3 con tàu mệnh danh "quái vật biển" từng được kỳ vọng sẽ giúp Nga làm "bá chủ" đại dương
Mang chuông đi đánh xứ người: Tàu chiến Nhật lênh đênh ở tận… Nam Mỹ / Mỹ mang F-15 gắn bom chùm tới Trung Đông, tàu chiến Iran coi chừng
Những “con quái vật” của hải quân Nga được kỳ vọng sẽ trở thành thứ vũ khí mạnh mẽ nhất trên đấu trường biển. Tuy nhiên, chúng vẫn mãi là những bản thiết kế trên giấy mà chưa bao giờ được đưa vào giai đoạn sản xuất vì nhiều lý do.
Tuần dương hạm Liên Xô
Vào những năm 1930, giới lãnh đạo Liên Xô muốn tạo ra một hạm đội hải dương hùng mạnh để cân bằng lực lượng với các cường quốc hàng đầu thế giới thời đó. Trọng tâm chính của kế hoạch là tạo ra mẫu tuần dương hạm mang tên gọi dự án 23 - “Liên Xô”.
Nếu được sản xuất, tuần dương hạm này sẽ trở thành tàu chiến lớn nhất và mạnh nhất trong thập niên 30, với lượng giãn nước 65.000 tấn, chiều dài 270m và chiều rộng 38m.
Động cơ của tàu là 200.000 mã lực và có thể được coi là “quái vật hải quân” đích thực khi di chuyển với tốc độ lên đến 29 hải lý (khoảng 48km/h), mang theo khoảng 1.300 thủy thủ và sĩ quan trên tàu.
Vũ khí chính của tuần dương hạm này là ba khẩu pháo 406mm bắn ra những viên đạn nặng 1.105kg, với cự ly tối đa khoảng 46km.
Đồng thời, các tàu chiến này được thiết kế lớp giáp dày ở những nơi đặc biệt và có thể chịu được một vụ nổ tương đương 750 kg thuốc nổ TNT.
Tuy nhiên, Thế chiến II đã thay đổi kế hoạch của giới lãnh đạo Liên Xô về việc xây dựng những con “quái vật biển” này, vì quân đội cần những vũ khí quan trọng khác trên chiến trường.
Đã không có con tàu nào được hoàn thiện đầy đủ và thân các con tàu dở dang được tháo rời và sử dụng để xây dựng hệ thống phòng thủ Leningrad.
Một khi chiến tranh đi vào kết thúc, nền kinh tế Liên Xô không có tiền để chi trả cho một dự án đầy tham vọng như vậy. Trong nhiều năm, các dự án này đã trở nên lỗi thời và đất nước quyết định tập trung vào các dự án khác trong kỷ nguyên mới, như tàu sân bay.
Tàu ngầm đổ bộ
Các tàu ngầm hạt nhân của dự án 717 được coi là những “quái vật” đổ bộ đầu tiên của Liên Xô, giúp triển khai thủy quân lục chiến, các phương tiện bọc thép hạng nặng và hạng nhẹ, đến bờ biển của kẻ thù mà không bị phát hiện.
Dự án được khởi động vào năm 1971. Mỗi chiếc tàu ngầm được thiết kế để đưa 20 xe tăng và xe bọc thép hạng nhẹ lên tàu. Thêm vào đó, các tàu ngầm này cũng được trang bị vũ khí với sáu ống phóng ngư lôi và hai khẩu pháo 30 mm.
Tuy nhiên, những chiếc tàu ngầm này chưa bao giờ được tạo ra, vì vào giữa những năm 70, Moscow phải bắt đầu khẩn trương chế tạo tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ - đối thủ chính trong Chiến tranh Lạnh.
“Đó là lý do tại sao Chính phủ từ bỏ dự án tàu ngầm đổ bộ này và bắt đầu làm việc với các loại tàu ngầm mới”, giáo sư Vadim Kozulin của Viện Khoa học Quân sự Nga nói với RBTH.
Tàu sân bay lớn nhất của Liên Xô
Mẫu hàng không mẫu hạm của dự án 1143.7 có ý định cạnh tranh với các hàng không mẫu hạm lớn nhất của Mỹ, với khả năng mang theo 70 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay trực thăng trên boong.
Nói cách khác, con tàu này không khác gì một căn cứ không quân nổi trên mặt biển.
Mỗi tàu có lượng giãn nước 80.000 tấn (so với USS Nimitz của Mỹ có lượng giãn nước là 90.000 tấn). Tàu sân bay của Nga có chiều dài gần 325m và chiều rộng gần 70m.
Các con tàu này có thể hoạt động bốn tháng trên biển mà không cần phải trở về cảng. Ngoài ra, nó còn có thể mang theo những mẫu máy bay mới nhất thời kỳ đó, như Su-33, máy bay trực thăng Ka-27 và máy bay do thám Yak-44.
Không những vậy, các nhà phát triển còn lên kế hoạch lắp đặt tên lửa đối hạm Granit để bảo vệ căn cứ không quân nổi khỏi mối đe dọa từ kẻ thù.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và Moscow có những vấn đề khác cần tập trung trong kỷ nguyên mới, các dự án tàu sân bay đã bị lãng quên và các thân tàu được hoàn thiện trước đó đã được tháo rời vào năm 1992.
End of content
Không có tin nào tiếp theo