghĩa là, về bản chất, đó chính là chiến tranh đa miền, đúng theo cách định nghĩa trong Học thuyết của Mỹ.

Trong các điều kiện mới, Nga cần phải không chỉ hoàn thiện các công nghệ khác nhau, đưa vào trang bị các mẫu vũ khí mới nhất, nâng cao chất lượng chỉ huy các phân đội. Nhiệm vụ trọng yếu- thiết lập được một hệ thống phòng thủ đủ khả đối phó hiệu quả các hành động xâm lược có thể của kẻ thù tiềm năng.

Và, nếu tính tới thực tế rằng Mỹ sẽ không ra tay một cách đơn độc, mà sẽ huy động rất nhiều đồng minh cùng tham gia, Nga cũng nên cân nhắc về việc xây dựng một hệ thống phòng thủ chung với những đối tác thực thụ. Belarus hoặc Kyrgyzstan- dĩ nhiên, là rất tốt, nhưng chưa đủ.

Sẽ có triển vọng hơn nhiều nếu mở rộng hợp tác quân sự với nước láng giềng Trung Quốc. Ví dụ, xây dựng một hệ thống phòng thủ chống tên lửa chung, tuy hiện vẫn còn quá sớm để nói về chuyện này,- nhưng nếu làm như thế sẽ tạo ra một cơn ác mộng đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, vì nó mở ra nhiều khả năng mới cho việc sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại một cuộc xâm lược có thể có từ phía Mỹ.

Theo Lê Hùng- Nguyễn Hoàng/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo