Quốc tế

Thấy gì qua việc tàu chiến Mỹ dễ dàng bắn hạ máy bay Iran?

Việc bắn hạ máy bay không người lái Shahed 129 của Iran được coi là vụ tấn công đầu tiên sử dụng thế hệ chiến tranh điện tử mới.

“Sát thủ phòng không” Palma trên tàu chiến Việt Nam đắt khách / Đọc mỏi mồm số lượng tàu chiến “khủng” của Hải quân Liên Xô

LMADIS - “Mắt thần” khắc tinh máy bay không người lái
Hệ thống Phòng không Tích hợp Hàng hải Hạng nhẹ (Light Marine Air Defense Integrated System - LMADIS) là một trong những loại vũ khí phi sát thương được phát triển và trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 2015 để phục vụ chiến tranh điện tử - đối phó với máy bay không người lái (UAV) các loại.
LMADIS trong một buổi thử nghiệm dã ngoại. Ảnh: strategicfront.org.

LMADIS trong một buổi thử nghiệm dã ngoại. Ảnh: strategicfront.org.

LMADIS gồm 2 phần: hệ thống radar cảnh giới mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RPS-42 và tháp cảm biến CM202A với camera video quang - điện và hồng ngoại giúp nhận diện mục tiêu. Radar của LMADIS có thể phát hiện từ các UAV thương mại cỡ nhỏ cho tới máy bay ném bom, máy bay chở khách ở độ cao từ 9-9.000m. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn để gắn trên phương tiện có khả năng việt dã cao, như mẫu xe MRZR của Polaris Defense.
Chúng là các thiết bị hình tròn giống ăng ten thu phát sóng di động, được sắp xếp bao phủ 360 độ, trên đầu là một máy quay video để phát hiện máy bay không người lái trong tầm hoạt động và phân biệt giữa các hệ thống thân thiện và thù địch, vốn được thiết kế cho các hoạt động trên mặt đất, mới được đưa vào thử nghiệm trên các tàu hải quân gần đây.
Hệ thống camera có khả năng truy dò mục tiêu di chuyển tốc độ rất nhanh, có thể được dùng để xác nhận tín hiệu radar. Một khi phát hiện máy bay không người lái đối phương, hệ thống đối kháng điện tử Modi sẽ phát xung điện từ cường độ mạnh đến mục tiêu, “chặt đứt” tín hiệu vô tuyến giữa UAV và tháp điều khiển, khiến UAV mất lái và đâm xuống đất, hoặc ít nhất là không thể truyền hình ảnh về căn cứ do đường truyền bị nhiễu nặng. Trong trường hợp chặn tín hiệu bất thành, số liệu radar của LMADIS sẽ được dùng để triển khai tên lửa thường tấn công mục tiêu.
Theo thông số kỹ thuật, LMADIS có khả năng áp chế được các loại máy bay không người lái ở khoảng cách tối đa cỡ 900 m. Hiệu quả áp chế điện tử tuỳ thuộc vào loại máy bay không người lái và công nghệ mà chiếc máy bay đó sử dụng. Điểm yếu hiện tại của LMADIS là phạm vi hoạt động dưới 1.000 m; với các loại máy bay không người lái cỡ lớn, hoạt động ở độ cao trên 1.000 m, tổ hợp này hầu như bất lực.
Một thế hệ chiến tranh điện tử mới
LMADIS là một trong những hệ thống chế áp hiện đại nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ, được trang bị cho các đơn vị viễn chinh triển khai khắp thế giới. Hồi đầu năm 2019, đơn vị Thám hiểm biển số 22 đóng ở Bắc Carolina đã dùng hệ thống này trên tàu tấn công đổ bộ Kearsarge trong chuyến đi qua kênh đào Suez và đơn vị Thám hiểm biển số 13 cũng dùng nó trong một cuộc diễn tập huấn luyện tại Djibouti.
Các xe tác chiến ở Vùng Vịnh là một phần của Đơn vị Thám hiểm Hải quân 11 có trụ sở tại California, được triển khai 6 tháng trên biển cùng Nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Boxer của Hải quân Mỹ đến Trung Đông để phát hiện UAV, đã đi qua eo biển Hormuz hôm 18/7. USS Boxer không hoạt động độc lập mà di chuyển cùng một tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry - tàu USS Lewis B. Puller và một tàu khu trục lớp Arleigh Burke bảo đảm nhiệm vụ phòng không bằng các loại tên lửa tầm xa SM-2MR, tầm trung RIM-162 ESSM và pháo tự động.
Bản thân USS Boxer được trang bị nhiều hệ thống đánh chặn và chế áp điện tử, giúp vô hiệu hóa UAV đối phương trước khi chúng kịp tiếp cận. Trong trường hợp biện pháp tấn công điện tử không thể ngăn chặn UAV đối phương, USS Boxer có thể sử dụng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow và RIM-116, cùng hệ thống phòng thủ cực gần (CIWS) Phalanx để bắn hạ chúng.
Thay gi qua viec tau chien My de dang ban ha may bay Iran?-Hinh-2
LMADIS được gắn trên xe MRZR của Polaris Defense. Ảnh: Navy Times.

Tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger cũng là một lựa chọn được Quân đội Mỹ nâng cấp để đối phó với phi cơ không người lái bay thấp trong những năm gần đây. Ngoài những vũ khí tích hợp trên tàu, USS Boxer cũng có thể triển khai trực thăng vũ trang để bắn hạ những chiếc UAV áp sát ở khoảng cách nguy hiểm. Trực thăng AH-1Z Viper trên tàu đổ bộ này được trang bị tên lửa đối không AIM-9M có khả năng tấn công trực thăng, máy bay hoặc UAV của đối phương cách xa 20 km.
Việc Iran dùng máy bay không người lái và các tàu xuồng không người lái cỡ nhỏ để quấy rối tàu chiến Mỹ tại vùng Vịnh không còn là hãn hữu. Ngoài mục tiêu do thám, UAV Iran còn có khả năng sử dụng hỏa lực, hoặc thực hiện tấn công cảm tử. Hàng ngày, Iran phái từ 2-3 UAV bay trên không phận khu vực vùng Vịnh nhằm theo dõi tình hình eo biển Hormuz. Máy bay không người lái Shahed 129 là máy bay trinh sát và chiến đấu mà Tehran thường xuyên sử dụng để theo dõi các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.
UAV Shahed 129 do Iran sản xuất từ năm 2012, được coi là bản sao của mẫu MQ-1 Predator của Mỹ, dài 8m, sải cánh 16m, khối lượng cất cánh tối đa 990kg, phạm vi hoạt động 1.700km, tốc độ 150km/h và có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ, mang theo lượng vũ khí 400kg, trang bị các loại tên lửa đối đất hoặc bom thông minh Sadid-345.
Lầu Năm Góc từ lâu đã coi các loại UAV tấn công có thể mang tên lửa dẫn đường chính xác hoặc bom thông minh của Iran là mối đe dọa tiềm tàng và rất nghiêm trọng với lực lượng Mỹ triển khai ở Trung Đông, buộc hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực phải sử dụng hệ thống phòng thủ đa tầng để bảo vệ binh sĩ. Tàu đổ bộ USS Boxer đã sử dụng 'Mắt thần' LMADIS gây nhiễu để chặn liên lạc trước khi hạ chiếc Shahed 129 ở eo biển Hormuz hôm 18/7 vừa rồi mà không tốn một viên đạn.
Theo một số chuyên gia, LMADIS là hệ thống đại diện cho một bước tiến mới trong việc thiết lập các hệ thống phòng không tầm ngắn mạnh hơn mà Hải quân và Thủy quân Lục chiến, cũng như Lục quân và Không quân Mỹ đang tích cực theo đuổi bên cạnh các phương án khác bao gồm các loại vũ khí năng lượng định hướng, như vũ khí laser hoặc vũ khí viba cường độ mạnh. Đồng thời, thực tế đã chứng minh, chiến tranh công nghệ cao đang hiện hữu khi các vũ khí hiện đại đều có khả năng tự động điều khiển và tiêu diệt lẫn nhau.
So với các phương tiện phòng thủ khác, LMADIS mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp, đặc biệt chỉ cách đây vài năm, một đồng minh của Mỹ đã sử dụng tên lửa Patriot trị giá 3 triệu USD chỉ để tiêu diệt một UAV trị giá 200 USD. Trong khi pháo và tên lửa có thể bắn trượt, các loại vũ khí năng lượng lại rẻ hơn và hiệu quả hoạt động cao hơn, bởi chũng không thể bị phát hiện bởi các loại UAV. Theo USNI News, vụ bắn hạ UAV Shahed 129 của Iran được coi là vụ tấn công được biết đến đầu tiên bởi một thế hệ chiến tranh điện tử mới và vũ khí năng lượng định hướng của Mỹ.
Theo Lê Ngọc/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm