"Nước cờ" nào đã giúp Tổng thống Putin đẩy phe đối lập vào thế không còn lựa chọn?
Nga chuyển giao quyền lực chuẩn bị cho thời kỳ hậu Putin? / Cựu Thủ tướng Nga Medvedev: Giải tán chính phủ là chuyện bình thường
Thay vì công khai tuyên bố kế hoạch kéo dài thời gian nắm giữ quyền lực như từng làm năm 2011, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã đề xuất các sửa đổi hiến pháp cho phép Quốc hội Nga có thêm nhiều thẩm quyền hơn. Tuy nhiên, động thái trên không được công bố theo cách "mọi sự đã rồi" mà ngược lại, ông Putin yêu cầu người dân Nga bỏ phiếu để quyết định.
Người đứng đầu nước Nga cũng gây bất ngờ khi tuyên bố cải tổ toàn diện chính phủ, thể hiện rõ nhất ở việc lựa chọn một nhân vật không được nhiều người biết tới vào vị trí thủ tướng – thay thế cho ông Dmitry Medvedev mới từ chức. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là các bước nằm trong chiến lược củng cố ảnh hưởng cho ông Putin sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024. Đáng lưu ý, đề xuất thay đổi hiến pháp – giúp ông có thể kiểm soát nước Nga trong vai trò thủ tướng hoặc người đứng đầu Hội đồng Quốc gia, dường như không vấp phải nhiều sự phản đối từ dư luận.
Tất nhiên vẫn có những hành động phản đối "rải rác". Trang AP đưa tin, hôm thứ bảy (18/1), một chính trị gia phe đối lập đã kêu gọi mọi người tụ tập trước Văn phòng Tổng thống, trong khi người khác dự định tổ chức một cuộc tuần hành chống lại "cải tổ hiến pháp" vào ngày 19/1.
Tình huống khác biệt khá rõ ràng so với những năm 2011-12, khi những nỗ lực đưa ông Putin lên nắm cương vị tổng thống ban đầu từng đối mặt với nhiều cuộc biểu tình ở Moscow.
Trong bài phát biểu liên bang hôm thứ tư (15/1), ông Putin miêu tả đề xuất sửa đổi hiến pháp là một cách để cải thiện dân chủ. Việc Quốc hội có thể chỉ định thủ tướng và các thành viên nội các cũng đồng nghĩa, quyền lực của tổng thống sẽ bị giới hạn.
Theo ông Putin, hiến pháp nên bao gồm một vai trò lớn hơn cho Hội đồng Quốc gia; từ đó có thể thấy, ông nhiều khả năng sẽ là người đứng đầu cơ quan này trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Nga cũng tìm cách "nâng tầm" luật pháp Nga, có nghĩa là, Tòa án Nhân quyền châu Âu sẽ không còn thẩm quyền đưa ra các phán quyết mà Moscow phản đối.
Tất cả những điều trên sẽ "củng cố vai trò của xã hội dân sự, các đảng phái chính trị và khu vực trong việc tạo ra các quyết định chủ chốt về sự phát triển của đất nước Nga", ông Putin nhấn mạnh hôm thứ năm (16/1).
Tân Thủ tướng Mikhail Mishustin được ca ngợi là một "nhà quản lý hiệu quả" với chuyên môn về tài chính, đồng thời được kỳ vọng sẽ lèo lái nền kinh tế Nga ra khỏi tình trạng khó khăn do phải chịu các lệnh trừng phạt và cô lập từ phương Tây.
AP nhận định, nhiều người Nga đang nhìn nhận tình hình như là một sự thay đổi tích cực thay vì một âm mưu chính trị tinh xảo. Một cuộc thăm dò ý kiến do tổ chức VTsIOM tiến hành và được công bố ngày 19/1 chỉ ra, 45% người trả lời coi các động thái của ông Putin đại diện cho sự khát vọng thay đổi cơ cấu quyền lực hiện tại.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đối lập như ông Alexei Navalny cho rằng, đó không phải là những thay đổi mà người dân mong đợi. Ông Navalny viết trên Twitter, Tổng thống Putin đang muốn trở thành "một nhà lãnh đạo trọn đời" và điều hành nước Nga như một "tài sản" chung giữa ông và những người ủng hộ.
Còn đồng minh của Navalny, bà Lyubov Sobol tuyên bố, những thay đổi được công bố không hề liên quan tới những gì người dân thực sự muốn.
"Người dân muốn chấm dứt tham nhũng, yêu cầu cải thiện điều kiện sống. Họ muốn cải cách hệ thống y tế, lo lắng về cải cách hưu trí. Và tất cả những yêu cầu đó, chẳng được đáp ứng", bà Sobol cáo buộc.
Tương tự, một chính trị gia đối lập khác Vladimir Milov nói, người dân Nga sẵn sàng chịu đựng điều kiện sống tồi tệ hơn nếu họ nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. "Đây là cuộc xung đột chính giữa Putin và xã hội", ông Milov giải thích. "Xã hội không thể đợi kinh tế tăng trưởng để bắt đầu lại, và ông Putin không quan tâm mà còn mải bận rộn với những điều khác".
Mặc dù vậy, cải tổ hiến pháp gần như chắc chắn sẽ không châm ngòi cho những làn sóng phản đối đáng kể. Ông Denis Volkov, một nhà xã hội học từ trung tâm thăm dò Levada nhận định, sự thay đổi chính phủ khá mờ nhạt và sẽ không đủ để làm công chúng tức giận.
"Những gì đang xảy ra không rõ ràng. Đó có phải là về tổng thống? Về các cơ quan chính phủ khác? Hiện không rõ người dân nên thể hiện sự không hài lòng về cái gì", ông Volkov chỉ ra. "Rất khó để phản đối về một điều không rõ ràng".
Hơn thế, hồi năm 2011-2012, tỷ lệ ủng hộ ông Putin thấp hơn bây giờ rất nhiều – hơn một nửa đất nước không ủng hộ cho ông. "Giờ đây còn chẳng có nhu cầu thay đổi nhà lãnh đạo đất nước".
Câu hỏi đang được đặt ra là, liệu phe đối lập có thể kích động người dân biểu tình phản đối hay không. Năm ngoái, Điện Kremlin đã gia tăng sức ép lên các nhà hoạt động và chính trị gia đối lập về cả mặt tài chính và pháp luật. Bà Sobol tiết lộ, bà đang nợ chính phủ hơn 400.000 USD tiền phạt. "Có khả năng cao là áp lực chính trị lên chúng tôi sẽ tiếp tục trong năm nay", bà than phiền.
Tuy nhiên, phe đối lập vẫn tỏ ra rất quyết tâm và có nhiều động thái đa dạng. Hôm thứ năm, trong một bài viết trên Internet, ông Navalny cáo buộc, trong 9 năm qua, vợ của tân thủ tướng Mishustin đã kiếm được hơn 12 triệu USD mặc dù không hề sở hữu hay điều hành bất kỳ một doanh nghiệp nào. Ông yêu cầu câu trả lời từ Thủ tướng Mishustin và ám chỉ có thể xuất hiện tình trạng tham nhũng.
Ông Dmitry Gudkov, một cựu nghị sỹ giờ đang ở phe đối lập dự đoán sẽ có bầu cử quốc hội sớm bởi vì Điện Kremlin muốn tổ chức bỏ phiếu vào năm nay chứ không phải năm sau.
"Họ đang vội vàng và muốn thông qua các đề xuất sửa đổi hiến pháp với quốc hội hiện tại mà họ đang hoàn toàn kiểm soát", ông Gudkov nói. "Hiển nhiên điều đó đang thay đổi chiến lược của chúng tôi".
End of content
Không có tin nào tiếp theo