"Vũ khí" dưới lòng đất của Hamas: Israel muốn triệt phá gần 10 năm nay vẫn chưa thành công
Hệ thống đường hầm, vốn đã được sử dụng như một công cụ chiến tranh từ thời trung cổ, hiện mang lại cho lực lượng Hamas một số lợi thế, theo CNN.
Nga thử thành công máy bay không người lái phá bom từ xa / 150.000 tên lửa và rocket có thể đã vào vị trí: Nhân vật bí ẩn nhất Hezbollah đang khiến Israel 'nín thở'
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
"Vũ khí" của lực lượng Hamas
Rất nhiều đường hầm ở Dải Gaza được biết đến nhiều nhất là những lối đi được sử dụng để vận chuyển hàng hóa từ Ai Cập và tiến hành các cuộc tấn công vào Israel.
Nhưng còn tồn tại một mạng lưới ngầm thứ hai mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thường gọi là “Gaza metro” - một hệ thống mê cung rộng lớn gồm nhiều đường hầm, có thể nói là nằm cách lòng đất vài km.
Hệ thống này được sử dụng để vận chuyển nhân lực và hàng hóa; để cất giữ tên lửa và đạn dược; và đặt các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hamas, tất cả đều tránh xa sự giám sát của máy bay và máy bay không người lái của IDF.
Hamas năm 2021 tuyên bố đã xây dựng đường hầm dài 500 km dưới Dải Gaza. Nếu đúng, các đường hầm dưới lòng đất của Hamas dài chỉ kém một nửa hệ thống tàu điện ngầm của Thành phố New York một chút.
Daphne Richemond-Barak, giáo sư tại Đại học Reichman của Israel, cho biết: “Đó là một mạng lưới đường hầm rất phức tạp, rất lớn trên một phần lãnh thổ khá nhỏ”.
Các chuyên gia cho biết những người thợ, với các công cụ cơ bản, có thể đã đào sâu dưới lòng đất một mạng lưới được gia cố bằng bê tông, có đường điện, hệ thống ống nước và các kho lương thực, giúp họ tồn tại thời gian dài khi bị bao vây.
Israel từ lâu đã cáo buộc lực lượng Hamas chuyển bê tông dùng cho mục đích dân sự và nhân đạo sang việc xây dựng đường hầm.
Hamas đang ở trong cuộc xung đột bất đối xứng khi Israel sở hữu nhiều thế mạnh công nghệ của một quân đội tiên tiến. Nhưng hệ thống đường hầm, vốn đã được sử dụng như một công cụ chiến tranh từ thời trung cổ, hiện mang lại cho lực lượng Hamas một số lợi thế, theo CNN.
Phát ngôn viên Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Jonathan Conricus thừa nhận việc tiêu diệt Hamas không dễ chút nào do Hamas hòa mình vào bên trong và bên dưới dải Gaza.
IDF cho hay, các đường hầm này được Hamas sử dụng để giấu và lưu trữ các loại vũ khí đạn dược, là nơi đặt trung tâm chỉ huy, đồng thời cho phép chiến binh Hamas di chuyển, vận chuyển nhân lực và vũ khí.
Mục tiêu trong chiến dịch tấn công trên bộ của Israel
Điều khiến đường hầm của Hamas khác với đường hầm của al Qaeda ở vùng núi Afghanistan là lực lượng này đã xây dựng một mạng lưới ngầm bên dưới một trong những khu vực đông dân nhất hành tinh.
Việc xử lý các đường hầm luôn khó khăn với mọi địa hình, nhưng ở khu vực thành thị thì mọi thứ phức tạp hơn - các khía cạnh chiến thuật, chiến lược, vận hành và đảm bảo an toàn cho dân thường, Richemond-Barak, thành viên cấp cao tại Viện Luật và Chiến tranh trên bộ Lieber và Viện Chiến tranh Hiện đại ở West Point, cho biết.
Kể từ vụ tấn công ngày 7/10 ở Israel khiến ít nhất 1.400 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng, IDF đã nhiều lần cáo buộc lực lượng Hamas đang ẩn náu bên trong những lối đi này. Bên cạnh đó, theo thông tin cập nhật mới nhất, các cuộc không kích của quân đội Israel đã khiến hơn 4.000 người Palestine thiệt mạng.
Israel dự kiến sẽ triệt phá mạng lưới này trong cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.
Năm 2014, Israel đã phát động một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza để cố gắng loại bỏ các đường hầm này.
Tuần trước, Israel đã cảnh báo khoảng 1,1 triệu người sống ở Gaza di chuyển về phía nam trước khi chiến dịch diễn ra. Tuy nhiên, quan chức nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc cho biết lời kêu gọi sơ tán “bất chấp các quy tắc chiến tranh và tính nhân văn cơ bản”.
Richemond-Barak cho biết, việc di chuyển dân thường ra khỏi Gaza sẽ giúp việc loại bỏ các đường hầm trở nên an toàn hơn, nhưng những hoạt động như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Theo Richemond-Barak, ném bom các lối đi ngầm thường là cách hiệu quả nhất, nhưng những cuộc tấn công như vậy có thể ảnh hưởng đến dân thường.
Một vấn đề lớn của IDF là quy mô khổng lồ của mạng lưới đường hầm và hiện không có phương thức tổng thể nào để giải quyết trọn vẹn mối nguy này. Bên dưới đường hầm, lực lượng Hamas có thể tung các đòn tấn công bất ngờ.
Rõ ràng là chỉ riêng công nghệ sẽ không đủ để ngăn chặn mối đe dọa dưới lòng đất.
Israel đã chi hàng tỷ USD cố gắng bảo vệ biên giới bằng một hệ thống thông minh có cảm biến tiên tiến và các bức tường ngầm, nhưng Hamas vẫn có thể tiến hành cuộc tấn công vào ngày 7/10 bằng đường bộ, đường không và đường biển.
Richemond-Barak cho rằng không có giải pháp rõ ràng nào để đối phó với mối đe dọa từ đường hầm. “Không có Iron Dome - Vòm sắt cho đường hầm", ông nói.