Quốc tế

“Tai mắt” của Nga dưới lòng Bắc Băng Dương

Tầm quan trọng về địa chính trị và tài nguyên của Bắc Băng Dương khiến các nước vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực này, trong đó Nga là nước đang có những bước tiến mạnh mẽ hơn cả. Vài năm trở lại đây Nga đang thực hiện một dự án quy mô lớn nhằm biến làn nước lạnh giá thành “sân sau” của mình.

Số phận hai tàu sân bay bị Nga bán sắt vụn / Mặt mộc khó nhận ra của tỷ phú Kylie Jenner

Mạng lưới giám sát đại dương có một không hai

Năm 2016, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tiến hành triển khai hệ thống giám sát đại dương “Harmony” tại Bắc Băng Dương. Một hệ thống giám sát như vậy không phải là mới. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều triển khai các mạng lưới giám sát để “tóm” tàu ngầm của nhau. Tuy nhiên, so với các mạng lưới trước đó, “Harmony” có các tính năng vượt trội hơn nhiều lần. Hệ thống được cho là có thể phát hiện mọi loại tàu nổi, tàu ngầm và cả máy bay bay thấp lọt vào vùng cảnh giới.

Công nghệ này tương tự với hệ thống “hàng rào điện tử” MGK-608 “Sever”, có quy mô nhỏ hơn, được Hải quân Nga vận hành hơn 20 năm qua tại biển Barents. Hệ thống bao gồm 60 sonar bị động, nghe âm thanh do tàu thuyền phát ra, từ đó xác định chính xác vị trí và hướng di chuyển. Mạng lưới cảm biến này nằm dưới đáy biển ở độ sâu tối đa 1000m, hoạt động hoàn toàn thụ động, do đó tàu đối phương rất khó nhận biết là mình bị theo dõi. Khi phát hiện tàu lạ, các cảm biến sẽ gửi tín hiệu về trạm chỉ huy thông qua cáp quang.

Sonar thụ động (bên trái) và máy tính chỉ huy (bên phải) của hệ thống MGK-608 (Ảnh: Rosoboronexport)

Minh họa nguyên lý hoạt động của hệ thống MGK-608 (Ảnh: Atoll Scientific Research Institute)

Các nguồn tin khẳng định rằng nguyên lý hoạt động của “Harmony” tương tự với “Sever” nhưng có quy mô lớn hơn nhiều. “Sever” cũng sẽ được tích hợp vào “Harmony”, trở thành một mạng lưới giám sát đại dương thống nhất.

Giải pháp cho vấn đề lớn nhất-nguồn điện

Hệ thống giám sát “Sever” phụ thuộc vào nguồn điện trên bờ để hoạt động, do đó chỉ có thể triển khai cách bờ tối đa 200km, phù hợp cảnh giới ven biển hoặc các vùng biển hẹp. Điều này cũng khiến hệ thống dễ bị tổn thương, do nguồn điện có thể bị đánh phá.

Để hoạt động xa bờ hơn dưới đại dương, cần có một nguồn điện độc lập cho hệ thống. Vì điều này, công ty NKIET thuộc tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom) đã cho ra đời lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ “Shelf”.

Mô phỏng cấu tạo lò phản ứng hạt nhân “Shelf” (Ảnh: hisutton.com)

Lò phản ứng của “Shelf” nằm trong vỏ chịu áp lực nặng hơn 300 tấn. Thiết bị có thể dùng để cung cấp năng lượng cho các cảm biến dưới đáy biển, cũng như cho các trạm trung chuyển tín hiệu trên bờ trong điều kiện khắc nghiệt, hẻo lánh của vùng cực. “Shelf” có độ bền cao, có thời gian hoạt động liên tục trước khi phải thay nhiên liệu lên tới 1400 ngày.

 

Mỗi lò phản ứng hạt nhân sẽ cấp điện cho một cụm sonar thụ động của mạng lưới “Harmony”. Ưu điểm này giúp Hải quân Nga có thể giám sát các vùng biển cách bờ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kilomet. Tín hiệu tàu của đối phương sẽ được gửi về sở chỉ huy thông qua vệ tinh. Hầu như toàn bộ vùng thềm lục địa, hoặc các rặng núi ngầm ở độ sâu tối đa 1000m dưới Bắc Băng Dương đều có thể là nơi đặt cảm biến. Phạm vi giám sát của “Harmony” rộng gấp hàng chục lần so với các hệ thống trước kia.

Minh họa lò phản ứng “Shelf” cấp năng lượng cho các thiết bị dưới đáy biển (Ảnh: army-news.ru)

Đơn vị hải quân đặc biệt

Một trong những mảng được chú trọng hàng đầu trong chương trình hiện đại hóa hải quân Nga nhiều năm trở lại đây là lực lượng tàu ngầm. Trong đó, một số tàu ngầm hạt nhân đã được hoán cải, bổ sung nhiều tính năng chuyên dụng. Một số khác là những tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ, có thiết kế đặc biệt. Các tàu này thuộc biên chế của Tổng cục Nghiên cứu nước sâu (GUGI), một đơn vị tàu ngầm tách biệt với hải quân, nhận lệnh trực tiếp từ bộ Quốc phòng Nga.

GUGI hiện đang vận hành 7 tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ, cùng một số lượng không xác định thiết bị lặn không người lái (AUV), được thiết kế để lặn sâu. Các tàu này được trang bị các công cụ để lắp đặt nhiều loại thiết bị dưới đáy biển. Trong biên chế của GUGI còn có 2 tàu ngầm hạt nhân đặc chủng dùng để chuyên chở tàu lặn sâu là BS-64 “Podmoskovye” và BS-136 “Orenburg”, có gốc là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa.

Hiện Nga là nước có số lượng tàu ngầm đặc chủng và tàu lặn sâu đông đảo nhất thế giới. Phương Tây từ lâu đã tỏ ra lo ngại về GUGI, cho rằng đơn vị này ngoài chức năng nghiên cứu dân sự, còn có vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự, đặc biệt là do thám. Tàu ngầm là phương tiện lý tưởng nhất để triển khai mạng lưới giám sát, có thể hoạt động ở vùng nước sâu, bên dưới băng dày. Quan trọng hơn cả, tính bí mật của tàu ngầm cho phép nó triển khai thiết bị ở sát các nước khác, đặc biệt là các quốc gia tiếp giáp Bắc Băng Dương như Mỹ, Canada.

 

Ngày 9-11-2015, truyền thông Nga làm lộ hình ảnh ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân “Poseidon”, loại vũ khí sau này được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố là một trong 5 vũ khí chiến lược mới của Nga. Nhưng quan trọng không kém trong bức ảnh bị lộ là hình ảnh 2 tàu ngầm hạt nhân K-329 “Belgorod” và đề án 09851 “Khabarovsk”.

Hình ảnh tàu ngầm K-329 “Belgorod” (bên trái) và đề án 09851 “Khabarovsk” (bên phải) phía trên ngư lôi “Poseidon” (Ảnh: Pervyy Kanal)

Ngoài tính năng làm “tàu ngầm mẹ”, K-329 còn có thể mang trên lưng lò phản ứng hạt nhân “Shelf”. Điều này cho thấy K-329 là phương tiện được thiết kế chuyên biệt để triển khai mạng lưới “Harmony” xa bờ.

Quan trong hơn, các khoang chở tàu lặn sâu của K-329 cũng có thể dùng để chở ngư lôi “Poseidon”, vốn có chiều dài lên tới 24m. Tháng 2-2019, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang ngư lôi “Poseidon” sẽ được hạ thủy vào mùa xuân. Không lâu sau, vào ngày 23-4, tàu ngầm K-329 làm lễ hạ thủy và bắt đầu chạy thử. Dự kiến tàu sẽ được bàn giao cho Hải quân Nga trong năm 2020. Trong khi đó, tàu ngầm đề án 09851 được thiết kế chuyên biệt để phóng Poseidon. Tàu được đặt ki vào năm 2014 và dự kiến hạ thủy sớm nhất vào năm 2020.

Lễ hạ thủy tàu ngầm K-329 “Belgorod”, ngày 23/4/2019 (Ảnh: Picture Alliance)

Qua những động thái trên, Nga đang có những bước tiến dài trong việc chiếm “thế thượng phong” dưới Bắc Băng Dương. Với “Harmony”, Nga có thể theo dõi đường đi nước bước của tàu ngầm đối thủ, không chỉ giúp đánh chặn hiệu quả hơn, mà còn giúp tàu ngầm của mình lẩn trốn dễ dàng hơn. Việc hạ thủy tàu ngầm K-329 cũng cho thấy các “tai mắt” xa bờ của mạng lưới sẽ sớm đi vào hoạt động. Từ đó, Moscow sẽ duy trì được, thậm chí chiếm ưu thế chiến lược về hạt nhân dù có ít tàu ngầm hơn so với NATO.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm