'Nguyên soái Shaposhnikov' Nga so với tàu Arleigh Burke Mỹ
‘Thiên nga trắng’ Tu-160 của Nga ‘hồi sinh’ với phiên bản mạnh mẽ hơn / Lính đánh thuê Nga xác nhận đã tham chiến chống lại Azerbaijan
Tàu chống ngầm cỡ lớn "Nguyên soái Shaposhnikov" thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân LB Nga (Ảnh: Yuri Smityuk / TASS) |
Tạp chí The National Interest của Mỹ mới hướng sự chú ý của độc giả đến khinh hạm “Nguyên soái Shaposhnikov” Nga với nhận định cho rằng con tàu này đã "được trang bị vũ khí đến tận răng". Lý do dẫn đến sự quan tâm này- “Nguyên soái Shaposhnhikov” vừa mới được hiện đại hóa xong.
Một sery gồm 12 tàu chống ngầm cỡ lớn cấp một thuộc dự án 1155, mã số "Fregat", đã được đưa vào trang bị cho Hải quân Liên Xô trong những năm 80. Những tàu này được chia đôi cho các Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.
Đến thời điểm hiện tại, 8 tàu vẫn đang “đứng trong hàng ngũ”. Đồng thời, đã triển khai dự án hiện đại hóa lần lượt những tàu này để nâng cấp chúng lên lớp khinh hạm.
Chiều dài của tàu -164 m, rộng- 19 m, mớn nước 7,8 m, lượng choán nước 7.620 tấn. Tốc độ tối đa - 30 hải lý / giờ. Cự ly hoạt động – 6.350 dặm. Thời gian hoạt động độc lập trên biển - 30 ngày. Thủy thủ đoàn- 275 người.
Con tàu được thiết kế để đáp ứng tối đa nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm đối phương. Để làm điều đó, đã lắp đặt tổ hợp thủy âm mới nhất khi đó"Polynom". Ban đầu, các công trình sư dự định giới hạn lượng giãn nước của "Fregat" dưới ngưỡng 4.000 tấn.
Tuy nhiên, do phải lắp dưới sống tàu tổ hợp thủy âm “Polynom" nặng nhiều tấn có độ nhạy cao và khả năng quan sát vòng tròn, buộc phải tăng đáng kế trọng lượng của các tàu dự án 1155.
Để sục sạo phát hiện tàu ngầm của đối phương, những tàu này được trang bị 2 máy bay lên thẳng chống ngầm Ka-27PL có thể để trong các khoang chứa dưới mặt boong.
Để tiêu diệt các tàu ngầm, tàu được trang bị máy phóng bom phản lực và một tổ hợp phóng tên lửa chống ngầm.
Thế nhưng để thực hiện nhiệm vụ tự bảo vệ, thì như người ta thường nói, các công trình sư thiết kế tàu đã quá tiết kiệm.
Tàu chỉ được trang bị 2 tổ hợp pháo 100 ly, 2 pháo 45ly. Một pháo phòng không sáu nòng cỡ nòng 30 ly. Một tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn "Kinzhal" (xin đừng nhầm với tên lửa siêu thanh “Kinzhal”-ND).
Năm 1983, sau khi phân tích những kinh nghiệm tích lũy được khi khai thác hai tàu đầu tiên của dự án- "Udalyi" và "Phó đô đốc Kulakov" - Tư lệnh Hải quân Liên Xô khi đó đã đề xuất hiện đại hóa các tàu dự án 1155 theo hướng tăng cường vũ khí phòng không, pháo và trang bị thêm tên lửa chống hạm.
Kết quả là vào năm 1990, xuất hiện chiếc tàu chống ngầm cỡ lớn duy nhất dự án 1155.1 "Đô đốc Chabanenko".
Trên tàu có thêm tổ hợp tên lửa chống hạm siêu âm "Moskit", cỡ nòng pháo chính được tăng lên 130 ly, và thay cho súng máy 6 nòng cỡ 30 ly là tổ hợp tên lửa và pháo phòng không "Kortik".
Do (Nga) chưa nhìn thấy bất kỳ khả năng đóng các tàu khu trục hoạt động trên các đại dương nào trong tương lai gần, nên (Nga) đã quyết định sử dụng tàu chống ngầm cỡ lớn dự án 1155 làm phương tiện mang các loại vũ khí hiện đại, vì thế nên phải hiện đại hóa tàu chống ngầm.
Chi phí hiện đại hóa ước tính vào khoảng 1−2 tỷ rúp (130 đến 260 triệu đôla vào thời điểm hiện tại-ND). Đây là khoản tiền không nhỏ chút nào. Nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn nếu so với việc đóng mới những con tàu hạng nhất hoạt động trên các đại dương.
Và vấn đề ở đây (đóng mới), không chỉ là cần rất nhiều tiền mà quá trình này còn có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Trên thực tế, đấy là những gì mà chúng ta thấy được khi (Nga) đóng các tàu hộ tống.
Tàu chống ngầm cỡ lớn "Nguyên soái Shaposhnikov" được đặt “ki” tại Xí nghiệp đóng tàu Baltic mang tên "Yantar" ở Kaliningrad ngày 25/ 5/1983. Hạ thủy ngày 27/12/1984. Được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương ngày 30/12/1985. Một tốc độ phải nói là kỷ lục.
Bắt đầu tham gia các hoạt động tác chiến năm 1988 tại Vịnh Ba Tư, - tàu này đã hộ tống 41 tàu trong 19 đoàn vận tải trong thời gian 7 tháng. Năm 1990, nó tham gia chiến dịch sơ tán công dân Liên Xô khỏi Ethiopia.
Vào cuối năm 1990, “Nguyên soái Shaposhnikov” thực hiện nhiệm vụ trinh sát và theo dõi các lực lượng đa quốc gia tham gia Chiến dịch “Bão táp sa mạc” trên Vịnh Ba Tư.
Tàu đã 3 lần tham gia tuần tra chống cướp biển trên Ấn Độ Dương. Giải phóng tàu chở dầu "Trường Đại học tổng hợp Matxcova” Nga khỏi tay bọn cướp biển Somalia. Gương cờ Hải quân Nga ở các cảng Châu Á và Châu Phi ....
Năm 2016,”Nguyên soái Shaposhnhiov” được đưa đi sửa chữa và hiện đại hóa tại Nhà máy “Dalzavod” thành phố Vladivostok.
Ngày 10/7/2020, sau khi hoàn thành hiện đại hóa, "Nguyên soái Shaposhnikov" ra khơi thực hiện các thử nghiệm trên Biển Nhật Bản. Dự tính tàu này sẽ “trở lại hàng ngũ” vào cuối năm nay.
Nhưng từ giờ trở đi nó không còn là tàu chống ngầm cỡ lớn nữa, mà đã là một khinh hạm trang bị vũ khí tên lửa có điều khiển. Vâng, hoặc là theo bảng phân loại và thuật ngữ của NATO, thì đây là một tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển.
Hiện nó đã có 8 bệ phóng tên lửa chống hạm “Uran” với 8 quả tên lửa Kh-35 trong các container vận chuyển- phóng.
Để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất, có 16 quả tên lửa “Kalibr” đặt trong các bệ phóng đa năng.
Ngoài ra, những bệ phóng đa năng này còn có thể được sử dụng để phóng tên lửa có cánh (hành trình) siêu âm “Oniks” và cả tên lửa hành trình siêu thanh “Zircon”.
Tổ hợp pháo được thay thế bằng một phiên bản tổ hợp pháo tàng hình nhưng vẫn cùng cỡ nòng 100 ly.
Các phương tiện phòng không cơ bản vẫn như cũ. Tuy nhiên, có thêm một tổ hợp tác chiến điện tử.
Lắp đặt các tổ hợp điện tử hiện đại hơn - radar, thông tin liên lạc, dẫn đường, điều khiển vũ khí.
Vẫn giữ lại 2 máy bay lên thẳng chống ngầm.
Tất cả những gì vừa liệt kê đều tuyệt vời, đều làm tăng khả năng tác chiến đấu của tàu.
Tuy nhiên, nếu đem ra so sánh nó với tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển Mỹ lớp "Arleigh Burke", thì tại sao tạp chí Mỹ nói trên lại nhiệt tình hăng hái khen “Nguyên soái Shaposhnhikov” là "được trang bị vũ khí đến tận răng"- hoàn toàn không thể hiểu được.
Tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển Mỹ lớp “Aleigh Burke” |
Hai con tàu này có lượng giãn nước và kích thước hình học xấp xỉ nhau. Và số lượng thành viên thủy thủ đoàn cũng không khác nhau nhiều lắm- của chúng ta (“Nguyên soái Shaposhnhikov” Nga) là 275 và của họ “(Aleigh Burke” Mỹ) là 337.
Và tốc độ cũng không khác nhau nhiều. Cả cự ly hoạt động cũng vậy. Nhưng điều đầu tiên đập vào mắt chúng ta- sự khác biệt quá lớn về các phương tiện vũ khí phòng không.
Trên "Marshal Shaposhnikov"- có 64 quả tên lửa có điều khiển của tổ hợp tầm ngắn "Dao găm" với cự ly đánh chặn 12 km, độ cao - 6 km. Tốc độ tối đa của mục tiêu bị đánh chặn - khoảng 2 M.
Tàu Mỹ mang theo 24 quả tên lửa RIM-7 cũng không phải là cái gì đó quá xuất sắc, cũng chỉ đánh chặn được các mục tiêu ở khu vực gần.
Thế nhưng người Mỹ còn có 74 quả tên lửa SM-3,- những phiên bản “đàn em” của dòng tên lửa này có độ cao bắn lên tới 500 km và tầm bắn lên đến 700 km. Còn với những phiên bản “đàn anh”- các con số này lần lượt là 1.500 km và 2.500 km.
Các tên lửa và hệ thống dẫn đường động cho phép chúng đánh chặn được cả tên lửa đạn đạo tầm trung.
Nhưng ưu điểm rất lớn của hệ thống phòng không hải quân Mỹ là hệ thống “Aegis” thực hiện chức năng phòng thủ tập thể, có nghĩa là các tàu của một cụm tàu, lấy ví dụ, một cụm tàu tấn công chẳng hạn, sẽ phân phối các mục tiêu với nhau và cùng tấn công những mục tiêu đó.
Số lượng tên lửa cũng không thể đem ra so sánh. Nói cho thật đúng thì số lượng tên lửa chống hạm “Harpoon” trên tàu Mỹ cũng tương đương với số lượng tên lửa chống hạm Kh-35 trên tàu Nga. Chỉ không hiểu một điều tại sao người Mỹ đến bây giờ vẫn giữ lại “Harpoon”, vì chúng đã lạc hậu từ lâu.
Nhưng đây, để chống lại 16 quả "Kalibr", hay "Oniks", hoặc "Zircon" sắp có của chúng ta, trên tàu Mỹ có tới 56 quả "Tomahawk”. Nhiều hơn gần gấp bốn lần.
Và nữa, số lượng tàu chống ngầm cỡ lớn Dự án 1155 dự kiến sẽ được hiện đại hóa để trở thành khinh hạm mang tên lửa có điều khiển và số lượng các tàu khu trục lớp “Arlie Burke”- chúng ta không dám đem ra so sánh.
Chính vì vậy, đành phải cho rằng tờ “The National Interest” Mỹ đã đùa hơi quá khi viết rằng “Nguyên soái Shaposhnhikov" Nga “được trang bị vũ khí tới tận răng".
End of content
Không có tin nào tiếp theo