“Siêu tên lửa” đầy tham vọng mới của Mỹ
Vợ bất ngờ đưa một bé gái về nhà đòi nhận làm con nuôi, sự thật động trời chỉ vỡ lỡ khi tôi đưa con đi xét nghiệm ADN / Mỹ sử dụng tên lửa không tiếng nổ tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố ở Tây Bắc Syria
Đầu tháng 9 này, không quân Mỹ và Tập đoàn Northrop Grumman đã ký hợp đồng trị giá hơn 13 tỷ USD để phát triển tên lửa GBSD nhằm thay thế cho tên lửa Minuteman III, vốn là một phần trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ, đang trở nên già cỗi sau 5 thập kỷ phục vụ. Hiện nay, Minuteman III cũng là loại ICBM trên mặt đất duy nhất của Mỹ với số lượng 450 quả. Một dòng ICBM khác của xứ cờ hoa là Peacekeeper đặt trên tàu hỏa dù được triển khai từ năm 1986 nhưng đã bị loại biên hoàn toàn vào năm 2005.
Lực lượng răn đe chiến lược của Mỹ được xây dựng trên ba nền tảng, gồm máy bay chiến đấu mang vũ khí hạt nhân, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và các bệ phóng ICBM trên mặt đất. Trong số này, ICBM được cất giấu trong các hầm phóng ngầm bằng bê tông kiên cố, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất và độ chính xác cao, đủ sức đáp trả ngay lập tức trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân toàn diện. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chia sẻ: “Mệnh lệnh đầu tiên của tôi với tư cách người đứng đầu Nhà Trắng là nâng cấp và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ”. Dù vậy, quân đội Mỹ đang phải đối mặt với sự xuống cấp nhanh chóng của bộ ba hạt nhân chiến lược, trong đó nghiêm trọng nhất là các ICBM.
Ảnh đồ họa của tên lửa GBSD. Ảnh: Northrop Grumman |
Theo trang Defense News, không quân Mỹ vẫn muốn duy trì tên lửa Minuteman III tới những năm đầu 2030. Tuy nhiên, tình trạng “lão hóa” của chúng khiến lực lượng này buộc phải tìm đến chương trình GBSD sớm hơn. Vào tháng 7/2019, Northrop Grumman đã trở thành nhà thầu duy nhất sau khi Tập đoàn Boeing tự rút lui vì không theo kịp được khung thời gian của chương trình GBSD. Dựa vào kế hoạch của nhà thầu, quá trình phát triển dòng ICBM mới dự tính kéo dài trong khoảng 8 năm. Tên lửa GBSD đầu tiên sẽ được triển khai từ năm 2029. Nếu tính cả chi phí mua sắm tên lửa, Không quân Mỹ phải chi tới 85 tỷ USD cho dự án này. Nhằm tránh “lỗ hổng” trong giai đoạn chuyển giao, không quân Mỹ tiếp tục tiến hành nâng cấp Minuteman III để bảo đảm chúng luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu tốt nhất.
Báo cáo ban đầu của không quân Mỹ cho biết, chương trình GBSD sẽ cải tổ toàn bộ hệ thống ICBM hiện nay, bổ sung tên lửa mới, trung tâm kiểm soát phóng hiện đại cùng cơ sở hậu cần hỗ trợ. Nhiều khả năng đầu đạn của GBSD sẽ được tận dụng từ Minuteman III, trong khi hệ thống hầm phóng cũng được tái sử dụng. Không quân Mỹ khẳng định, GBSD sẽ có tính chính xác, khả năng bảo mật, độ tin cậy cao hơn thế hệ trước. Khi được biên chế, “siêu tên lửa” này sẽ phục vụ trong quân đội Mỹ ít nhất là cho tới năm 2080 và trở thành đối trọng với các dòng ICBM Sarmat của Nga hay DF-41 của Trung Quốc. Chuẩn tướng Anthony Genatempo, Giám đốc Chương trình phát triển vũ khí chiến lược của không quân Mỹ đồng thời tiết lộ tên lửa GBSD được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại để tương thích với các vũ khí bội siêu thanh tương lai.
Thông số kỹ chiến thuật của ICBM tương lai này vẫn đang được bảo mật. Trong một bài viết trên Tạp chí National Interest, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định, tên lửa GBSD có thể sở hữu một số tính năng giống Minuteman III, nhất là tốc độ bay Mach 23 (gấp 23 lần vận tốc âm thanh) và tầm bắn 13.000km hoặc cao hơn. Điều này bảo đảm cho Washington có thể tấn công bất kỳ quốc gia đối địch nào ở bắc bán cầu, trong khi phía nam bán cầu nước này không có đối thủ. Bên cạnh đó, Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) mà Mỹ ký với Nga năm 2010 có hiệu lực đến tháng 2/2021 khiến tên lửa GBSD không cần có kích cỡ lớn hơn. Từ khi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sụp đổ hồi tháng 8/2019, New START là công cụ duy nhất giúp kiểm soát vũ khí và tên lửa hạt nhân giữa Washington và Moscow. Hiện hai bên đang tiến hành đàm phán gia hạn cơ chế này.
Bên cạnh đó, giới phân tích quân sự chưa thể xác định liệu không quân Mỹ có lựa chọn tên lửa GBSD phiên bản di động như của quân đội Nga và Trung Quốc, hay vẫn chỉ sử dụng hầm phóng cố định như Minuteman III. Tiến sĩ James Hasik tại Trung tâm an ninh quốc tế Brent Scowcroft (Mỹ) nhận định, để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng tên lửa hạt nhân, Mỹ cần cơ động hóa thế hệ ICBM tiếp theo. Các tên lửa di chuyển liên tục làm giảm nguy bị tấn công, bảo đảm yếu tố bí mật. Việc đặt ICBM lên xe phóng hoặc trên đường sắt chắc chắn không phải là vấn đề quá khó khăn đối với Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo